Có lẽ, chúng ta sẽ khó kiếm được một đội bóng nào khi tham dự các giải đấu tầm quốc tế lại luôn phải mang theo những thùng mì tôm như hành lý không thể thiếu như U23 Việt Nam sang Qatar dự VCK U23 châu Á.
Chưa nói đến những đội bóng hàng đầu thế giới, ngay những đội bóng ở châu lục, hay Đông Nam Á mỗi khi sang Việt Nam thi đấu giao hữu một vài trận cũng có khoảng ít nhất 2-3 người đầu bếp riêng. Đội tuyển Thái Lan chỉ sang Việt Nam 3 ngày chuẩn bị cho trận đấu lượt về vòng loại World Cup vừa qua cũng mang sang 4 đầu bếp. Còn Đội tuyển Iraq, con số này là 6.
Nhiều phụ huynh cảm thấy lo lắng khi con mình mang mì tôm ra nước ngoài làm thức ăn trong quá trình thi đấu và tập luyện.
Với các CLB hàng đầu như Arsenal hay Manchester City khi sang Việt Nam, vấn đề dinh dưỡng và thực phẩm được họ đặt lên hàng đầu. Thực đơn mỗi ngày được họ lên danh sách một cách khoa học với yêu cầu rất nghiêm ngặt.
Ai cũng biết, vấn đề dinh dưỡng và thực phẩm là cực kỳ quan trọng trong thể thao, nhiều tấm HCV của Thể thao Việt Nam từng bị mất ở Indonesia hay Myanmar chỉ vì ngộ độc thực phẩm trước giờ thi đấu. Ở Singapore vừa qua, VĐV TDDC, Phan Thị Hà Thanh cũng từng chia sẻ sở dĩ cô bị té ngã khi thi đấu vì trước đó cô không thể ăn uống được với đồ ăn ở quốc gia này.
Việc đội tuyển không có chuyên gia dinh dưỡng khiến cho các cầu thủ luôn thụ động trong vấn đề ăn uống. Khách sạn nấu cái gì, thì họ phải ăn cái đó, nếu không hợp thì về phòng pha mì tôm cho đỡ đói bụng.
Tuy nhiên, dù ai cũng thấy điều quan trọng trên nhưng Thể thao Việt Nam nói chúng và bóng đá Việt Nam nói riêng lại không quan tâm đến vấn đề này. Từ quá trình tập trung đội tuyển U23, ĐTQG trong nước đến khi thi đấu ở nước ngoài, thực đơn của đội tuyển hoàn toàn được giao phó cho các đầu bếp ở khách sạn mà đội tuyển ở theo kiểu họ cho ăn gì, thì ăn nấy.
Chính việc để các cầu thủ có gì, ăn đó đã khiến họ rơi vào tâm lý sợ không hợp với đồ ăn mà khách sạn nấu ở mỗi khi thi đấu xa nhà. Vì lẽ đó, những thùng mì tôm trở thành hành lý không thể thiếu của các cầu thủ mỗi khi lên đường ra nước ngoài thi đấu.
Năm 2014, khi U19 Việt Nam thi đấu cũng như tập luyện ở nước ngoài đều có đầu bếp riêng, điều đó giúp các cầu thủ ăn ngon hơn và đủ dinh dưỡng hơn. Đấy là cũng gợi ý để VFF quan tâm hơn đến chế độ dĩnh dưỡng của các cầu thủ.
U19 Việt Nam năm 2014 có đầu bếp riêng giúp các cầu thủ không lo ngại vấn đề dinh dưỡng.
Thế nhưng, ngoài U19 Việt Nam của 2014 ra thì các đội tuyển khác đều không nhận được sự quan tâm như thế.
Và quả thực, nhìn hình ảnh các cầu thủ mang mì tôm sang nước ngoài không ít bản thân phụ huynh cũng thấy lo lắng cho con của mình, dù họ đang khoác áo đội tuyển và được ở khách sạn tiêu chuẩn 4 sao. Nó không chỉ thể hiện sự chuẩn bị không tốt về mặt dinh dưỡng mà cả vấn đề tâm lý đối với các cầu thủ trước ngày xung trận.