"S.O.S Sói Trắng" hay lời kêu cứu trong vô vọng của người xem phim?

Nguyễn Đồng Minh Hiếu, Theo Trí Thức Trẻ 14:07 18/06/2017

Giữa tháng phim hè sôi động đầy những cái tên hấp dẫn, "S.O.S Sói Trắng" xuất hiện như một lời nhắc nhở rằng: vẫn còn đó những phim Việt đáng sợ hơn một cơn ác mộng.

Khi thị trường điện ảnh nước nhà năm 2017 đang chứng kiến sự thành công rực rỡ về doanh số, tầm vóc của Em chưa 18 hay những cái tên được chú trọng về cảm xúc như Lô Tô, Cha Cõng Con, gần nhất là Đảo của dân ngụ cư đều kể về câu chuyện của những mảnh đời khuất lấp, thì dự án S.O.S Sói Trắng của đạo diễn tên tuổi Lê Hoàng với hướng khai thác vào chủ đề ấu dâm cũng nhận được sự quan tâm kha khá trước ngày công chiếu.

Thế nhưng, khi bước ra khỏi rạp, điều đầu tiên khán giả tự hỏi chính là: làm thế nào để quên đi những gì mình vừa xem?

S.O.S Sói Trắng hay lời kêu cứu trong vô vọng của người xem phim? - Ảnh 1.

Ngay từ giây phút bộ phim bắt đầu, người xem đã cảm thấy sự nhạt nhẽo và sến súa phủ đầy bầu không khí của phim. Sự nhạt nhẽo đến ngạt thở ấy bị kéo dài một cách lê thê suốt bộ phim, bóp chặt và đay nghiến lên những mong chờ và kì vọng của khán giả trong rạp.

Nhạt từ hội thoại cho đến cách các nhân vật tương tác với nhau, nhạt trong diễn biến câu chuyện và cả cách xử lý vấn đề. Đến một phút giây nhất định nào đó, phần lớn người xem trong rạp quyết định dừng việc đoán xem ai là kẻ ấu dâm và đơn giản chỉ ngồi ôm mặt hối hận cho quyết định chọn lựa phim của mình.

S.O.S Sói Trắng hay lời kêu cứu trong vô vọng của người xem phim? - Ảnh 2.

Tim Cát Vũ

S.O.S Sói Trắng là một hành trình sẽ ghim vào não người xem những nỗi đau mang tên "tuyệt vọng". Sự tham gia của Tim trong vai trò nam chính cũng không thể nào khiến bộ phim trở thành một sản phẩm dễ xem, thậm chí còn khiến nó dở hơn rất nhiều.

Lối diễn xuất của anh đem lại một cảm giác bất ổn, khó hiểu. Những phút giây tỏa sáng của nam ca sĩ chỉ duy nhất khi anh đứng hát trên sân khấu trong phim và có lẽ đó cũng chính là những gì anh nên làm thay vì lấn sân sang điện ảnh. Việc tập trung quá nhiều vào các trường đoạn biểu diễn thiếu sáng tạo đến mức dường như nhà sản xuất đã vay mượn ý tưởng từ một chương trình tạp kĩ kinh phí thấp đã thể hiện rằng đạo diễn lẫn biên kịch "thừa" dung lượng phim đến mức nào.

S.O.S Sói Trắng hay lời kêu cứu trong vô vọng của người xem phim? - Ảnh 3.

Song Ngư và Hải Triều

S.O.S Sói Trắng hay lời kêu cứu trong vô vọng của người xem phim? - Ảnh 4.

Quỳnh Hương, gà cưng của Vũ Khắc Tiệp

Không hơn không kém Tim chính là Quỳnh Hương (vai Ly) trong vai cô bạn gái của nam ca sĩ Trần Tèo (Tim) và bạn thân của cô, Mai (Song Ngư đóng). Cả hai nhân vật nữ này dường như bị biên kịch và đạo diễn vứt lên một chuyến tàu lượn xúc cảm, lúc lên lúc xuống đầy bất ngờ khiến người xem không kịp trở tay. Phải chăng, đây chính là góc nhìn của Lê Hoàng về những người con gái sáng nắng chiều mưa tâm hồn bất ổn?

Nói về Hải Triều, vai Ngọc lần này lại gây cảm giác đáng tiếc. Từng tỏa sáng và giành được khá nhiều thiện cảm ở Lô Tô, nam diễn viên đã phá hỏng tất cả hào quang của mình chỉ với vài phút khóc lóc trong S.O.S Sói Trắng. Tuy được miêu tả như một chàng trai đỏm dáng nhưng rất biết suy nghĩ, vai diễn Ngọc tiếp tục tiếp nối truyền thống đứa-bạn-3D-quen-thuộc được thể hiện dưới lối diễn xuất không hiểu vì sao mà rất thái quá của anh.

S.O.S Sói Trắng hay lời kêu cứu trong vô vọng của người xem phim? - Ảnh 5.

Bên cạnh đó, việc liệt kê tất cả lỗi trong kịch bản (plot hole) dường như bất khả thi. Đơn giản, vì có quá nhiều lỗi. Sự kệch cỡm trong việc kết nối các trường đoạn và tình huống cũng như tâm lý các nhân vật lúc tốt lúc xấu, lúc vui lúc buồn, lúc hào hứng gào điên lên, lúc lại ngồi thẫn thờ than thở "mệt quá rồi" thực sự đẩy đẩy cảm xúc của người xem xuống một vực thẳm của những đớn đau tâm hồn có lẽ không bao giờ lành lặn nổi.

Khá đáng khen cho nhà sản xuất phim khi chọn một vấn đề khá gây tranh cãi hiện nay là ấu dâm để khai thác, qua đó gửi gắm những thông điệp cũng như thái độ về vấn nạn này đến người xem. Thế nhưng, ngay cả thông điệp của phim cũng có vấn đề.

Thay vì đưa ra một cái nhìn rõ ràng, cụ thể hoặc ít nhất là trung lập về các tội phạm ấu dâm rằng đó là những người có bệnh về tâm thần và cần điều trị, giúp đỡ cũng như quản lý, bộ phim một mực ghim vào não khán giả lời khẳng định "kẻ nào ấu dâm, kẻ đó đáng chết". Mạnh mồm là thế nhưng khi có đứa bé mất tích, 100% các nhân vật không mấy ai quan tâm cho lắm mặc cho tiếng khóc ầm ĩ của bà mẹ xé nát lỗ tai người ngồi trong rạp.

S.O.S Sói Trắng hay lời kêu cứu trong vô vọng của người xem phim? - Ảnh 6.

Kiều Trinh trong vai người mẹ bị lạc con

Lẽ ra một bộ phim về ấu dâm cần nói lên được cảm xúc của nạn nhân, nhưng ở đây… người nhà đã cướp hết đất diễn của các bé mất rồi. Trong lúc cô chị hết khóc lại cười, hết cười lại suy sụp, thì đứa em bị lạm dụng chỉ mất vài cảnh phim trông có vẻ mệt mỏi, yếu ớt. Tinh thần của các cậu bé, trong khi đó, lại chẳng hề được tác giả quan tâm và chỉ được thể hiện qua loa dưới cái tên "ác mộng" đầy sáo rỗng.

S.O.S Sói Trắng hay lời kêu cứu trong vô vọng của người xem phim? - Ảnh 7.

Thêm vào đó, yếu tố hài nhảm – một trong những thứ thiếu sáng tạo nhất và có phần "rẻ tiền" vẫn bị tận dụng triệt để trong phim. Không biết cố tình hay vô ý, những trò đùa của phim rất… không liên quan và thường được áp dụng trong những tình huống khó hiểu, vô duyên.

Ngay trong lúc căng thẳng nhất nữ chính vẫn có thể đùa cợt một cách nhảm nhí và phá hỏng bầu không khí trong rạp, liệu bộ phim có còn tôn trọng cảm xúc của khán giả không? Chứng kiến rất nhiều người bỏ ra khỏi rạp từ sớm cũng như những người ở lại thì vật vã trên chiếc ghế cùng những xúc cảm khó hiểu không tên, khán giả không tránh khỏi tự hỏi khi nào cơn ác mộng này sẽ kết thúc.

Đây là một trong những tác phẩm đáng để tâm của làng phim Việt, đơn giản bởi vì chất liệu lẫn chất lượng có phần "đặc biệt" của nó. Hoan nghênh sự bạo dạn của nhà sản xuất trong nỗ lực nâng cao sự hiểu biết về ấu dâm là một chuyện, nhưng làm sao để truyền tải thông điệp đó một cách thấu đáo, hợp lý thì lại là chuyện khác.

Có lẽ S.O.S Sói Trắng sẽ là một cái tên đáng để xem nếu bộ phim thực sự hiểu đâu là điều bản thân nó cần quan tâm: là hài hước giải trí, là dấy lên một lời cảnh báo hay là một tác phẩm thần tượng dở dở ương ương?