Sóng nhiệt "tấn công" nhiều nước trên thế giới với tốc độ nhanh gấp hàng chục lần lịch sử: Tình hình cấp bách

Tất Đạt, Theo Phụ nữ Số 09:00 27/07/2023
Chia sẻ

SCMP dẫn các nghiên cứu cho biết, nhiệt độ của các quốc gia đang nóng lên do việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch vẫn tiếp diễn với mức độ cao trong nhiều năm qua.

Nắng nóng kỷ lục

Theo một nghiên cứu của tổ chức học thuật World Weather Attribution (WWA), những đợt nắng nóng kỷ lục đã thiêu đốt Bắc Mỹ, Châu Âu và Trung Quốc sẽ trở nên tồi tệ hơn trong tương lai trừ khi thế giới ngừng đốt nhiên liệu hóa thạch.

Nghiên cứu cho biết, do biến đổi khí hậu, Trung Quốc hiện có khả năng phải trải qua các đợt nắng nóng với tốc độ nhanh gấp 50 lần so với trước đây - vốn chỉ xảy ra một lần trong 250 năm. Trong khi đó, nắng nóng gay gắt như vậy ở Bắc Mỹ và Châu Âu gần như chưa từng có.

Các nhà khoa học đã xử lý dữ liệu thời tiết và mô phỏng mô hình máy tính - có tính đến nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng 1,2 độ C kể từ cuối những năm 1800 - để kết luận rằng sóng nhiệt không còn hiếm do sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Sóng nhiệt tấn công nhiều nước trên thế giới với tốc độ nhanh gấp hàng chục lần lịch sử: Tình hình cấp bách - Ảnh 1.

"Những sự kiện như thế này hiện có thể xảy ra khoảng 15 năm một lần ở Bắc Mỹ, khoảng 10 năm một lần ở Nam Âu và khoảng 5 năm một lần ở Trung Quốc", nghiên cứu của WWA cho biết.

Friederike Otto, giảng viên cao cấp về khoa học khí hậu tại Viện Môi trường và Biến đổi Khí hậu Grantham, cho biết kết quả nghiên cứu "không có gì đáng ngạc nhiên".

"Thế giới vẫn chưa ngừng đốt nhiên liệu hóa thạch, khí hậu tiếp tục ấm lên và các đợt nắng nóng tiếp tục trở nên khắc nghiệt hơn. Đơn giản chỉ có thế", bà nói.

"Chúng ta vẫn còn thời gian để đảm bảo một tương lai an toàn và khỏe mạnh, nhưng chúng ta cần khẩn trương ngừng đốt nhiên liệu hóa thạch và đầu tư vào việc giảm thiểu nguy cơ. Nếu không, hàng chục nghìn người sẽ tiếp tục chết vì các nguyên nhân liên quan đến nhiệt mỗi năm".

Nhiệt độ trên 45 độ C đã tấn công miền nam châu Âu, một số vùng của Hoa Kỳ, Mexico và Trung Quốc vào tháng 7, đốt cháy các khu rừng và gây ra sự gia tăng số ca nhập viện lớn nhất kể từ đại dịch ở nhiều nơi trên thế giới.

Trên khắp châu Á, các đợt nắng nóng đã trở nên tồi tệ hơn do El Nino , một hiện tượng thời tiết dẫn đến những đợt nóng hơn, khô hơn và làm gián đoạn thời gian mưa.

Tình hình đáng báo động

Nghiên cứu mới được thực hiện bởi 7 nhà nghiên cứu, bao gồm các nhà khoa học từ các trường đại học và cơ quan khí tượng ở Anh, Hà Lan và Mỹ. Phân tích tập trung vào các khoảng thời gian nắng nóng nguy hiểm nhất ở mỗi khu vực: từ ngày 1 đến ngày 18/7 ở Mỹ và Mexico, từ ngày 12 đến ngày 18/7 ở Nam Âu và từ ngày 5 đến ngày 18/7 ở Trung Quốc.

Theo nghiên cứu, biến đổi khí hậu khiến các đợt nắng nóng trở nên nóng hơn so với trước đây: đợt nắng nóng ở châu Âu nóng hơn 2,5 độ, ở Bắc Mỹ là 2 độ và ở Trung Quốc cao hơn khoảng 1 độ.

Sóng nhiệt tấn công nhiều nước trên thế giới với tốc độ nhanh gấp hàng chục lần lịch sử: Tình hình cấp bách - Ảnh 2.

Nếu nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng lên 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp - một kết quả không thể tránh khỏi trừ khi mọi quốc gia ký kết Thỏa thuận Paris tôn trọng cam kết phát thải ròng bằng 0 của họ - thì những đợt nắng nóng như vậy sẽ trở nên phổ biến hơn, WWA cho biết.

Thỏa thuận Paris đặt ra một khuôn khổ toàn cầu để ngăn chặn biến đổi khí hậu nguy hiểm bằng cách hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức dưới 2 độ và theo đuổi các nỗ lực để hạn chế nó ở mức 1,5 độ. Hiện tại, 194 quốc gia và Liên minh châu Âu đã ký kết.

Nhưng các nhà khoa học cho biết các nhà lãnh đạo thế giới sắp hết thời gian để xây dựng luật nhằm loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch trước Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu - sẽ được tổ chức từ ngày 30/11 đến ngày 12/12 tại Dubai.

Nghiên cứu của WWA được đưa ra sau cuộc họp G20 được tổ chức ở Goa, miền tây Ấn Độ vào tuần trước. Cuộc họp đã đưa ra một tuyên bố về quá trình chuyển đổi năng lượng khiến các nhà khoa học khí hậu thất vọng vì đã không đặt ra mốc thời gian để loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch.

Siddharth Goel, cố vấn chính sách cấp cao tại Viện Phát triển bền vững quốc tế, cho biết các quốc gia G20 lẽ ra phải tìm cách thực hiện cam kết loại bỏ trợ cấp nhiên liệu hóa thạch, vốn đã vượt quá 1 nghìn tỷ USD vào năm ngoái.

Ông nói thêm: "Thật đáng thất vọng khi vấn đề trợ cấp nhiên liệu hóa thạch không có trong chương trình nghị sự và không có lời kêu gọi cắt giảm dần nhiên liệu hóa thạch trong khi các hiện tượng thời tiết cực đoan đang gia tăng trên toàn cầu".

Những người khác cho biết các cuộc đàm phán đang trở nên căng thẳng với lợi ích quốc gia.

Aarti Khosla, giám đốc sáng kiến ​​xây dựng năng lực và tư vấn dựa trên nghiên cứu cho biết: "Văn bản quyết định cho thấy một số quốc gia có lợi ích lớn về nhiên liệu hóa thạch đã thúc đẩy tối đa hóa các giải pháp sai lầm ngay cả khi hướng tới các mục tiêu phát thải ròng bằng 0".

Các nhà hoạt động khí hậu cũng thất vọng vì không đạt được thỏa thuận ở Goa về các mục tiêu COP, bao gồm tăng gấp ba lần công suất năng lượng tái tạo của thế giới và tăng gấp đôi hiệu quả sử dụng năng lượng.

Ben Backwell, Giám đốc điều hành của Hội đồng năng lượng gió toàn cầu cho biết: "Khi chúng ta tiến tới COP28 tại Dubai vào cuối năm nay, chúng ta phải đảm bảo các nhà hoạch định chính sách hiểu rõ về tình trạng khẩn cấp khí hậu và cam kết thực hiện tham vọng cụ thể là tăng gấp ba lần số lượng năng lượng tái tạo toàn cầu vào năm 2030".

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày