Sống mấy chục nồi bánh chưng, bạn đã bao giờ thấy món cháo phải ăn bằng… đũa thế này chưa?

Trà My, Theo Trí Thức Trẻ 00:06 19/06/2019

Cháo hay mì mà phải ăn bằng đũa mới được nhỉ? Trông là lạ thế thôi, cháo se thực chất là một món ăn cộp mác Việt Nam và gắn với cả chiều dài lịch sử dân tộc đấy.

Là người Việt thì chẳng ai lạ gì món cháo nữa. Hà Nội có cháo sườn ăn với quẩy và ruốc, Sài Gòn có cháo sườn sụn thơm lừng mùi xương và thịt bằm. Nhưng bạn có bao giờ nghĩ, ở vài vùng quê, cháo se ăn bằng… đũa mới là đặc sản không?

Nguồn gốc ly kỳ

Cháo se đầy "drama" từ cái tên trở đi. "Se" ở đây có nghĩa như trong cụm từ "se chỉ luồn kim". Cháo không nhuyễn như bột mịn ở Hà Nội, không có hạt như ở Sài Gòn, mà gạo được "se" thành những sợi dài, muốn ăn phải dùng bằng đũa.

Sống mấy chục nồi bánh chưng, bạn đã bao giờ thấy món cháo phải ăn bằng… đũa thế này chưa? - Ảnh 1.

Nhìn qua tưởng là một loại bánh, nhưng đây đích thị là cháo đấy!

Lí do vì sao nó vẫn được xem là cháo chứ không phải bánh cũng khá ly kỳ. Trước hết, hãy nhìn qua lịch sử ba chìm bảy nổi của cháo se. Món cháo gắn với vùng làng Hương Canh, tỉnh Vĩnh Phúc và cuộc kháng chiến suốt 7 năm không lúa gạo. Vào những năm cuối của cuộc chiến giữa dân làng Hương Canh chống quân khởi nghĩa Nguyễn Danh Phương (1741 - 1750), lương thực ngày càng khan hiếm do bị giặc cướp hết nông sản của 7 mùa vụ trước đó. Người dân mới đồng lòng "góp gạo thổi cháo chung", đem gạo tẻ trong nhà xay hết ra, nấu cháo cho tiết kiệm. Tuy nhiên, cháo ăn rất mau đói, nên dân làng nghĩ ra cách "se" bột gạo thành những sợi bánh dài, thả vào cháo để có cảm giác ăn được nhiều, chắc bụng hơn. Món cháo se từ đó ra đời.

Đơn giản mà kì công

Tuy nhiên, khi nhìn vào cách nấu món này, bạn sẽ càng hiểu tại sao nó được gọi là cháo chứ không phải bánh.

Cháo sẽ đơn giản, bình dân, chỉ có giá 1.000 – 3.000 đồng/bát, nhưng lại không phổ biến vì nó làm quá… mất công. Hai thành phần quan trọng nhất của cháo là nước dùng và sợi bột. Trước hết, người ta phải chọn loại xương heo non, ngon và sạch, nấu nhừ để lấy chất ngọt. Sau đó, khi nước dùng hẵng còn nóng hôi hổi, trích một ít trộn với bột gạo tẻ loại ngon. Bước này giúp sợi cháo dẻo và dai hơn hẳn.

Sống mấy chục nồi bánh chưng, bạn đã bao giờ thấy món cháo phải ăn bằng… đũa thế này chưa? - Ảnh 2.

Tiếp đến là công đoạn không ai muốn làm nhưng buộc phải có: "Se" bột. Người ta vắt từng nhúm bột nhỏ vừa ăn, se trong hai lòng bàn tay đến khi sợi bột dài dài, rồi thả vào nồi nước xương đang sôi sùng sục. Bột se khéo, nước sôi già, thì sợi cháo sẽ nổi lên mặt nước chứ không bị nhão hay quấn vào nhau. Người se bột cũng phải thật nhanh tay, để thả bột liên tục vào nồi nước, vì bột nấu lâu sẽ bị nhão, mất cả ngon.

Sống mấy chục nồi bánh chưng, bạn đã bao giờ thấy món cháo phải ăn bằng… đũa thế này chưa? - Ảnh 3.

Ngày xưa thiếu thốn, cháo se chỉ có thể, nước xương, bột gạo và chút gia vị. Bây giờ món cháo có thể có thêm thịt nạc vai hoặc gà, xào thơm với hành rồi trộn vào sau cùng. Mùi bột gạo mới xay, mùi thịt xào thơm, mùi nước dùng ngọt thanh từ xương hòa cùng cái kết cấu dẻo dẻo, dai dai từ những con se đã làm nên món ăn bình dân mà vô cùng hấp dẫn. Cháo se được miêu tả là "đốn ngã" không chừa một ai và không chừa thời tiết nào: Mùa đông xì xụp thì ấm bụng, mùa hè ăn lại thanh thanh, dễ chịu.

Quà quý không dễ tìm

Cháo se rất rẻ, ngon lạ miệng, nhưng lại không quá phổ biến vì làm quá mất công. Bình thường, người dân làng Hương Canh cũng không nấu món này. Cháo se chỉ thường được nấu vào các dịp lễ lạc quan trọng, khi các nhà tụ tập với nhau bên nồi nước xương, người se bột người quấy cháo, biến nó từ một món ăn chống đói trở thành biểu tượng văn hóa phong tục, với sức mạnh gắn kết con người.

Sống mấy chục nồi bánh chưng, bạn đã bao giờ thấy món cháo phải ăn bằng… đũa thế này chưa? - Ảnh 4.

Nếu muốn thưởng thức cháo se, bạn phải tìm đến khu vực tỉnh Vĩnh Phúc, những làng cổ như Hương Canh hoặc xã Liên Trung – nơi có nghề nấu cháo se 20 năm gia truyền. Dẫu vậy, việc "lặn lội" này dường như càng làm món "cháo ăn bằng đũa" trở nên độc đáo, gây tò mò và kích thích hơn nữa!

Sống mấy chục nồi bánh chưng, bạn đã bao giờ thấy món cháo phải ăn bằng… đũa thế này chưa? - Ảnh 5.