Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng - cho biết: "Việc khách hàng gửi tiền tại ngân hàng bị mất tiền tại MSB chứng tỏ hệ thống có lỗ hổng. Lỗ hổng này có thể là quy trình ngân hàng, có thể là việc thực hiện các quy định và quy trình nội bộ, cũng có thể là do đạo đức kinh doanh của cán bộ ngân hàng và cuối cùng là quy định của Ngân hàng Nhà nước".
Như Tiền Phong đã đưa tin, Công an TP. Hà Nội đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Bùi Thị Hoài Anh - Giám đốc Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam ( MSB ), chi nhánh Thanh Xuân, Hà Nội. Theo thông tin ban đầu, bà Bùi Thị Hoài Anh có hành vi gian dối, chiếm đoạt tài sản của 8 bị hại là những người gửi tiền tại MSB, với tổng số tiền gần 340 tỷ đồng.
Trước đó, trả lời PV Tiền Phong, đại diện MSB cho biết ngân hàng đã phát hiện dấu hiệu bất thường liên quan đến cán bộ nhân viên với nhóm khách hàng trên.
8 khách hàng mất gần 340 tỷ đồng khi gửi tại Ngân hàng MSB.
Trao đổi với PV Tiền Phong, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho biết vụ việc này hoàn toàn lỗi trong hệ thống ngân hàng. Cán bộ ngân hàng làm sai, phía ngân hàng phải chịu trách nhiệm. Việc ngân hàng đổ lỗi cho cá nhân cán bộ sai phạm và thờ ơ trước quyền lợi của người gửi tiền là những hành động có thể tạo nên nguy cơ rủi ro lớn trong hoạt động của cả hệ thống ngân hàng.
Theo ông Hiếu, tại ngân hàng nước ngoài như ở Mỹ, trường hợp người gửi tiền trong ngân hàng bị mất do lỗi của cán bộ ngân hàng, lập tức ngân hàng có trách nhiệm trả tiền cho khách. Chỉ cần 3 ngày, phía ngân hàng có phương án xử lý với khách hàng.
"Qua vụ việc mất hàng trăm tỷ đồng trên, Ngân hàng Nhà nước cũng nên xem lại quy trình. Khi vay tiền ngân hàng luôn có hợp đồng bảo vệ chặt chẽ, nhưng ngược lại khi gửi tiền không có điều khoản nào bảo vệ quyền lợi. Khi tranh chấp, người gửi ở thế yếu, không có thông tin gì. Cơ quan quản lý có giải pháp để tăng cường quyền lợi người gửi tiền, qua đó củng cố niềm tin của công chúng với hệ thống ngân hàng", ông Hiếu nói.
Theo các chuyên gia ngân hàng, những vụ mất tiền thời gian qua đa phần đều chung đặc điểm là xảy ra với các khách VIP do họ có chế độ được các ngân hàng chăm sóc đặc biệt từ các công đoạn gửi tiền, rút tiền cho đến nhận quà tặng, lãi suất nên họ đã chủ quan, thậm chí nhiều người còn tin tưởng tuyệt đối vào những cán bộ ngân hàng họ có quen biết (hay được giới thiệu). Đây cũng là “kẽ hở” của khách để những cán bộ suy thoái về đạo đức nghề nghiệp, dụng tâm lừa đảo và... trục lợi. Những vụ việc thời gian qua ít nhiều ảnh hưởng tới uy tín giới nhà băng.
Liên quan tới vụ việc, chia với PV Tiền Phong, hai trong số 8 nạn nhân vụ việc này - là bà Nguyễn Thị Lân và bà V.T.K.O. (cùng trú tại Hà Nội) - cho biết được cán bộ MSB mời mở tài khoản vào tháng 3/2021.
Đáng chú ý, tài khoản cá nhân được mở nhưng do Ngân hàng MSB quản lý để báo cáo số dư cuối ngày và cuối tháng, phục vụ cho việc tính chỉ số giá chứng khoán của MSB. Khách hàng không được quản lý tài khoản trên app điện thoại, không được cài tin nhắn thông báo số dư tài khoản qua điện thoại.
Bà Lân và bà O. đã nhiều lần chuyển tiền vào tài khoản. Đến đầu tháng 10/2023, số dư tài khoản (theo xác nhận của ngân hàng) trong tài khoản của bà Lân là 58,65 tỷ đồng (tại ngày 7/10/2023), tài khoản bà O. là 27,7 tỷ đồng (tại ngày 5/10/2023).
Tuy nhiên, cùng trong ngày 12/10/2023, bà Lân và bà O. yêu cầu sao kê tài khoản, cả hai phát hiện số tiền trong tài khoản của cả hai "bốc hơi" chỉ còn dưới 100.000 đồng. Cả hai nữ khách hàng này đều khẳng định không có bất kỳ giao dịch rút tiền hay chuyển khoản nào sau thời điểm MSB xác nhận số dư tài khoản vào đầu tháng 10.
Luật sư của 2 khách hàng cho rằng trường hợp nếu cán bộ hoặc giám đốc các chi nhánh MSB có những hành vi lừa đảo khách hàng mà cán bộ lãnh đạo, pháp chế, kiểm soát… của ngân hàng không kiểm tra giám sát phát hiện xử lý để mất tiền của khách hàng thì ngân hàng phải hoàn toàn chịu trách nhiệm bồi thường và thanh toán trả tiền cho khách hàng.