Tiểu Hồng (10 tuổi, Trung Quốc) bắt đầu bị táo bón, chướng bụng gần đây. Ban đầu, gia đình cho rằng đó chỉ là táo bón thông thường do nhu động ruột yếu. Để giảm bớt sự khó chịu của cô bé, gia đình đã đưa cô bé đi mát xa cho trẻ em. Trong quá trình xoa bóp, người mát xa phát hiện bụng của Tiểu Hồng phồng lên bất thường, không chỉ là đầy hơi nên đề nghị bố mẹ cô bé đưa đi khám.
Sau khi nhập viện, kết quả xét nghiệm của Tiểu Hồng khiến bố mẹ cô bé sốc: siêu âm phụ khoa cho thấy trong khoang bụng của Tiểu Hồng có một khối rất lớn, to như đang mang thai 6 tháng. Điều khó tin nhất là xét nghiệm cho thấy kết quả thử thai là dương tính.
Mẹ của Tiểu Hồng lo lắng hỏi: “Con tôi bình thường rất hoạt bát và năng động. Từ nhỏ sức khỏe của cháu rất tốt. Ngoài việc thường xuyên bị táo bón, cháu về cơ bản không có vấn đề gì khác. Làm sao trong thời gian ngắn như vậy mà cháu lại có một khối lớn như vậy. Con gái tôi mới 10 tuổi, chưa từng có kinh, làm sao lại dương tính với que thử thai”.
Bác sĩ kiểm tra cẩn thận, hóa ra chiếc bụng lớn của cô bé là khối u tế bào mầm có nguồn gốc từ buồng trứng. Kết quả thử thai dương tính cũng là do khối u gây ra, không phải cô bé có thai.
Sau khoảng 50 phút phẫu thuật, các bác sĩ đã loại bỏ khối u nặng 2,5kg trong bụng cô bé. Sinh thiết bệnh lý cho thấy đây là khối u tế bào mầm hỗn hợp với các thành phần ác tính và phải hóa trị sau đó.
Khối u tế bào mầm buồng trứng là một nhóm khối u buồng trứng có nguồn gốc từ tế bào mầm nguyên thủy. May mắn thay, chúng được phát hiện kịp thời và khối u đã được cắt bỏ ở giai đoạn đầu. Với phương pháp điều trị tiêu chuẩn ở giai đoạn sau, Tiểu Hồng có thể hồi phục hoàn toàn.
Khối u tế bào mầm thường xảy ra ở trẻ em và thanh thiếu niên, tỷ lệ mắc bệnh trước tuổi dậy thì chiếm 60-90%, chẳng hạn như u quái, u ác tính và nội tiết, khối u xoang.
Hầu hết các khối u buồng trứng không có triệu chứng rõ ràng và một số biểu hiện các triệu chứng như táo bón, chướng bụng, cổ trướng, phù chi dưới hoặc kinh nguyệt không đều. Trong thực tế, trẻ trước tuổi dậy thì thường không được khám phụ khoa định kỳ và các triệu chứng lâm sàng ban đầu của loại khối u này cũng không rõ ràng nên rất dễ bỏ sót chẩn đoán.
Các chuyên gia nhắc nhở các bậc cha mẹ rằng trẻ nên được khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt nếu bé gái bị đầy bụng, đau bụng, táo bón nhiều lần hoặc lâu dài. Ngoài việc xem xét các vấn đề về hệ tiêu hóa, cha mẹ cũng nên chú ý xem liệu bé có khả năng mắc bệnh phụ khoa hay không.
Nguồn và ảnh: QQ, The Healthy