Trước khi nghỉ hưu, bà Triệu đã làm việc tại ngân hàng chi nhánh Thẩm Dương, Trung Quốc trong 11 năm. Sau khi nghỉ hưu vào năm 2006, bà quyết định khởi nghiệp và thành lập công ty riêng. Bà cho hay: "Để tri ân nơi tôi từng làm việc, tôi đã gửi gần như toàn bộ tiền cá nhân và công ty vào ngân hàng này".
Vào ngày 12/7/2023, một khoản đầu tư 2 triệu Nhân dân tệ của bà đến hạn. Nhân viên khách hàng cá nhân tên Lưu đã giới thiệu cho bà một sản phẩm tiền gửi tiết kiệm mới với mức lãi suất 3,5%. Sau khi cân nhắc, bà quyết định gửi tiền và để cháu gái mình đứng tên sổ theo lời khuyên của Lưu.
Đến năm 2024, sức khỏe bà Triệu suy giảm do mắc bệnh thận. Bà hỏi nhân viên Lưu về thời gian đáo hạn của khoản tiết kiệm, thì cô này nói sẽ kiểm tra lại hợp đồng. Điều này khiến bà rất ngạc nhiên, bởi theo kinh nghiệm 11 năm làm nhân viên ngân hàng của bà: "Tiền gửi tiết kiệm không bao giờ có hợp đồng cả!".
Bà yêu cầu cô Lưu gửi hợp đồng cho mình qua bưu điện. Khi xem qua, bà Triệu bàng hoàng nhận ra: "Số tiền 2 triệu tôi gửi lại biến thành một hợp đồng bảo hiểm có giá trị 860 nghìn Nhân dân tệ". Bà lập tức gọi điện cho cô Lưu, nhưng chỉ nhận được câu trả lời ngắn gọn: "Hãy hỏi cháu gái của bà".
Cháu gái của bà Triệu, Tiểu Giang, cho biết: "Năm ngoái, cô Lưu đã gọi đến và nói rằng bà nội muốn mua bảo hiểm cho tôi. Vì cô ấy là nhân viên ngân hàng quen biết bà nhiều năm, tôi đã tin tưởng làm theo."
Bà Triệu phản bác: "Cháu gái tôi mới 21 tuổi (hồi năm ngoái), đang học năm ba đại học, tại sao tôi lại muốn mua bảo hiểm trọn đời nó?".
Theo bà Triệu, vào tháng 6 năm ngoái, cô Lưu đã gửi cho bà nội dung liên quan đến đầu tư qua điện thoại. Do sức khỏe yếu, bà chỉ lịch sự trả lời "Được rồi". "Cô ấy đã lợi dụng đoạn tin nhắn này để thông báo với cháu gái tôi rằng bà nội đã đồng ý mua bảo hiểm", bà bức xúc nói.
Do không am hiểu về lĩnh vực tài chính ngân hàng, Tiểu Giang cho rằng bảo hiểm và tiền gửi tiết kiệm không có sự khác biệt lớn: "Tôi nghĩ bảo hiểm hay gửi tiết kiệm cũng giống như để tiền trong Alipay hay WeChat". Vì đã quen biết lâu với cô Lưu, Tiểu Giang không nghi ngờ gì và hoàn thành các thủ tục theo hướng dẫn từ xa của cô.
Bà Triệu cũng nhấn mạnh rằng trong quá trình hướng dẫn Tiểu Giang điền thông tin trên hợp đồng, Lưu chỉ hướng dẫn từ xa qua mạng sau đó để một đồng nghiệp khác tiến hành giao dịch. "Lưu đã thực hiện nhiều hành vi vi phạm rõ ràng trong quá trình tư vấn hợp đồng bảo hiểm", bà Triệu cho biết.
Ngày 6/9/2024, bà đã nhờ người quen giúp đỡ và gửi khiếu nại lên cơ quan giám sát ngân hàng địa phương.
Vào khoảng 3 giờ chiều ngày 25/9/2024, phóng viên đã liên lạc với Lưu. Cô nói rằng mình làm trong ngành dịch vụ, là nhân viên ngân hàng nên việc tiết lộ thông tin khách hàng là vi phạm pháp luật.
Đối với các khiếu nại của bà Triệu về "Quảng cáo sai sự thật, Bán hàng gây hiểu lầm, Không thông báo đầy đủ thông tin", Lưu nói rằng: "Bà ấy có ý kiến riêng, tôi có quan điểm riêng, nếu muốn bà Triệu hoàn toàn có thể thông qua các cơ quan quản lý để khiếu nại, thậm chí kiện tụng".
Lưu cho biết thêm, ngân hàng có quy định khi gặp gỡ, trả lời phỏng vấn truyền thông cần có người đứng ra đại diện và tuân theo các quy trình liên quan, do đó cô từ chối tiết lộ sâu hơn về vụ việc.
Theo Toutiao