Số phận của những đứa trẻ Afghanistan được sơ tán sang Mỹ mà không có cha mẹ đi cùng

Hoàng Phạm, Theo VOV 10:03 29/12/2021
Chia sẻ

Một đứa trẻ 8 tuổi khóc nức nở khi đi ngủ mỗi đêm, một thiếu niên 17 tuổi ôm chặt chiếc gối và gọi tên cậu em trai nhỏ. Đó chỉ là 2 trong khoảng 1.450 trẻ em Afghanistan được sơ tán sang Mỹ từ tháng 8 vừa qua nhưng không có cha mẹ đi cùng.

Nhiều tháng sau khi tới một đất nước mới, vẫn chưa rõ khi nào hay bằng cách nào 1.450 trẻ em Afghanistan được sơ tán tới Mỹ có thể đoàn tụ với cha mẹ. Con số này cho thấy thực tế của một cuộc sơ tán và hậu quả của nó.

“Thật bất ngờ khi có tới hơn 1.000 trẻ em đang không được ở cùng gia đình của mình. Các em có thể đang cảm thấy cô đơn, lạc lõng và sợ hãi”, Sabrina Perrino, một nha sĩ người Afghanistan tại California cho biết.

Rất nhiều trẻ em đã tìm cách rời khỏi Afghanistan cùng với gia đình nhưng lại bị chia tách trong lúc loạn lạc. Một số em bị lạc cha mẹ trong vụ đánh bom ở sân bay quốc tế Hamid Karzai ở Kabul. Cha mẹ của một số em đã thiệt mạng trong vụ tấn công đó.

Giới chức Mỹ cho biết, phần lớn trong số 1.450 em được đưa tới đây mà không có cha mẹ đi cùng đã nhanh chóng được gửi tới sống cùng những người bảo trợ phù hợp. Một số em được đoàn tụ với người thân thông qua quy trình thủ tục nhanh gọn mà chính quyền Mỹ thiết lập cho trẻ em Afghanistan.

Tuy nhiên, theo số liệu của Văn phòng tái định cư người tị nạn, khoảng 250 em vẫn thuộc sự giám hộ của Chính phủ Mỹ. Phần lớn trong số này đều không có người thân nào ở Mỹ để đoàn tụ.

Những cuộc gọi video trở thành “phao cứu sinh”

2 nam thiếu niên ngồi trên sofa ngoài phòng khách một ngôi nhà ở Bắc Virginia, trông rất bối rối. Ramin 17 tuổi và Emal 16 tuổi, hoàn toàn không có ý định tới Mỹ mà không có cha mẹ đi cùng.

Hai em là bạn thân và là hàng xóm của nhau ở Kabul. Cả 2 đã tìm cách rời khỏi đất nước cùng cha mẹ trong cuộc sơ tán hồi tháng 8, nhưng bị lạc nhau trong vụ tấn công ở sân bay. Cuối cùng chỉ có Ramin và Emal đến được nước Mỹ. Cha mẹ và anh chị em của cả 2 đều bị bỏ lại.

Khi tới Mỹ hồi tháng 9, Ramin bị hoảng loạn, theo lời Wida Amir, một thành viên Tổ chức người Mỹ gốc Afghanistan.

2 thiếu niên bắt đầu đi học và nói rằng chúng đang cố gắng xây dựng một cuộc sống mới ở Mỹ. Cả 2 em rất mừng vì cơ hội được sống an toàn, nhưng lúc nào cũng đau đáu vì gia đình ở Afghanistan vẫn đang gặp nguy hiểm.

Những câu hỏi không được trả lời

Ramin và Emal muốn đoàn tụ với gia đình ở Mỹ. Nhưng gia đình các em ở Afghanistan không biết phải tìm tới đâu để có thể thực hiện điều đó.

“Đó là điều mà cháu luôn hy vọng mà mong ước”, Emal nói.

Những người bảo trợ nói với CNN rằng, hiện chưa rõ các thủ tục cần thiết để những đứa trẻ đoàn tụ với gia đình còn đang ở Afghanistan hoặc các nước khác.

“Việc đoàn tụ các em với cha mẹ chúng thuộc trách nhiệm của ai và điều đó sẽ diễn ra ở đâu?... Đó là những câu hỏi mà chính chúng tôi cũng đang đau đầu”, Jennifer Podkul, Phó Chủ tịch tổ chức bảo trợ trẻ em cần được bảo vệ - một tổ chức giúp những người di cư và trẻ em tị nạn không có người thân đi cùng, cho biết.

Bộ Y tế và các dịch vụ nhân sinh Mỹ cho biết, Chính phủ đang làm mọi điều có thể để giúp đoàn tụ trẻ em Afghanistan với người thân. Nhưng việc rời khỏi Afghanistan lúc này vẫn là một thách thức đáng kể, quy trình thủ tục cho việc đoàn tụ cũng rất khó khăn và có thể mất nhiều thời gian.

Mỗi lần Sima Quraishi tới thăm khu tạm trú của trẻ em Afghanistan ở Chicago, những đứa trẻ đều nói với cô rằng chúng rất nhớ gia đình.

Không ai thay thế được cha mẹ

Nhiều em đang sống với họ hàng, người thân cũng gặp khó khăn.

Ferishta nhìn thấy nỗi đau trên khuôn mặt của cháu gái và cháu trai mình mỗi ngày. Hiện giờ cả 2 đều đang sống cùng cô ở Virginia, nhưng tâm trí của 2 đứa trẻ ở cách xa hàng nghìn dặm.

Mina 8 tuổi và Ahmad Faisal 13 tuổi, đã cố gắng chạy trốn khỏi Afghanistan cùng với cha mẹ và anh trai. Nhưng vụ đánh bom sân bay đã khiến gia đình họ bị phân tán.

Hai đứa trẻ đến được Mỹ vào tháng 9, nhờ sự giúp đỡ của một người hàng xóm. Nhưng mẹ của 2 em đã chết trong vụ đánh bom, còn các thành viên khác trong gia đình bị bỏ lại phía sau, Ferishta cho biết.

Suốt nhiều tháng qua, các thành viên trong gia đình rất sợ phải nói với 2 em về cái chết của mẹ chúng. Cô bé Mina liên tục nhưng câu hỏi mà dì cô bé không biết trả lời thế nào: Tại sao cô bé và anh trai lại đến Đức sau vụ tấn công? Tại sao mẹ của em không thể đi cùng? Khi nào bố em sẽ tới đây?

“Đêm nào con bé cũng khóc cho đến khi ngủ thiếp đi”, Ferishta nói.

Ferishta cố gắng hết sức để an ủi Mina. Nhưng những đứa trẻ cần có cha chúng bên cạnh. Hai em đã trải qua rất nhiều điều đau khổ, điều trị vết thương tại Bệnh viện Landstuhl ở Đức và Trung tâm Y tế Quân đội Walter Reed ngoại ô Washington. Sau đó là 20 ngày ở khu tạm trú Virginia dành cho trẻ vị thành niên không có người bảo hộ đi kèm trong khi Ferishta tìm cách đưa các cháu ra ngoài. Giờ đây, 2 em đau buồn khi biết về cái chết của mẹ mình trong khi phải cố gắng thích nghi với cuộc sống mới ở Mỹ.

Ferishta nói rằng, theo nhiều cách, chúng là những đứa trẻ may mắn. Nếu người hàng xóm không liên lạc với người thân của Mina và Faisal, gia đình có thể vẫn đang tìm kiếm 2 đứa trẻ.

“Tôi có thể cảm thấy nỗi đau của những đứa trẻ đến đây mà không có cha mẹ đi cùng. Hàng ngày được ở bên các cháu của mình, tôi cảm nhận được chúng đã phải chịu đựng biết bao nhiêu điều”, Ferishta cho biết.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày