Hiện nay vấn đề nhà vệ sinh công cộng đang được khách du lịch quan tâm khi mới đây tờ báo Nikkei Asia (Nhật Bản) dẫn lại một nghiên cứu của QS Supplies (một công ty bán nhà vệ sinh có trụ sở tại Anh) đánh giá về chất lượng nhà vệ sinh tại 69 thành phố du lịch trên thế giới. Trong số 69 thành phố này có Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh và cả 2 đều có vị trí thấp, lần lượt là 66 và 67, gần áp chót.
Bảng xếp hạng 69 thành phố du lịch trên thế giới, trong đó TP.HCM xếp hàng 67 về số lượng nhà vệ sinh công cộng trên mỗi km vuông (nguồn báo Nikkei Asia)
Theo nghiên cứu này, chỉ TP. Johannesburg của Nam Phi và TP. Cairo của Ai Cập có nhà vệ sinh kém hơn so với nhà vệ sinh hai thành phố của Việt Nam trên bảng chỉ số được công bố vào đầu tháng 2/2023.
Đặc biệt, tờ Nikkei Asia nhấn mạnh “đường phố của TP.HCM có mọi thứ mà du khách muốn từ món ăn ngon, kiến trúc lịch sử,… nhưng ngoại trừ nhà vệ sinh”.
Qua ghi nhận thực tế, tình trạng thiếu và chất lượng nhà vệ sinh công cộng chưa được đảm bảo vẫn là một vấn đề nan giải bấy lâu nay ở TP.HCM.
Nhà vệ sinh công cộng tại công viên Lê Văn Tám, quận 1 tương đối sạch sẽ nhưng vẫn còn thiếu nước rửa tay, giấy vệ sinh. Một số người sử dụng chưa ý thức được quy định phải bỏ dép cá nhân ra ngoài khi vào nhà vệ sinh
Nhiều nhà vệ sinh trên đường Hàm Nghi đã khoá cửa dừng cho khách sử dụng, hiện tại chỉ còn hai nhà vệ sinh còn sử dụng được nhưng đã xuống cấp dù nhìn bên ngoài khá đẹp
Thực trạng nhà vệ sinh công cộng ít được chú trọng trong việc lau dọn sạch sẽ nhưng nếu xét toàn diện muốn nhà vệ sinh luôn đảm bảo an toàn vệ sinh thì cần có ý thức của người sử dụng. Nếu người sử dụng có ý thức, đi vệ sinh nhớ xả nước hay rác thải bỏ đúng nơi quy định,… sẽ góp phần giúp nhà vệ sinh luôn sạch sẽ, tạo ấn tượng cho khách du lịch đến sau.
“Sẵn sàng trả một khoản phí để được sử dụng nhà vệ sinh sạch sẽ”
Hiện tại nhà vệ sinh công cộng luôn được người dân quan tâm mỗi khi truyền thông quốc tế nhắc đến và ai cũng mong muốn tìm giải pháp cải thiện, để giúp du khách yên tâm khi đến TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung.
Tuy nhiên, một số du khách nước ngoài cũng có cái nhìn khác về nhà vệ sinh công cộng và cho rằng chưa cần thiết phải lắp đặt nhiều nơi trên đường phố vì có thể mất mỹ quan đô thị và không chắc rằng sẽ được đảm bảo sạch sẽ thường xuyên.
Đa số nhà vệ sinh công cộng tại công viên do ngân hàng đầu tư đều được lau dọn thường xuyên nên vẫn sạch sẽ hơn một số nơi khác
Họ cho rằng quán cafe hay TTTM vẫn là lựa chọn tối ưu mỗi khi có nhu cầu giải quyết và hiện tại những dịch vụ kinh doanh thương mại như thế này đang nở rộ nên không thể làm khó khách du lịch.
Eefje (du khách Hà Lan) đang ngắm đường phố TP.HCM chia sẻ: "Tôi nghĩ nhà vệ sinh công cộng chưa thật sự cần thiết lắm, ít nhất là đối với du khách như chúng tôi. Vì bạn có thể đi vệ sinh trong nhà hàng hoặc khách sạn chẳng hạn. Thêm nữa là đi vệ sinh ở những chỗ này thường dễ dàng và thuận tiện hơn là nhà vệ sinh công cộng. Chúng tôi là du khách, chúng tôi ăn ở ngoài và đi khắp nơi nên rất dễ tìm nhà vệ sinh mà không cần dùng đến nhà vệ sinh công cộng".
Eefje (du khách Hà Lan) cho rằng chưa cần thiết sử dụng nhà vệ công cộng trên đường phố
Chung quan điểm với một số du khách nước ngoài, người dân đang sinh sống, học tập và làm việc tại TP.HCM cũng chỉ muốn chọn quán cafe hay TTTM để đi nhà vệ sinh thay vì nhà vệ sinh công cộng.
Bạn Trần Thị Tú (23 tuổi) vừa sử dụng nhà vệ sinh công cộng ở công viên Tao Đàn (quận 3) chia sẻ: "Tôi cũng ít đi vệ sinh ở nhà vệ sinh công cộng vì cảm thấy không an toàn cho sức khoẻ. Riêng đối với nhà vệ sinh tại công viên này tôi thấy cũng sạch sẽ nhưng vẫn còn thiếu các vật dụng cần thiết như giấy vệ sinh hoặc không có vòi xịt, nhưng nhìn chung vẫn thấy nhà vệ sinh ở công viên vẫn tạm ổn".
Theo Tú, nếu đang đi ngoài đường mà có nhu cầu đi vệ sinh thì cô sẽ đến các trung tâm thương mại hoặc quán cafe, hoặc nếu đi chơi ở công viên mà có nhà vệ sinh sạch sẽ thì sẽ thuận tiện hơn.
"Hiện nay nhà vệ sinh công cộng ở TP.HCM còn rất ít và chất lượng nhà vệ sinh cũng tuỳ chỗ, có chỗ sạch sẽ và cũng có chỗ chưa được tốt. Đây là điều quan ngại đối với người dân, đặc biệt là phụ nữ", Tú nói.
Trần Thị Tú cho biết hiện nay nhà vệ sinh công cộng ở TP.HCM vẫn còn rất ít
"Mỗi lần đi ra đường, nếu có nhu cầu tôi cũng sẽ tìm quán cafe để giải quyết nhu cầu vì sẽ được sạch sẽ. Tuy nhiên tôi sẽ cố gắng nhịn để về nhà thì an toàn hơn cho sức khoẻ", Bạn Nguyễn Ngọc Khánh (nữ, 21 tuổi) nói và cho biết rất ít đi nhà vệ sinh công cộng.
Ngọc Khánh cũng cho rằng, nên triển khai thêm nhiều nhà vệ sinh công cộng có thu phí để công tác dọn dẹp, lau chùi được thường xuyên, từ đó giúp nhà vệ sinh được sạch sẽ hơn.
"Du khách sẽ sẵn sàng trả một khoản phí để được sử dụng nhà vệ sinh sạch sẽ, an toàn cho sức khoẻ, từ đó sẽ giúp nhà vệ sinh tồn tại lâu dài hơn, du khách cũng yên tâm đến TP này du lịch", Khánh nói.
Ngọc Khánh đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng nhà vệ sinh để du khách yên tâm khi đến TP.HCM du lịch
Thực trạng nhà vệ sinh công cộng trên đường Hàm Nghi đã xuống cấp, chưa được dọn dẹp sạch sẽ trong thời gian dài
Nghe người nước ngoài nói về nhà vệ sinh bẩn ở TP.HCM
Trước thực trạng này, ngày 24/2, Sở Du lịch TP.HCM cho biết đã có đánh giá thực tế hiện trạng hệ thống nhà vệ sinh tại các điểm quan du lịch trên địa bàn Thành phố.
Theo đó, trong năm 2022, Sở Du lịch đã phối hợp với các sở, ngành, UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện, Hiệp Hội Nhà vệ sinh Việt Nam tổ chức đoàn khảo sát, đánh giá thực tế hiện trạng hệ thống nhà vệ sinh tại 51 khu, điểm tham quan du lịch trên địa bàn Thành phố.
Trên cơ sở kết quả khảo sát, đánh giá này, vào năm 2023 đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với Hiệp Hội Nhà vệ sinh Việt Nam, các sở, ngành có liên quan, UBND Thành phố Thủ Đức và các quận, huyện tham mưu trình UBND Thành phố tiếp tục triển khai một số giải pháp thiết thực để du khách yên tâm.
Du khách sử dụng nhà vệ sinh công cộng ở TP.HCM
Theo đó, Sở Du lịch sẽ thường xuyên tổ chức lớp tập huấn, đào tạo nghiệp vụ về "Bộ tiêu chuẩn nhà vệ sinh công cộng của ASEAN" dành cho cấp quản lý các khu, điểm du lịch trên địa bàn TPHCM.
Đồng thời phối hợp với Sở Văn hóa và Thể Thao và các sở, ngành có liên quan kiến nghị, đề xuất trình UBND TP chấp thuận chủ trương chỉnh trang, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp một số nhà vệ sinh tại các bảo tàng, di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc hiện là điểm du lịch trên địa bàn TP.HCM.
Từ đó phối hợp với Hiệp Hội Nhà vệ sinh Việt Nam và các đơn vị có liên quan vận động kinh phí thực hiện chỉnh trang, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp một số nhà vệ sinh tại các điểm du lịch trên địa bàn TP.HCM.
Về vấn đề xây dựng thêm nhà vệ sinh công cộng, Sở Du lịch cho biết việc này thuộc trách nhiệm chuyên môn của Sở Tài nguyên và môi trường.