Âm nhạc là một phần không thể thiếu trong cuộc sống, và đó cũng là một phần mục đích của rất nhiều người khi tìm mua một chiếc smartphone để phục vụ nhu cầu hằng ngày, dĩ nhiên là đi kèm với cả một cặp tai nghe nữa. Tuy nhiên, đôi khi sở thích này lại góp phần gây ra những vấn đề khiến bạn có thể hoảng hốt và hoang mang nếu như gặp lần đầu tiên hoặc không biết cách giải quyết.
Một trong những sự cố hay xảy ra nhất dựa trên phản hồi của người dùng là hiện tượng smartphone như bị "ma nhập", luôn ở trong trạng thái nhận kết nối tai nghe mặc dù chẳng có chiếc tai nghe nào đang được cắm vào nó cả. Biểu tượng "Headphone" trên thanh volume hiện lên, trong khi smartphone vẫn hoạt động độc lập.
Thử tưởng tượng một ngày chiếc smartphone cứ mãi ở trong tình trạng này có khó hiểu không?
Nghe qua tưởng chừng đơn giản và không có gì đáng nói, nhưng nó sẽ thật sự khiến bạn có phần lo lắng và còn khó chịu nữa đó. Trước hết, đây không phải một lỗi tính năng như treo ứng dụng mà bạn có thể sửa bằng cách khởi động lại, mà thực tế là có làm thì máy vẫn hiện "Headphone" như thế.
Thứ 2, toàn bộ âm thanh không thể nào phát ra loa ngoài được, vì máy đang nhận tín hiệu có tai nghe cắm vào mà. Âm thanh khi đó mặc định phải được phát qua tai nghe, chứ không cho phép ra loa ngoài thông thường.
Đó chỉ đơn thuần là hiện tượng xảy ra khi có quá nhiều dị vật từ bên ngoài như bụi, lông, vụn chỉ mắc kẹt bên trong khe cắm tai nghe mà thôi.
Chỉ vụn và bông bít kín khe cắm.
Nếu ít thì không đáng kể và không xảy ra hậu quả trên, nhưng để trầm trọng đến nỗi vón cục bên trong thì sẽ gây nên nhiều thứ, có thể là kết nối tai nghe bị cản trở tiếp xúc nên bị gián đoán, chập chờn; hoặc chúng khi được tích điện sẽ khiến mối nối bên trong tưởng lầm là có tai nghe đang cắm, cho nên sẽ luôn nhận tín hiệu tai nghe như đã đề cập.
Không chỉ khe cắm tai nghe mà khe cắm sạc cũng có thể bị ảnh hưởng nếu xuất hiện tình trạng dị vật tương tự - khiến tốc độ và hiệu suất sạc bị giảm đi, sạc không vào, không nhanh và hiệu quả. Có lẽ chẳng ai muốn chúng sẽ xảy đến với mình đâu nhỉ.
Vì thế, hãy thực hiện khắc phục ngay bằng cách dùng một que tăm gỗ, nhựa (không có đầu mút bông) hoặc kẹp gắp siêu nhỏ chuyên dụng để gắp dị vật ra.
Chú ý:
- Đầu mút que tăm không nên có bông, phòng trường hợp vụn bông từ đó lại mắc và bong ra chui vào trong tiếp.
- Tránh dùng vật dụng kim loại chọc ngoáy, vừa dễ gây ảnh hưởng mạch điện, vừa dễ làm hỏng khe cắm khi va chạm mạnh.
- Không dùng nước để vệ sinh trừ khi có dung dịch chuyên dụng.