Sinh viên Truyền thông HUTECH học kinh nghiệm làm phim cùng ekip “Ngày xưa có một chuyện tình”

Ánh Dương, Theo Trí Thức Trẻ 15:30 30/10/2024
Chia sẻ

Vừa qua, sinh viên ngành Truyền thông đa phương tiện (Truyền thông) Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) đã có buổi xem phim và giao lưu trực tiếp để học hỏi kinh nghiệm trong lĩnh vực điện ảnh từ ekip bộ phim “Ngày xưa có một chuyện tình” tại Galaxy Nguyễn Du.

Nằm trong khuôn khổ học phần Cảm thụ nghệ thuật truyền thông và Nghiệp vụ đạo diễn, xem phim và trao đổi cùng ekip sản xuất là hoạt động được tổ chức thường xuyên cho sinh viên Truyền thông HUTECH, gắn liền với mục tiêu đào tạo thực tiễn, để sinh viên phát triển khả năng cảm thụ nghệ thuật và kỹ năng nghề nghiệp từ chính những người trong nghề.

Sinh viên Truyền thông HUTECH học kinh nghiệm làm phim cùng ekip “Ngày xưa có một chuyện tình”- Ảnh 1.

Chương trình thu hút đông đảo sinh viên hưởng ứng tham gia

Khám phá muôn màu "bí mật" về chuyện nghề điện ảnh

Tại buổi giao lưu, đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh đã truyền đạt cụ thể đến sinh viên các khâu để sản xuất ra một tác phẩm phim điện ảnh hoàn chỉnh. Theo anh, quá trình sản xuất phim thông thường có 80% hoạt cảnh được thiết lập sẵn như kế hoạch, còn lại 20% là phát sinh tại phim trường. Điều quan trọng là phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các tổ như tổ biên kịch, thiết kế, kỹ xảo, quay dựng,… để đề xuất những phương án điều chỉnh kịch bản khả thi, đảm bảo diễn tiến của phim được trơn tru, hợp lý.

Để sinh viên nắm rõ cách tạo ra những phân đoạn ấn tượng, chạm đến mạch cảm xúc của khán giả, đạo diễn lấy ví dụ về phân đoạn đốt cháy rẫy bắp, một thử thách rất lớn khi chỉ có thể thực hiện một lần duy nhất. Theo đó, đoàn phim đã đầu tư chuẩn bị 3600 cây bắp, trồng và loại bỏ những cây bị úng trên cánh đồng rất rộng. Đồng thời, cả ekip gồm tổ sản xuất, tổ máy móc thiết bị, diễn viên, các tổ khác phải phối hợp với nhau cực kỳ ăn ý, thực hiện kỹ lưỡng từng chi tiết từ khả năng nhập tâm vào nhân vật của diễn viên, dàn dựng bối cảnh, sắp xếp góc máy quay và điều phối tương tác của diễn viên. Có như vậy mới có thể đảm bảo chất lượng sản phẩm cuối cùng và tạo dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả xem phim.

Sinh viên Truyền thông HUTECH học kinh nghiệm làm phim cùng ekip “Ngày xưa có một chuyện tình”- Ảnh 2.

Sinh viên Truyền thông HUTECH học kinh nghiệm làm phim cùng ekip “Ngày xưa có một chuyện tình”- Ảnh 3.

Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh cùng ekip phim "Ngày xưa có một chuyện tình" giao lưu với sinh viên HUTECH

Nói thêm về con đường trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông hoặc là một đạo diễn giỏi, đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh cho biết, sinh viên có thể bắt đầu bằng cách thực tập ở nhiều vai trò khác nhau trong đoàn làm phim để nắm rõ tính chất công việc cụ thể. Chẳng hạn nếu yêu thích viết thì việc tham gia vào đội ngũ biên kịch cho phép các bạn hiểu thêm quy trình xây dựng kịch bản và làm thế nào để truyền tải nội dung giá trị đến khán giả. Nếu có định hướng ở vị trí đạo diễn, các bạn có thể làm công việc trợ lý, vốn yêu cầu kiến thức nền tảng vững chắc về sáng tạo và tầm nhìn tổng quát của cả ekip. 

Sinh viên Truyền thông HUTECH học kinh nghiệm làm phim cùng ekip “Ngày xưa có một chuyện tình”- Ảnh 4.

Sinh viên HUTECH tự tin đặt câu hỏi cùng ekip đoàn phim để tích lũy kinh nghiệm thực tế

Bên cạnh đó, các công việc như lên kế hoạch truyền thông - marketing, quảng bá và phát hành cũng rất quan trọng. Việc có kiến thức toàn diện về những chuyên môn này sẽ hỗ trợ tích cực để sinh viên tiến xa hơn trong sự nghiệp.

Năng lực cảm thụ nghệ thuật - nền tảng cho những sáng tạo đột phá

Cùng với học hỏi các khía cạnh về kỹ thuật, xem phim và giao lưu còn là dịp để sinh viên chiêm nghiệm về các yếu tố nghệ thuật. Những phân cảnh đẹp được dàn dựng chỉn chu đã đánh thức tình yêu nghệ thuật trong mỗi người, nhất là với sinh viên ngành Truyền thông đa phương tiện, khả năng cảm thụ hay tư duy thẩm mỹ là nền tảng quan trọng để có thể đề xuất những ý tưởng sáng tạo độc đáo.

Sinh viên Truyền thông HUTECH học kinh nghiệm làm phim cùng ekip “Ngày xưa có một chuyện tình”- Ảnh 5.

Sinh viên Truyền thông trải nghiệm xem phim nuôi dưỡng cảm xúc cảm thụ nghệ thuật trong quá trình phát triển nghề nghiệp

Hé lộ về lý do lựa chọn chuyển thể tác phẩm "Ngày xưa có một chuyện tình", đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh bộc bạch: "Câu chuyện tình cảm trong ‘Ngày xưa có một chuyện tình’ không chỉ phản ánh những rung động của con người mà còn có sức mạnh kết nối với đông đảo khán giả. Bối cảnh đặt vào cách đây 20-30 năm nhưng những giá trị tình cảm bất hữu ngày ấy vẫn còn ý nghĩa đến tận ngày nay, vương vấn trong trái tim mỗi người." .

Đạo diễn nhấn mạnh, bên cạnh nắm vững các nghiệp vụ chuyên môn về kỹ thuật, dàn dựng bối cảnh, diễn xuất, sắp đặt âm thanh ánh sáng thì sự nhạy cảm và tư duy sáng tạo đa chiều là tố chất cần thiết để sinh viên theo đuổi đam mê trong ngành truyền thông, đặc biệt là sản xuất phim. Chính từ điều này, các bạn có thể phát hiện ra những ý tưởng đặc biệt, mới lạ để khai thác tác phẩm điện ảnh thành công.

Sinh viên Truyền thông HUTECH học kinh nghiệm làm phim cùng ekip “Ngày xưa có một chuyện tình”- Ảnh 6.

Sinh viên Nguyễn Hữu Hoàng (bên trái) hào hứng chia sẻ về động lực có được qua buổi xem phim và giao lưu thực tế

Nguyễn Hữu Hoàng - sinh viên năm nhất, ngành Truyền thông đa phương tiện hào hứng bày tỏ: "Bộ phim đã mang đến cho em nhiều cung bậc cảm xúc phong phú, và những chia sẻ chân thật về quá trình làm phim từ ekip cho em rất nhiều kinh nghiệm hữu ích về sản xuất, quay dựng và phát triển kịch bản. Từ đây em có thêm động lực trên hành trình theo đuổi đam mê của mình". 

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày