Đại học Ngoại thương từ lâu vốn là trường đại học được đánh giá hàng đầu trong khối các trường về kinh tế, được mệnh danh là Harvard của Việt Nam, là đích đến của bao nhiêu sĩ tử trước mỗi kỳ thi đại học. Trong một bài phỏng vấn gần đây của PGS.TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng trường Đại học Ngoại thương, thầy đã khẳng định rằng với số điểm đầu vào cao, đồng thời chất lượng giảng dạy hàng đầu trên cả nước, sinh viên Ngoại thương ra trường hoàn toàn có quyền đòi hỏi, có quyền “chảnh” trước những đề nghị của nhà tuyển dụng.
Sau khi bài viết được đăng tải, có không ít người băn khoăn rằng liệu sinh viên Ngoại thương có thực sự chảnh như lời đồn. Và để có một cái nhìn rõ hơn về sinh viên Ngoại thương, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện ngắn với anh chàng Đỗ Ngọc Sơn - một MC kiêm Biên tập viên Đài Truyền hình Việt Nam và Đài tiếng nói Việt Nam, anh chàng từng tốt nghiệp tấm bằng cử nhân loại Giỏi ngành Kinh tế Đối Ngoại tại Đại học Ngoại thương.
Chào Sơn, bạn giới thiệu một chút về bản thân mình nhé?
Mình tên là Đỗ Ngọc Sơn, tốt nghiệp cử nhân Kinh tế Đối ngoại loại Giỏi với số điểm là 3,54. Hiện tại mình đang là chủ một doanh nghiệp về truyền thông, một trung tâm dạy kĩ năng mềm cho người lớn và trẻ em. Bên cạnh đấy thì mình là MC - Biên tập viên công tác tại Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, mình cũng cộng tác như một MC - Biên tập viên tiếng Anh của Kênh truyền hình đối ngoại VTC10.
Sau khi tốt nghiệp ở FTU, bạn đã làm được những gì rồi?
Như đã chia sẻ, sau khi tốt nghiệp FTU, mình đã làm việc tại Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và vẫn tiếp tục công việc dẫn chương trình của mình. Sau đấy, mình cũng đã start-up một công ty truyền thông tên là Sol Do, và trung tâm kĩ năng mềm cho người lớn, trẻ em.
Theo bạn, sinh viên Ngoại thương có CHẢNH như lời đồn không?
Theo mình thì chúng ta phải phân tích từ "chảnh" này trước. "Chảnh" ở đây có rất nhiều nghĩa, là "kiêu chảnh", nhưng cũng có một nghĩa nữa là "tự tin" - tin vào khả năng của bản thân mình. Theo mình nghĩ thì sinh viên Ngoại thương hay bất kỳ sinh viên nào nữa thì cũng sẽ có người này người kia, kiểu sinh viên "chảnh", kiểu sinh viên "không chảnh".
Tuy nhiên, sinh viên Ngoại thương nói chung hay với những người mình đã từng làm việc và tiếp xúc thì các bạn rất tự tin, tin vào năng lực của bản thân và vào những gì mình đang có. Cái này không biết xét theo nghĩa chảnh hay không, nhưng mình nghĩ là nó thuộc về sự tự tin với khả năng của bản thân, hơn là từ chảnh.
Vậy, sinh viên Ngoại thương có quyền được Chảnh không?
Theo mình thì một sinh viên mới ra trường, chúng ta nên có một thái độ học hỏi cũng như trau dồi thêm nhiều kĩ năng. Vì như các bạn đã biết, những kiến thức trên trường đều chỉ là kiến thức trên giấy tờ, không phải là thực tế. Khi mình ra trường, muốn tiến triển trong công việc, mình nên có một tinh thần học hỏi, tiếp thu những ý kiến kinh nghiệm của người khác.
Việc học hỏi tiếp thu ấy không có nghĩa là mình bị chèn ép, bóc lột hay là bị bắt nạt mà mình phải có những chính kiến riêng, có sự tự tin vào năng lực bản thân. Mình phải biết mình đang ở đâu, đang có những gì và kinh nghiệm như thế nào. Nếu có được những điều trên, không chỉ sinh viên Ngoại thương mà bất kỳ sinh viên nào khác đều có quyền chảnh hay nói cách khác là quyền tự tin về khả năng của mình.
Chảnh ở đây nên hiểu theo nghĩa nào?
Như mình đã nói, chảnh ở đây có rất nhiều nghĩa. Có thể là kiêu chảnh tức việc gì cũng chê, rồi lương thì thấp mà công việc thì chán, không đúng với ngành nghề môi trường mình mong muốn. Và chảnh theo một nghĩa nữa là có chọn lọc trong công việc cũng như tự tin vào năng lực của mình, từ đấy đưa ra những yêu cầu cho nhà tuyển dụng, ví dụ như: một mức lương cao, chế độ ưu đãi tốt...
Bạn có đồng ý với ý kiến của thầy Hiệu trưởng Ngoại thương rằng sinh viên Ngoại thương có quyền được chảnh, được đòi hỏi mức lương cao không?
Mình cũng đã đọc bài phỏng vấn của Kênh 14 với PGS.TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng trường Đại học Ngoại thương, điều đặc biệt là thầy Bùi Anh Tuấn cũng chính là giảng viên hướng dẫn khóa luận tốt nghiệp của mình. Qua quá trình tiếp xúc, làm việc, mình cảm thấy đã học hỏi được rất nhiều điều từ thầy, thầy luôn thẳng thắn và góp ý, đưa ra những ý kiến tốt cho sinh viên. Ý của thầy không phải là sinh viên phải chảnh, yêu cầu, hạch sách, kiêu chảnh. Mà ý thầy là sinh viên có quyền tự tin vào khả năng năng lực của mình, và mong muốn nhà tuyển dụng trả cho mình mức lương xứng đáng với năng lực, kinh nghiệm của mình.
Vậy người trẻ đi phỏng vấn xin việc có nên đòi hỏi một mức lương xứng đáng với năng lực ngay từ đầu không?
Như mọi người đã biết, có rất nhiều sinh viên đã đi làm từ năm 2, năm 3, cũng có thể nói là họ đã có kinh nghiệm. Nếu họ có cả kiến thức, kỹ năng, khả năng ngoại ngữ... thì đương nhiên họ có quyền yêu cầu một mức lương xứng đáng với năng lực của mình.
Bản thân mình cũng đã từng đi phỏng vấn xin việc thì có thể nói là mình gặp khá nhiều nhà tuyển dụng luôn nghĩ rằng sinh viên ra trường cần phải học hỏi nhiều kinh nghiệm cũng như cần phải trau dồi bản thân nên mức lương không cao so với mức lương mình mong muốn. Tuy nhiên thì mình cũng luôn luôn suy nghĩ rằng với năng lực và kinh nghiệm của mình, thì liệu có nên chọn công ty này hay không. Cuối cùng, mình quyết định mình sẽ không vào một công ty nào cả, và mình sẽ start-up. Dẫu lúc đầu sẽ rất khó khăn, nhưng mình sẽ cố gắng học hỏi những kinh nghiệm đi trước của các anh chị để mình có thể thành công.
Quay trở lại với câu chuyện người trẻ đi phỏng vấn xin việc thì có thể đòi hỏi mức lương xứng đáng với công việc hay không, thì mình cũng xin được khẳng định luôn là chúng ta có quyền được đòi hỏi mức lương cao, tuy nhiên không được quá lố so với mặt bằng chung của xã hội.
Ví dụ như sinh viên mới ra trường cần học hỏi thêm kinh nghiệm, dù gì thì các bạn cũng cần làm quen với môi trường, làm quen với công việc mà các bạn ứng tuyển, cho nên là thường yêu cầu là từ 50 - 80 % mức lương mặt bằng chung so với các anh chị đã đi làm trước đó. Tuy nhiên việc đòi hỏi hơn họ là không nên, vì mình cần phải học hỏi hơn khi vào một công việc mới, doanh nghiệp mới.
Mình cũng xin được khẳng định luôn là nếu như không muốn bị chèn ép, không muốn bị bắt nạt thì các bạn hãy tự tin vào bản thân, hãy hỏi những ý kiến của những anh chị đi trước xem năng lực của mình như thế nào, mức lương của mình như thế nào là ổn.
Theo Sơn, một sinh viên Ngoại thương “tốt nghiệp loại giỏi, Tiếng Anh tốt” sẽ được quyền đòi mức lương bao nhiêu?
Để mà nói về việc sinh viên tốt nghiệp loại Giỏi, tiếng Anh tốt ở Ngoại thương được đòi hỏi mức lương bao nhiêu thì thực sự rất khó để mình trả lời. Theo mình nghĩ mức lương sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, ví dụ như bạn được apply vào công ty nào, cái bằng ấy, kiến thức ấy có phù hợp với công việc mang lại nhiều lợi ích cho công ty không, lúc đó hãy nghĩ đến chuyện bạn được đòi hỏi mức lương cao hay thấp. Ví dụ như mà bạn tốt nghiệp loại Giỏi về Kinh tế, nhưng bạn lại làm nghề tài chính ngân hàng thì bạn cũng phải học hỏi thêm rất nhiều kiến thức, vì thế bạn không nên đòi hỏi mức lương quá cao tại vì mình chưa có kinh nghiệm gì trong ngành đó.
Mình nghĩ rằng để đòi hỏi mức lương thì hãy xem năng lực và khả năng của mình đến đâu và khả năng, năng lực ấy có phù hợp với công việc mà bạn làm và có thể tạo ra lợi nhuận, và những lợi ích cho công ty hay không, lúc đó bạn có quyền đòi hỏi mức lương mà mình mong muốn.
Nếu không dám nói ra bản thân muốn gì, sẽ có những hệ luỵ gì sau khi vào làm việc?
Mình nghĩ nếu khi phỏng vấn tuyển dụng mà không nói rõ mức lương bao nhiêu, thì sau này nếu làm việc không đúng hay bị trừ lương, lương thấp thì bản thân mình sẽ bị stress. Khi làm việc với tâm trạng không thoải mái thì rất khó mang lại hiệu quả cao. Nên khi mình đi phỏng vấn hãy đặt vấn đề thẳng thắn về mức lương với nhà tuyển dụng xem những phản hồi của họ. Mình cũng biết rằng nhiều người tuyển dụng nhân sự luôn đưa những mức lương càng thấp càng tốt, nên các bạn khi đi phỏng vấn khi mà đòi hỏi quyền lợi cũng không nên để các nhà tuyển dụng chèn ép và bắt nạt mình quá.
Muốn được quyền Chảnh, một sinh viên tốt nghiệp cần có những tố chất, khả năng gì?
Theo mình nghĩ khi mà bạn cần yêu cầu mức lương cao bạn cần phải có những tố chất và khả năng về kỹ năng mềm, khả năng ngoại ngữ, khả năng xử lý tình huống, kinh nghiệm và đặc biệt là kiến thức.
Thứ nhất là bạn phải có kỹ năng mềm, mình sẽ không đặt kiến thức đầu tiên tại vì kiến thức là điều có thể học hỏi còn kỹ năng mềm là cái mà chúng ta cần trau dồi trong một thời gian rất là dài, không phải là ngày một ngày hai. Cho nên là bạn cần phải có kỹ năng mềm, kỹ năng ứng xử giao tiếp, nếu như không có cái này thì bạn cần phải học hỏi rất là nhiều.
Thứ hai là bạn phải có khả năng ngoại ngữ, tại vì sao mà mình lại bảo là hầu hết các ngành nghề bây giờ đều cần ngoại ngữ, và ngôn ngữ quốc tế đó là tiếng Anh. Chúng ta không nói về việc chúng ta đang sử dụng tiếng Anh, vì bây giờ môi trường hội nhập cho nên các khách hàng của chúng ta phần lớp là khách quốc tế. Biết tiếng anh giúp chúng ta giao tiếp cũng như là để làm việc.
Ngoài ra, mình nghĩ sinh viên tốt nghiệp cần phải có kỹ năng xử lí vấn đề, luôn luôn xử lí tình huống này bên trong công việc. Và cuối cùng mình muốn nói là sinh viên đấy cần phải có kinh nghiệm và kiến thức với công việc mà mình apply.
Bạn học được điều gì lớn nhất trong những năm học ở FTU? Bạn tự hào gì nhất ở FTU?
Bản thân mình thì mình học được điều lớn nhất trong FTU đấy là mình vào đây cảm thấy môi trường các bạn rất là năng động tài giỏi, khi vào môi trường tốt như thế bản thân mình sẽ có những động lực để phát triển bởi vì xung quanh mình ai cũng tài giỏi ngoại ngữ, thì mình cũng phải trau dồi. Ở Ngoại thương thì dạy cho mình là làm thế nào để tự tin lãnh đạo tổ chức công việc cũng như là kỹ năng mềm rất nhiều hơn là những kiến thức trên lớp.
Mình tự hào ở đây đó là các sinh viên ở đây rất coi trọng cá nhân riêng tư của mỗi người, các bạn có thể vào trường ăn mặc thế nào cũng được, các bạn có thể thể hiện các cá tính của mình. Các bạn có thể hiện sự tự tin năng khiếu của mình hay thậm chí là có thể hiện quan điểm khác người so với mọi người. Tuy nhiên mọi người vẫn luôn luôn tôn trọng, sẽ không quan tâm bạn là ai, bạn làm những gì, đó là điều mình rất thích. Ngay cả các giảng viên mọi người cũng rất cởi mở thoải mái có những suy nghĩ rất tích cực, hiện đại.
Bạn có làm việc với sinh viên Ngoại thương và cựu sinh viên Ngoại thương không? Bạn đánh giá gì về khả năng, thái độ của họ?
Công ty của mình cũng như là nơi mình làm việc thì hầu hết là sinh viên ngoại thương, thì không biết đây là cái duyên hay sao mà có lẽ là sinh viên Ngoại thương thì làm việc sẽ dễ dàng hơn. Khi mà người ta có những tính cách có khả năng phù hợp với nhau, mình có đánh giá là các bạn Ngoại thương khá là tự tin, rất tự tin về bản thân mình. Các bạn ấy có sự năng động hoạt bát, và vốn ngoại ngữ của các bạn ấy rất là tốt, còn thái độ có thể thấy một số bạn có sự tự tin hơi thái quá. Tuy nhiên thì cũng có thể thấy phần đông các bạn Ngoại thương vẫn theo tinh thần khiêm nhường học hỏi, luôn luôn mong muốn bản thân mình trau dồi trải nghiệm hơn là kiểu chảnh. Họ luôn trau dồi kĩ năng mềm và ngoại ngữ.
Sinh viên Ngoại thương mạnh nhất về điều gì?
Tại vì mình nghĩ là ngay cái tên trường là Ngoại thương thì có nghĩa là các bạn vào đây phải học ngoại ngữ, để các bạn ra trường đều có khả năng giao tiếp ngoại ngữ và khi vào môi trường ai ai cũng giỏi ngoại ngữ nên ai vào trường cũng phải trau dồi vốn ngoại ngữ của mình cho nên ra trường mặt bằng chung ngoại ngữ của họ rất tốt. Và sự năng động nữa, vì trường Ngoại thương có hơn 40 câu lạc bộ, mỗi câu lạc bộ thì hằng năm đều có những hoạt động, cho dù bạn là con người hướng nội hay bạn là con người không năng động nhưng mà yếu tố môi trường sẽ giúp bạn thay đổi. Cho nên là sinh viên Ngoại thương ra trường đều có điểm mạnh đó là về ngoại ngữ, năng động và sự tự tin.
Cảm ơn Sơn.