Đại học Ngoại thương hay Kinh tế Quốc dân có tỷ lệ sinh viên có việc làm cao hơn?

Công Hiếu, Theo Trí Thức Trẻ 16:56 21/07/2019

Những thắc mắc về việc đăng ký xét tuyển, lựa chọn ngành nghề cũng như tư vấn hướng nghiệp các ngành nghề đang và sẽ có nhu cầu nhân lực cao đã được giải đáp trong "Ngày hội tư vấn xét tuyển đại học, cao đẳng 2019".

Sáng ngày 21/7, mặc dù thời tiết khá nắng gắt nhưng có rất đông các thí sinh và bậc phụ huynh đã đến trường Đại học Bách Khoa Hà Nội tham gia "Ngày hội tư vấn xét tuyển Đại học, Cao đẳng năm 2019" do Vụ Giáo dục đại học - Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp cùng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội và báo Tuổi trẻ tổ chức.

Ngày hội có sự tham gia của hơn 300 gian tư vấn đến từ các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề, trung tâm tư vấn du học. Nhằm đáp ứng nhu cầu nắm bắt thông tin xét tuyển đầy đủ, chính xác và chính thống của thí sinh và phụ huynh, đại diện các trường cũng thông tin về mức điểm sàn, dự kiến điểm chuẩn, chỉ tiêu, học phí…

Tại ngày hội, cán bộ Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục & Đào tạo) đã giải đáp mọi thắc mắc về xét tuyển, điều chỉnh nguyện vọng để tăng cơ hội trúng tuyển. Các cán bộ Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động thương binh và Xã hội) cũng thông tin về những ngành nghề thu hút lao động những năm tới.

Đại học Ngoại thương hay Kinh tế Quốc dân có tỷ lệ sinh viên có việc làm cao hơn? - Ảnh 1.

Ban tư vấn nhóm ngành: Khoa học tự nhiên, Công nghệ - Kỹ thuật, Y dược, Nông lâm.

Đại học Ngoại thương hay Kinh tế Quốc dân có tỷ lệ sinh viên có việc làm cao hơn? - Ảnh 2.

Ban tư vấn nhóm ngành: Khoa học xã hội, Kinh tế, Quản lý kinh doanh, Ngoại ngữ, Sư Phạm, Báo chí, Công an, Quân đội.

Những thắc mắc về xét tuyển được các trường giải đáp rất nhiệt tình.

Đại học Ngoại thương hay Kinh tế Quốc dân có tỷ lệ sinh viên có việc làm cao hơn? - Ảnh 5.

Rất đông phụ huynh và học sinh đội nắng đến tham gia ngày hội tư vấn xét tuyển Đại học Cao đẳng năm 2019 tại trường ĐH Bách Khoa Hà Nội.

Thí sinh có thể thay đổi số lượng và thứ tự nguyện vọng

Theo TS. Nguyễn Thị Kim Phụng (Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo), trên cơ sở tương quan lực học của các em và điều kiện hoàn cảnh gia đình để các em có sự lựa chọn ngành học, trường học phù hợp với năng lực, sở trường. "Ở thời điểm này, khi các em đã biết điểm thi, biết tương quan điểm của mình với những người cùng dự tuyển và cũng đã biết sự điều chỉnh tuyển sinh theo chủ trương của các trường; do đó các em sẽ cần tư vấn chuyên sâu hơn.

Thậm chí đã có những trường có thể cung cấp cho thí sinh dự kiến khoảng điểm trúng tuyển đối với từng ngành, nhóm ngành để các em có đầy đủ thông tin trước khi thay đổi nguyện vọng. Từ đó, giúp cho việc thay đổi nguyện vọng của các em thành công và hiệu quả hơn". Bà Phụng cho biết, thí sinh có thể thay đổi số lượng nguyện vọng, thứ tự nguyện vọng, tổ hợp xét tuyển hay ngành học mà các em đăng ký xét tuyển.

Đại học Ngoại thương hay Kinh tế Quốc dân có tỷ lệ sinh viên có việc làm cao hơn? - Ảnh 6.

TS. Nguyễn Thị Kim Phụng (Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Học trường nghề là quyết định rất đúng đắn, nhưng chọn nghề nào mới không thất nghiệp?

Trong phiên tư vấn, một bạn thí sinh đã đặt câu hỏi cho TS. Đồng Văn Ngọc (Hiệu trưởng trường ĐH Cơ điện Hà Nội) rằng mình chỉ thi tốt nghiệp và có ý định hướng theo con đường học nghề để theo học. "Tôi thấy đây là một quyết định đúng đắn, bởi thời điểm hiện tại bất kỳ thí sinh nào cũng có quyền lựa chọn bậc học, lựa chọn trường đại học hay trường nghề. Hiện tại, các trường nghề trên cả nước cũng đang tuyển sinh năm học 2019 - 2020, để chọn trường nghề nào không thất nghiệp thì mình nghĩ chọn ngành nào mà em yêu thích nhất để theo học. Bất kỳ một trường nào cũng có ngành nghề là điểm mạnh, các thí sinh nên cân nhắc chọn trường nào phù hợp với mình trước tiên".

Đại học Ngoại thương hay Kinh tế Quốc dân có tỷ lệ sinh viên có việc làm cao hơn? - Ảnh 7.

TS. Đồng Văn Ngọc - Hiệu trưởng trường ĐH Cơ điện Hà Nội (ở giữa) đang trả lời các thắc mắc của học sinh.

Việt Nam sắp hết than thì làm sao để sinh viên Mỏ - Địa chất hết thất nghiệp?

Một bạn thí sinh khác đến từ Quảng Ninh đặt câu hỏi rằng "Em có mong muốn theo học ĐH Mỏ - Địa chất, gần đây em thấy có tin tức rằng than Việt Nam đang cần phải nhập khẩu từ nước ngoài. Và nếu bọn em theo học trường Mỏ thì cơ hội việc làm có hay không?".

Trả lời câu hỏi này, TS. Lê Xuân Thành (Trưởng phòng công tác sinh viên ĐH Mỏ - Địa chất) cho biết: "Quan niệm nhắc đến Mỏ - Địa chất chỉ nghĩ đến than là hoàn toàn không đúng, bởi vì trường chúng tôi đào tạo đa ngành. Theo bản tin của thị trường lao động, đến năm 2020 Việt Nam thiếu và cần cung cấp cho các khối trong ASEAN 6 triệu người lao động trong ngành này, chúng ta phải trở thành nhưng công dân toàn cầu và làm việc cho các tập đoàn nước ngoài, cơ hội nghề nghiệp của trưởng Mỏ rất lớn".

Đại học Ngoại thương hay Kinh tế Quốc dân có tỷ lệ sinh viên có việc làm cao hơn? - Ảnh 8.

TS. Lê Xuân Thành, Trưởng phòng công tác sinh viên ĐH Mỏ - Địa chất.

Trường quân đội có tỷ lệ chọi không cao

Trong phiên tư vấn, một thí sinh đã bày tỏ băn khoăn điểm chuẩn Trường Sỹ quan chính trị liệu năm nay có tăng nhiều so với các năm trước. "Nếu tính cả điểm ưu tiên khu vực, em được 24,9 điểm (tổ hợp A00) nhưng em vẫn lo bởi nếu so các năm trước thì năm 2018 có ngành tăng đến 8 điểm", một thí sinh thắc mắc.

Trả lời câu hỏi này Đại tá Vũ Xuân Tiến (Trưởng ban Thư ký tuyển sinh quân sự, Bộ Quốc phòng) cho biết năm nay tỷ lệ xét tuyển vào Trường Sỹ quan chính trị (nay là Trường ĐH Chính trị) khu vực miền Bắc bằng khối A00 là 5 thí sinh lấy 1. "Như vậy so với năm ngoái thì tỷ lệ chọi này không cao lắm. Với mức điểm của em thì khá nhiều cơ hội bởi tỷ lệ chọi là không cao lắm. Năm nay tỷ lệ chọi đối với thí sinh xét tuyển bằng tổ hợp khối C thì tương đối cao, khoảng 8-9 người lấy 1", ông Tiến nói.

Tốt nghiệp 2 năm không làm đúng ngành, cử nhân sư phạm phải hoàn trả học phí

Trả lời thắc mắc liên quan đến Luật Giáo dục năm 2019 quy định học sinh, sinh viên sư phạm được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học. Người được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt sau 2 năm kể từ khi tốt nghiệp nếu không công tác trong ngành giáo dục hoặc công tác không đủ thời gian quy định thì phải bồi hoàn khoản kinh phí nhà nước đã hỗ trợ. Thời hạn hoàn trả tối đa bằng thời gian đào tạo.

Đại diện trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết: "Đây là kế hoạch do Bộ chủ trương, nếu không làm đúng ngành Sư phạm sẽ có cơ chế thu hồi. Mặc dù hiện tại chưa có văn bản chính thức, thế nhưng chắc chắn trong tương lai sẽ thực hiện, ngành Sư phạm tương lai sẽ chủ trương nhu cầu đến đâu, đào tạo đáp ứng đến đó".

Đại học Ngoại thương hay Kinh tế Quốc dân có tỷ lệ sinh viên có việc làm cao hơn? - Ảnh 9.

Đại diện trường Đại học Sư phạm Hà Nội giải đáp thắc mắc của thí sinh.

Ngoại thương hay Kinh tế Quốc dân trường nào có tỷ lệ việc làm tốt hơn?

"Khoa quản trị kinh doanh và tài chính của Ngoại thương và Kinh tế Quốc dân ở đâu tốt hơn, và học trường nào tỷ lệ có việc làm cao hơn?", là câu hỏi của một bạn thí sinh đặt ra cho đại diện hai trường kinh tế tham gia tư vấn xét tuyển năm nay.

Trả lời câu hỏi này, TS. Phạm Thu Hương (Phó Hiệu trưởng ĐH Ngoại thương) khẳng định rằng: "Tỷ lệ có việc làm và chất lượng đào tạo của cả hai trường đều rất cao. Các bạn sinh viên mặc dù chưa ra trường đều đã có việc làm, các năm trước đây điểm đầu vào của ngành này rất cao so với mặc bằng chung nên các em lựa chọn Ngoại thương hay Kinh tế Quốc dân đều tốt và có điểm mạnh riêng, tùy vào cảm nhận cá nhân của các em".

Đại học Ngoại thương hay Kinh tế Quốc dân có tỷ lệ sinh viên có việc làm cao hơn? - Ảnh 10.

TS. Phạm Thu Hương (Phó Hiệu trưởng ĐH Ngoại thương).