Sinh viên mới tốt nghiệp ở Anh cảm thấy "đang đi thụt lùi" bởi nỗi lo bão giá

Như Anh - Thiết kế: Thuỷ Tiên, Theo Trí Thức Trẻ 16:32 20/08/2022

Những người trẻ vừa ra trường đang phải đối mặt với các quyết định tài chính khó khăn trong sự bất ổn mà bão giá mang lại.

Chi phí sinh hoạt tăng vọt, nguy cơ thất nghiệp và bất ổn trong biến đổi khí hậu đã khiến những người trẻ vừa bước ra đời lo lắng khi rơi vào cuộc "bão giá" tồi tệ trong nhiều năm qua. Đáng lẽ, tốt nghiệp đại học sẽ trở thành câu chuyện đáng ăn mừng sau nhiều năm cố gắng cùng gia đình và bạn bè, giờ đây họ lại cảm thấy đang đi thụt lùi dù chưa kịp bắt đầu.

Đối với nhiều sinh viên tốt nghiệp, đi du lịch là những lựa chọn hấp dẫn mang tính trải nghiệm cũng như là khoảng thời gian nghỉ ngơi trước khi bắt đầu chặng hành trình mới. Tuy nhiên, đối với nhiều người trẻ, những lo lắng về tài chính đã phủ bóng mây lên giấc mơ của họ.

Cảm thấy bản thân đang đi thụt lùi vì không thể trang trải chi phí sinh hoạt

Rachel Boani, 21 tuổi, học nghiên cứu địa chất và địa lý vật lý tại Đại học Edinburgh, chia sẻ rằng bão giá chắc chắn là 1 yếu tố khiến cô quyết định nhận một công việc sau khi tốt nghiệp hơn là nghỉ ngơi đi du lịch.

"Một nỗi lo lớn thường trực rằng đi nghỉ có nghĩa là trong khoảng thời gian đó tôi đang không làm việc kiếm tiền. Hơn thế nữa, tôi ý thức được tiền tiết kiệm của mình đang cạn kiệt dần vì chi phí tăng quá cao. Tôi rất thích đi du lịch xuyên suốt mùa hè nhưng toàn bộ tiền tích luỹ trong năm qua đã dùng để trả tiền thuê nhà, các hoá đơn, thực phẩm - nhu cầu thiết yếu", Boani chia sẻ.

Trong năm qua, cô bạn 21 tuổi đã dành một phần lớn số tiền tiết kiệm của mình do hệ quả sau dịch bệnh và "bão giá". Bên cạnh đó, Boani đã trở về quê nhà sau khi học đại học. "Đại học đã cho tôi sự độc lập khi chuyển ra ngoài sống, và cảm giác như thể tôi đang đi thụt lùi khi trở về quê. Khi muốn ở lại Edinburgh, tôi nhận ra rằng mình không đủ khả năng. Giá thuê ở đó gần như cao nhất ở Anh hiện tại".

Sinh viên mới tốt nghiệp ở Anh cảm thấy đang đi thụt lùi bởi nỗi lo bão giá - Ảnh 1.

Bên cạnh đó, Boani rất muốn có cơ hội chuyển đến London để bắt đầu sự nghiệp nhưng cô bạn sẽ phải sống tại nhà gia đình ít nhất 1 năm, có thể là 2 năm, để tiết kiệm đủ để chuyển đến đó. Boani không nhận được hỗ trợ tài chính từ gia đình, thường cân bằng 2 hoặc 3 công việc trong mùa hè để trang trải tài chính của bản thân ở trường đại học.

Lo lắng chuyện sinh con trong tương lai

Lễ tốt nghiệp thường đánh dấu sự khởi đầu mới. Song với Hannah Munden, 22 tuổi, người theo học ngành quản lý kinh doanh tại đại học ở thành phố khác, đã chuyển về sống tại nhà của bố mẹ không vui như tưởng tượng. Ở đây, cô đã tìm được một công việc trong ngành quản lý tiếp thị không yêu cầu phải đến văn phòng thường xuyên.

"Tôi không thực sự muốn sống với bố mẹ mình. Tôi đã tận hưởng sự tự do của trường đại học và muốn sự độc lập đó khi tôi chuyển ra ngoài sống. Nhưng tôi cũng đang chiến đấu với cuộc chiến giữa việc muốn tự do đó, muốn chuyển đi và giá cả tăng cao".

Munden nhận thấy sự gia tăng chi phí tiện ích một cách đặc biệt đáng lo ngại. Cô bạn 22 tuổi cảm thấy cần phải có nhiều tiền hơn để chi trả cho những nhu cầu cơ bản trong cuộc sống. Nó hoàn toàn không giống những gì cô tưởng tượng khi có công việc đầu tiên. Đó là được tiêu tiền thoải mái, và tận hưởng hành trình đi tìm niềm đam mê thực sự của bản thân, thay vào đó sẽ phải xoay vòng với "cơm - áo - gạo - tiền".

"Tôi biết mình mới 22 tuổi nhưng điều đó khiến tôi lo lắng cho các thế hệ tương lai. Chẳng hạn, vài năm nữa tôi sẽ lập gia đình và sinh con, liệu tôi có đủ khả năng để nuôi con đến khi vào đại học - đặc biệt trong sự bất ổn này?", Muden bộc bạch.

Sinh viên mới tốt nghiệp ở Anh cảm thấy đang đi thụt lùi bởi nỗi lo bão giá - Ảnh 2.

Do dự về việc học thạc sĩ khi "bão giá" ập đến

Deyna Grimshaw, 21 tuổi, sinh viên năm cuối sẽ chuyển về nước sau khi tốt nghiệp đại học. Cô ấy nói rằng bản thân không chắc chắn phải làm gì tiếp theo, song cô cũng do dự về việc có nên học lên để lấy bằng thạc sĩ.

"Chỉ tập trung học hành không phải điều tôi muốn tiếp tục hướng đến. Chi phí để học lên thạc sĩ thật sự nằm ngoài khả năng của tôi, và những căng thẳng đặc biệt sau hơn 2 năm Covid khiến tôi lo lắng về tương lai".

Hiện tại, Grimshaw đang xin việc ở thành phố nơi cô đã sinh ra và lớn lên - bất kỳ ngành nào, chỉ cần cô bạn cảm thấy hơi hứng thú là ổn. Grimshaw muốn đảm bảo rằng bản thân có việc gì đó để làm trong mùa hè và kiếm ra tiền.

Chi phí thuê nhà luôn được Grimshaw đặt lên hàng đầu. "Chắc chắn rằng cuộc khủng hoảng giá cả sinh hoạt đã khiến tôi có xu hướng ở nhà với bố mẹ lâu hơn. Tôi rất thích dọn ra ngoài sống với bạn bè. Song, nhìn vào số tiền có thể kiếm được với công việc khi mới ra trường và phải trả khi đi thuê nhà, thực tế là tôi không thể chi trả được".

Với việc giá cả tăng vọt, Grimshaw cảm thấy bản thân đang chi tiêu nhiều cho thực phẩm so với vài tháng trước, mặc dù chỉ mua những thứ tương tự, thậm chí ít sản phẩm hơn.

"Thành thật mà nói, tôi không nghĩ rằng trải nghiệm ở đại học đáng giá với món nợ mà tôi đang phải trả". Grimshaw đã tích lũy khoảng 830 triệu đồng (gần 30.000 bảng Anh) trong "khoản nợ" cho vay bảo trì, khi cộng với phí khóa học, có nghĩa là cô ấy nợ khoảng (1,6 tỷ đồng) 60.000 bảng Anh. Cô lo lắng về việc liệu bản thân có thể trả hết khoản nợ đó với công việc như hiện tại không.

Sinh viên mới tốt nghiệp ở Anh cảm thấy đang đi thụt lùi bởi nỗi lo bão giá - Ảnh 3.

Thấy hạnh phúc vì có thể trang trải chi phí sinh hoạt

Đã nộp đơn vào nhiều công ty trước khi thực tập mùa hè năm ngoái, Aravindh Suresh (21 tuổi), sinh viên kinh tế, đang bắt tay vào làm luận văn tốt nghiệp tại một công ty trong ngành tài chính. Sau khi tốt nghiệp, Suresh dự định sẽ sống ở trung tâm London.

"Tôi đã phải tính đến khả năng tăng chi phí khi tìm kiếm bất động sản mới để cho thuê". Suresh và những người bạn cùng căn hộ của mình đã phải vật lộn để tìm kiếm bất cứ nơi nào để thuê với giá dưới 25 triệu đồng (900 bảng) một người mỗi tháng.

Suresh cảm thấy khá may mắn khi công việc hiện đang được trả với mức lương khá cao. "Vì vậy, trong khi cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt chắc chắn sẽ làm giảm nguồn thu nhập của tôi sau các khoản chi tiêu. Song tôi nghĩ rằng bản thân không phải vật lộn để trả các hóa đơn hàng tháng, vậy là đủ".

Những năm trước đó, nhiều người trẻ ra trường cùng hoài bão có mức thu nhập cao đủ để sau khi chi trả cho những nhu cầu cơ bản, họ vẫn có thể chi tiêu cho trải nghiệm. Hiện tại, sinh viên tốt nghiệp ra trường chỉ hy vọng bản thân có thể đủ tiền để chuyển ra ngoài sống tự lập, thậm chí cảm thấy may mắn khi trả đủ sinh hoạt phí mà không phải mang nợ.

Tham khảo: The Guardian