Trong khi các quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang siết chặt các biện pháp hạn chế để giảm thiểu khả năng bùng phát của biến chủng Delta phát hiện lần đầu tại Ấn Độ, Singapore lại chọn cách sống chung cùng COVID-19 để người dân có thể trở lại với cuộc sống "bình thường mới" nhanh nhất có thể.
Lộ trình nới lỏng mà Singapore đề xuất, bao gồm dỡ bỏ các lệnh phong toả, cho phép du lịch miễn cách ly, nối lại các hoạt động tụ tập đông người và thậm chí là ngừng đếm số ca mắc mới COVID-19 mỗi ngày.
Singapore đề xuất lộ trình nới lỏng (Nguồn: CNN)
Mới đây nhất, ba vị bộ trưởng Singapore bao gồm Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Gan Kim Yong, Bộ trưởng Tài chính Lawrence Wong và Bộ trưởng Y tế Ong Ye Kung đã đề xuất lộ trình sống chung với đại dịch COVID-19: "Tin xấu là có thể COVID-19 không bao giờ biến mất, còn tin tốt là chúng ta có thể chung sống bình thường với nó. Chúng ta có thể biến đại dịch thành một thứ ít đe dọa hơn, ví dụ như cúm, bệnh tay chân miệng hay thủy đậu và tiếp tục sống cuộc sống của mình".
Kế hoạch này mở ra hy vọng cho người dân Singapore và rất nhiều những doanh nghiệp lớn nhỏ sau 18 tháng chật vật vì COVID-19; đồng thời trở thành hình mẫu cho bất kỳ những quốc gia nào đang tìm cách trở lại với cuộc sống bình thường mới và mong muốn hồi sinh ngành du lịch.
Vaccine COVID-19 - chìa khóa cho kế hoạch nới lỏng
Singapore đang đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng, đồng thời đặt mục tiêu tiêm vaccine cho 2/3 dân số vào ngày 9/8 tới đây. Ba vị Bộ trưởng của Singapore cho biết: "Vaccine có hiệu quả cao trong việc giảm nguy cơ bị mắc bệnh cũng như giảm nguy cơ lây lan của virus. Trong trường hợp bạn đã mắc COVID-19, vaccine vẫn có thể ngăn bệnh trở nặng". Giáo sư Dale Fisher, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm từ Trường Y khoa NUS Yong Loo Lin cũng đồng tình với quan điểm trên. Ông cho rằng vaccine chính là giải pháp hàng đầu giúp Singapore sớm đạt miễn dịch cộng đồng.
Singapore đặt mục tiêu tiêm vaccine COVID-19 cho 2/3 dân số vào ngày 9/8 tới đây (Nguồn: Reuters)
Khi số lượng người dân được chủng ngừa tăng lên, cách Singapore theo dõi số lượng các ca nhiễm COVID-19 theo ngày cũng thay đổi. Thay vì đếm trường hợp các ca bệnh mới, nước này sẽ chỉ theo dõi số bệnh nhân COVID-19 nhập viện hoặc được điều trị trong các phòng chăm sóc đặc biệt (ICU), tương tự như lộ trình theo dõi bệnh cúm thông thường. Một số trường hợp mắc bệnh thậm chí có thể tự phục hồi tại nhà, qua đó giúp hệ thống chăm sóc sức khỏe tại Singapore tránh nguy cơ quá tải trầm trọng. Các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo giới chức nước này nên tổ chức tiêm nhắc lại cho những người đã được chủng ngừa, đồng thời thiết lập chương trình tiêm vaccine toàn dân trong nhiều năm.
Đề xuất tự xét nghiệm COVID-19
Giới chức Singapore đề xuất cho người dân tiến hành xét nghiệm COVID-19 thay vì tự cách ly tại nhà trong một số trường hợp cụ thể, ví dụ như trước các sự kiện lớn hoặc sau khi đi du lịch nước ngoài. Các phương pháp xét nghiệm theo đó cũng phải cho kết quả nhanh hơn, thực hiện dễ dàng hơn để phát huy tối đa hiệu quả của đề xuất. Hiện Singapore vẫn đang nghiên cứu các phương pháp xét nghiệm mới cho kết quả nhanh chỉ sau 1-2 phút. Nhiều phương pháp xét nghiệm như kiểm tra mẫu nước bọt, sử dụng máy kiểm tra hơi thở và theo dõi nguồn nước thải cũng đã được triển khai như một giải pháp thay thế cho PCR - cách thức xét nghiệm truyền thống vốn mất rất nhiều thời gian.
Giới chức Singapore đề xuất cho người dân tiến hành xét nghiệm COVID-19 thay vì tự cách ly tại nhà (Nguồn: Reuters)
Người dân được khuyến cáo tự xét nghiệm định kỳ tại nơi làm việc hoặc các cơ sở chăm sóc cộng đồng để giảm bớt áp lực lên công tác xét nghiệm chung. Theo tiến sĩ Leong Hoe Nam, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Mount Elizabeth Novena, Singapore, việc cho phép cá nhân và các công ty chủ động tự xét nghiệm sẽ giúp Singapore chia nhỏ nguồn chi phí. Nhiều người đặt ra câu hỏi liệu việc đẩy nhanh xét nghiệm COVID-19 như vậy có tạo ra gánh nặng quá lớn cho hệ thống y tế Singapore hay không. Tuy nhiên, theo giáo sư Dale Fisher, Singapore vẫn còn nhiều tháng chuẩn bị cho tới khi thực sự đạt miễn dịch cộng đồng.
Bên cạnh đó, Singapore cũng đặt mục tiêu nghiên cứu thêm nhiều phương thức điều trị mới cho các bệnh nhân mắc COVID-19, giúp họ nhanh chóng phục hồi, giảm khả năng bệnh trở nặng và tử vong. Người dân cũng được khuyến cáo thực hiện "trách nhiệm xã hội", ví dụ như hạn chế tiếp xúc các đám đông khi cảm thấy không khỏe để giảm tỷ lệ lây nhiễm. "Với tất cả các biện pháp trên, bao gồm tiêm chủng, xét nghiệm, điều trị và thực hiện "trách nhiệm xã hội", trong tương lai không xa, cách chúng tôi phản ứng với COVID-19 sẽ rất khác bây giờ" - các Bộ trưởng Singapore khẳng định.
Sân bay Changi, Singapore (Nguồn: SCMP)
Thủ tướng Lý Hiển Long hồi đầu tháng này cũng cho biết, sẽ đến lúc người dân có thể tụ tập tại các sự kiện giải trí, thể thao mà không cần phải đeo khẩu trang, đi du lịch tại các quốc gia có nguy cơ thấp. Mục tiêu này được dự báo có thể đạt được vào cuối năm nay, khi vaccine được chủng ngừa cho mọi lứa tuổi.
Các quốc gia khác vẫn còn khá thận trọng
Singapore được đánh giá là thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh nhờ thắt chặt biên giới, thiết lập nhiều trạm kiểm dịch, truy vết cũng như áp đặt các quy tắc về giãn cách xã hội và đeo khẩu trang. Theo Đại học Johns Hopkins, trong tháng qua, quốc gia với 5,7 triệu dân này trung bình mỗi ngày chỉ có khoảng 18 ca mắc mới. Singapore cũng chỉ ghi nhận 36 trường hợp tử vong do COVID-19 kể từ khi đại dịch bùng phát.
Australia tái phong tỏa nhiều thành phố do lo ngại tốc độ lây lan của biến thể Delta (nguồn: Reuters)
Quốc đảo sư tử theo đó được cho là đã "thoát" khỏi danh sách những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng khiêm tốn và siết chặt các biện pháp giãn cách thời gian gần đây, ví dụ như Australia. Hiện 12 triệu dân nước này phải ở nhà theo lệnh phong tỏa của chính quyền các địa phương nhằm đối phó với sự lây lan nhanh của biến thể Delta.
Australia từng được ca ngợi vì ứng phó tốt với đại dịch, xong tỷ lệ tiêm vaccine còn khá thấp ở mức khoảng 5% dân số, trong khi tỷ lệ tiêm chủng ở Mỹ và Anh đã đạt lần lượt tới 46% và 48%. Bong bóng du lịch miễn cách ly với nước láng giềng New Zealand theo đó đứng trước khả năng bị hoãn hủy.
Hong Kong (Trung Quốc), nơi có tỷ lệ người dân do dự tiêm vaccine tương đối cao mới đây cũng thông báo tạm dừng các chuyến bay chở khách từ Vương quốc Anh từ ngày 1/7, do số ca nhiễm liên quan tới biến thể Delta tăng vọt.
Theo tờ Thời báo Hoàn cầu, Trung Quốc cũng đang cân nhắc đóng cửa biên giới trong vòng một năm, đồng thời đề xuất xây dựng trung tâm cách ly khổng lồ với 5.000 phòng cho du khách và những người có liên quan đến các ca mắc COVID-19 trước những lo ngại về sự lây lan của biến thể Delta.