Singapore tính đến việc sống chung với COVID-19, Thái Lan có trên 4.500 ca mắc mới/ngày trong 2 ngày liền

Quỳnh Chi, Theo VTV 09:25 31/05/2021

Đến sáng 31/5, thế giới có trên 170,9 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 3,55 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 34 triệu ca mắc và hơn 609.500 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 6.500 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 30/5, nước này ghi nhận hơn 153.400 ca mắc mới COVID-19 và trên 3.100 trường hợp tử vong. Hiện tổng cộng trên 28 triệu người đã mắc COVID-19, bao gồm hơn 329.000 trường hợp thiệt mạng vì COVID-129 tại quốc gia Nam Á này.

Chính quyền vùng thủ đô New Delhi, các bang Tamil Nadu và Kerala đã quyết định gia hạn biện pháp phong tỏa để kiểm soát dịch bệnh. Cụ thể, lệnh phong tỏa tại vùng thủ đô New Delhi và Tamil Nadu lẽ ra sẽ hết hiệu lực vào ngày 31/5 nhưng sẽ được gia hạn đến ngày 7/6. Tuy nhiên, chính quyền New Delhi nới lỏng các biện pháp hạn chế đối với lĩnh vực xây dựng và sản xuất. Trong khi đó, biện pháp chống dịch tại Kerala sẽ được gia hạn đến ngày 9/6 tới.

Trong 24 giờ qua, Brazil ghi nhận trên 43.500 ca mắc COVID-19. Đến nay, hơn 461.900 bệnh nhân COVID-19 đã không qua khỏi trong tổng số trên 16,5 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Bộ Y tế Colombia cho biết, nước này ghi nhận số ca tử vong trong ngày do COVID-19 cao nhất từ trước đến nay với 540 người tử vong, theo đó nâng tổng số trường hợp không qua khỏi tại nước này lên 87.747 bệnh nhân. Số ca mắc tại quốc gia Nam Mỹ cũng tăng thêm 20.494 trường hợp, lên 3.363.061 người.

Đến nay, Colombia đã tiêm hơn 9,3 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 , trong đó hơn 3,2 triệu người đã được tiêm đủ liều vaccine.

Singapore tính đến việc sống chung với COVID-19, Thái Lan có trên 4.500 ca mắc mới/ngày trong 2 ngày liền - Ảnh 1.

Ngày 30/5, Ấn Độ ghi nhận số ca mắc mới dưới 200.000 với hơn 153.400 trường hợp (Ảnh: AP)

Tại Myanmar, hệ thống y tế vốn đã gặp khủng hoảng sau bất ổn chính trị hồi tháng 2 giờ đang phải chật vật đối phó với đại dịch, khiến nước này phải quyết định gia hạn các biện pháp phòng dịch COVID-19 đến ngày 30/6 tới. Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh nước này ghi nhận thêm 45 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số người mắc lên hơn 143.500 trường hợp. Trong khi đó, tổng số ca tử vong là hơn 3.200 trường hợp.

Singapore quyết định không chỉ tập trung vào dập dịch hay tung ra gói cứu trợ kinh tế mà còn tính đến tình huống lâu dài là phải sống chung với COVID-19. Trong cuộc họp báo mới nhất, Ủy ban Liên bộ phòng chống COVID-19 của Singapore đã nhận định rằng, các biện pháp thắt chặt phòng chống dịch đang phát huy hiệu quả. Số liệu trong 2 tuần gần đây cho thấy, số ca mắc COVID-19 mới tại Singapore cơ bản đã được khống chế, có xu hướng giảm nhẹ. Đại diện chính phủ Singapore nhận định, có được kết quả này là do mọi người dân Singapore hợp tác và thực hiện tròn trách nhiệm của mình.

Bên cạnh tăng cường truy vết và dập dịch, một biện pháp không kém phần quan trọng là hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi các quy định giãn cách xã hội lần này. Theo đó, Chính phủ Singapore công bố gói cứu trợ mới trị giá 800 triệu SGD, tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp trả lương và tiền thuê mặt bằng.

Chính phủ Singapore nhận định, COVID-19 tiếp tục diễn biến khó lường và có khả năng tồn tại mãi như nhiều loại bệnh khác. Theo Bộ trưởng Lawrence Wong, nước này đang chuẩn bị cho tình huống là các nhà khoa học trên thế giới kết luận virus này không thể bị loại bỏ mà phải tính đến việc sống chung với COVID-19. Theo kịch bản này, Singapore sẽ tăng cường các mũi vaccine bổ sung cho người dân, nghiên cứu ra các phương pháp điều trị bệnh hiệu quả hơn cũng như phải tính đến các biện pháp phòng ngừa căn bản như liên quan đến các hệ thống thông gió và thiết kế các tòa nhà. Đến nay, Singapore ghi nhận trên triệu ca mắc COVID-19, hơn trường hợp tử vong.

Singapore tính đến việc sống chung với COVID-19, Thái Lan có trên 4.500 ca mắc mới/ngày trong 2 ngày liền - Ảnh 2.

Singapore tính đến việc sống chung với COVID-19 (Ảnh: AP)

Ngày 30/5, Bộ Y tế Campuchia ghi nhận 579 ca mắc mới COVID-19 trong bối cảnh tỉnh Kandal giáp thủ đô Phnom Penh vừa ra thông báo đưa một số địa điểm trong tỉnh vào danh sách "vùng đỏ" do tình trạng lây nhiễm gia tăng trở lại. Trong khi đó, tại tỉnh Svay Rieng giáp biên giới Việt Nam, Sở Y tế tỉnh này đã kêu gọi toàn bộ các công nhân nhà máy You Li (thuộc Đặc khu kinh tế Shandong Bavet) tại địa phương cách ly triệt để sau khi phát hiện 300 người mắc COVID-19.

Mặc dù mức độ lây nhiễm có giảm nhưng vẫn ở trong tình trạng đáng lo ngại. Theo thông báo của Bộ Y tế Campuchia, biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đang lây lan hàng ngày, đặc biệt là tại thủ đô Phnom Penh. Riêng trong tháng 5 này, Campuchia có 15.040 ca mắc và 107 ca tử vong do dịch COVID-19, cao hơn so với ghi nhận của tháng 4 là 11.313 trường hợp nhiễm và 82 người tử vong. Chiến dịch tiêm vaccine thần tốc đang được Chính phủ Campuchia tiến hành nhằm ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh. Campuchia hiện xếp thứ hai trong ASEAN, chỉ sau Singapore, về số lượng người được tiêm chủng. Đã có hơn 2 triệu người ở thủ đô Phnom Penh được tiêm vaccine COVID-19 tính đến ngày 29/5. Trong những ngày gần đây, bình quân mỗi ngày có gần 100.000 người tại Phnom Penh được tiêm chủng.

Tính đến ngày 30/5, Campuchia đã có 29.404 ca mắc COVID-19, 22.188 người được điều trị bình phục và 209 ca tử vong.

Trong khi đó, Philippines đã ghi nhận 7.058 ca mắc mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca COVID-19 tại quốc gia này lên trên 1,2 triệu trường hợp. Tổng số ca tử vong vì dịch bệnh tại quốc gia Đông Nam Á này là 20.860 người, cao hơn 139 trường hợp so với một ngày trước đó. Theo số liệu từ Bộ Y tế Philippines, tổng cộng 12 triệu trên tổng số 110 triệu dân nước này đã được xét nghiệm kể từ khi dịch bệnh bùng phát hồi tháng 1/2020. Trước đó, vào ngày 28/5, Philippines ghi nhận hơn 8.000 ca mắc mới, mức cao nhất trong vòng một tháng qua.

Singapore tính đến việc sống chung với COVID-19, Thái Lan có trên 4.500 ca mắc mới/ngày trong 2 ngày liền - Ảnh 3.

Nhiều địa phương ở Philippines ghi nhận số ca mắc mới tăng dần (Ảnh: AP)

Thứ trưởng Bộ Y tế Philippines Maria Rosario Vergeire cho biết, số ca mắc mới tại vùng đô thị Manila và các vùng phụ cận tiếp tục giảm nhưng tốc độ giảm đang chậm lại trong những tuần gần đây. Trong khi đó, tất cả các vùng ở tỉnh Visayas, miền Trung Philippines, đều ghi nhận số ca mắc mới tăng dần. Các ca mắc mới cũng tăng liên tục ở tất cả các vùng ở đảo Mindanao, miền Nam Philippines, trong đó có 3 vùng ghi nhận tốc độ tăng nhanh hơn trong tuần này. Bộ Y tế nước này kêu gọi, tất cả các chính quyền địa phương tăng cường biện pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong bối cảnh xuất hiện những biến thể mới của virus SARS-CoV-2, trong đó có biến thể Nam Phi, Anh và Ấn Độ.

Tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại Thái Lan đã vượt 1.000 ca với 24 ca được xác nhận trong ngày 30/5. Giới chức y tế Thái Lan ngày 30/5 cho biết, nước này ghi nhận thêm 4.528 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua, trong đó có 1.902 bệnh nhân trong các nhà tù. Đây là ngày thứ hai liên tiếp số ca mắc mới được ghi nhận vượt mốc 4.500 trường hợp. Như vậy, tổng số ca mắc COVID-19 tại Thái Lan từ trước tới nay là 154.307 trường hợp, trong đó có 1.012 người không qua khỏi.

Hiện nay, các quan chức y tế Thái Lan đang đặt ưu tiêu phân phối vaccine ngừa COVID-19 ở Bangkok trong chiến dịch tiêm chủng quốc gia vào tháng 6/2021 để tiêm chủng cho ít nhất 70% người dân vào tháng 7. Đối với các tỉnh khác, việc phân bổ vaccine sẽ thay đổi tùy theo mức độ lây nhiễm của từng khu vực.

Malaysia đang xem xét phạt tiền người không đến tiêm vaccine theo lịch hẹn, trừ trường hợp có vấn đề về sức khỏe. Đây là một phần nỗ lực đẩy mạnh chiến dịch tiêm ngừa COVID-19 ở quốc gia này. Đề xuất được đưa ra trong bối cảnh số ca mắc COVID-19, đặc biệt ở trong độ tuổi từ 20 đến 40 tuổi đang có dấu hiệu tăng mạnh ở nước này.

Malaysia hiện đang cho phép người dân tự nguyện đăng ký địa điểm và loại vaccine ngừa COVID-19 sẽ tiêm. Thống kê tới giữa tháng 5, đã có hơn 52.000 người ở Malaysia không tới tiêm theo lịch hẹn. Ngày 30/5, Malaysia ghi nhận gần 7.000 ca mắc COVID-19 mới. Hiện tổng cộng trên 565.500 người đã nhiễm bệnh ở quốc gia này, bao gồm trên 2.700 trường hợp tử vong.