Trong môi trường công sở, những buổi tiệc cùng đồng nghiệp là dịp để gắn kết tinh thần và tạo động lực cho tập thể. Những dịp này càng trở nên ý nghĩa hơn khi sếp là người chủ động đứng ra tổ chức, thể hiện sự ghi nhận và khích lệ với nhân viên. Tuy nhiên, không phải lúc nào mọi chuyện cũng diễn ra suôn sẻ như mong đợi. Câu chuyện của anh chàng nhân viên tên Tiểu Lý (Quảng Đông, Trung Quốc) dưới đây là một ví dụ điển hình.
Tiểu Lý là nhân viên phòng Marketing của một công ty công nghệ. Hàng ngày, anh phải đối mặt với áp lực công việc cao cùng môi trường cạnh tranh khốc liệt. Nhờ sự nỗ lực và năng lực của bản thân, Tiểu Lý dần khẳng định được vị trí của mình trong mắt đồng nghiệp và cấp trên. Trong một dự án quan trọng của năm 2024, Tiểu Lý và đồng đội đã gặt hái được thành công vang dội. Để chúc mừng thành tích của cả nhóm, vị sếp quyết định mời mọi người một bữa tiệc thịnh soạn.
Hôm đó, cả nhóm gồm 9 người, cả sếp, đã chọn một nhà hàng sang trọng để tổ chức. Trong suốt buổi tiệc, mọi người đều rất vui vẻ, sếp liên tục khen ngợi Tiểu Lý và các thành viên trong nhóm. Những lời động viên của sếp khiến Tiểu Lý càng thêm phần tự tin và quyết tâm cho công việc sắp tới.
Bỗng nhiên, chuông điện thoại của sếp reo vang. Sau khi nghe máy, vẻ mặt sếp lộ rõ vẻ lo lắng, vội vã thông báo với mọi người rằng có việc gấp phải đi ngay. Mọi người đều tỏ ra thông cảm và tạo điều kiện cho sếp rời đi. Thế nhưng, thời gian trôi qua khá lâu, sếp vẫn chưa quay trở lại. Lúc này, mọi người bắt đầu sốt ruột vì sắp đến giờ thanh toán.
Trong lúc mọi người còn đang lúng túng, Tiểu Lý đành phải chủ động đứng ra thanh toán hóa đơn. Số tiền phải trả lên tới hơn 800 NDT (khoảng 2,7 triệu đồng) khiến anh do dự, nhưng vì tình thế bắt buộc, anh đành chấp nhận thanh toán trước.
Trên đường về nhà, Tiểu Lý không ngừng suy nghĩ về lý do sếp đột ngột bỏ về. Vừa tắm xong, Tiểu Lý cầm điện thoại lên và bất ngờ khi thấy hàng loạt tin nhắn đến từ sếp. Hóa ra, sau khi giải quyết xong việc gấp, sếp mới hay tin mọi người đã ra về. Sếp đã nhắn tin hỏi nhân viên phục vụ về số tiền bữa ăn và chuyển khoản cho Tiểu Lý tổng cộng 800 tệ, kèm theo lời nhắn: "Tiểu Lý, thật ngại quá, hôm nay có việc đột xuất nên phải về trước. Số tiền cậu ứng trước, tôi gửi lại cậu. Đây là hoạt động của nhóm, chi phí đương nhiên là do tôi lo liệu rồi".
Cảm xúc của Tiểu Lý như vỡ òa sau khi đọc tin nhắn của sếp. Những lo lắng ban đầu bỗng chốc tan biến, thay vào đó là sự cảm động. Anh nhận ra mình đã hiểu lầm sếp. Sếp không hề cố tình bỏ về mà vì lý do bất khả kháng. Sự tinh tế và chu đáo của sếp khiến Tiểu Lý tự trách bản thân đã có suy nghĩ thiển cận.
Câu chuyện kết thúc có hậu, để lại cho người đọc nhiều suy ngẫm về văn hóa công sở và cách ứng xử giữa lãnh đạo và nhân viên. Hành động đẹp của vị sếp là bài học quý giá cho mỗi chúng ta về sự cảm thông, lòng tin và cách nhìn nhận sự việc một cách đa chiều.
Theo 163