Khi tôi thông báo quyết định nghỉ việc, nhiều anh chị có thâm niên trong công ty bảo với năng lực của tôi, việc thăng tiến trong tương lai sẽ thuận lợi, nhưng thật đáng tiếc là tôi mắc "bệnh gen Z ".
Bệnh gen Z, theo cách nói của những người thế hệ trước, là "chưa cống hiến đã đòi đãi ngộ", "lười biếng, không làm việc hết mình". Nhiều tiền bối đánh giá hành động bỏ việc như tôi là tham bát bỏ mâm, lẽ ra còn trẻ tuổi thì phải nỗ lực hết mình để cống hiến và thể hiện bản thân chứ không phải vội tính toán so đo hơn thiệt, để lỡ cơ hội tốt.
Nhưng ở góc nhìn của những người trẻ như tôi, chấp nhận sự không công bằng, thiếu bình đẳng giữa người lao động - người sử dụng lao động là một điều độc hại. Người chủ doanh nghiệp nào cũng luôn định vị mình là người văn minh, tiến bộ, người lao động có trình độ, bằng cấp cao cũng thế, vậy thì không nên quên rằng tuân thủ luật lao động là biểu hiện cơ bản của văn minh trong môi trường làm việc. Đó là các quy định về số giờ làm việc tối đa và việc trả lương, thù lao.
Ở công ty cũ của tôi, tuần làm việc có 6 ngày, nhưng trên thực tế chủ nhật nào tôi cũng phải “bật chế độ tạm dừng” ở các cuộc hẹn hay gác lại kế hoạch riêng sau những tin nhắn, email hay cú điện thoại của sếp.
Tiếng là làm việc 8 giờ mỗi ngày, nhưng thực tế hầu như không buổi tối nào tôi không phải "cày". Hàng chục nhóm chat liên quan đến công việc liên lục kêu choeng choeng thậm chí đến 1 giờ sáng. Chúng tôi cố gắng cày ngày đêm cho xong dự án, mong có ít ngày thư thái hơn, nhưng hễ xong là sếp gối ngay cho dự án khác và ai nấy lại chạy deadline trối chết, thức đêm thức hôm để làm.
Khi tôi than thở về sự bất hợp lý này, các anh chị bảo như thế đã là gì, những ngày họ nghỉ phép năm cũng chả được yên thân, vẫn bị công ty quấy rầy với lý do "công việc này liên quan đến anh, không hỏi anh thì hỏi ai?". Thế là họ dù đang bận việc gia đình hay đi nghỉ với người thân vẫn phải ngồi dạt ra một góc mở máy tính, hoặc cầm điện thoại gọi hết cuộc nọ đến cuộc kia…
Đi nghỉ phép với gia đình vẫn bị sếp gọi giao việc là chuyện bình thường. (Ảnh minh họa được tạo bởi AI)
“Trong ngày làm việc, thời gian của cậu thuộc về công ty. Trong ngày nghỉ, ngày lễ, thời gian của cậu cũng là của công ty”, các đồng nghiệp của tôi chốt lại như thế. Có điều, dù bất bình, họ chấp nhận việc đó như một thực tế không thể thay đổi.
Nhưng tôi và những người thuộc thế hệ của tôi không như vậy, nhất là khi các sếp lấy lý do yêu cầu công việc để đòi hỏi mọi người làm việc không có ngày nghỉ, nhưng lại không tính thù lao một cách sòng phẳng. Nếu tính tiền công cho những giờ tăng ca theo đúng luật, thu nhập của tôi phải cao ít nhất là gấp đôi mức bình thường. Nhưng không, tôi chỉ nhận được khoản “thưởng KPI” bằng 10% cộng thêm.
Tôi đã thẳng thắn nói rõ quan điểm của mình trong cuộc họp công ty, nhưng những người cũng bất bình cùng tôi ở “hậu trường” im thin thít không hề lên tiếng, sếp cũng nói qua loa vài câu rồi chuyển chủ đề khác. Vì thế, sau 6 tháng làm việc, tôi quyết định nghỉ vì biết rõ tình trạng đó sẽ không thay đổi.
Tôi nghỉ việc một cách dứt khoát vì 2 nguyên nhân. Thứ nhất, tôi không chấp nhận việc công ty chiếm dụng toàn bộ thời gian của người lao động. Những lúc cao điểm, mọi người cùng dồn sức để làm thì tôi sẵn sàng, nhưng rõ ràng công ty cố tình lạm dụng, khiến cho mọi người không bao giờ có thời gian nghỉ ngơi, tái tạo năng lượng. Chúng ta làm việc để sống chứ không phải sống để làm việc; cuộc sống còn nhiều điều khác chứ không phải chỉ có lao động.
Thứ hai, không phải tôi “chỉ biết đòi hỏi đãi ngộ”, “tính toán so đo”, mà tôi không muốn chấp nhận sự thiếu sòng phẳng. Việc ép nhân viên làm việc cả trong ngày nghỉ nhưng lại lờ đi việc trả công xứng đáng là một kiểu bắt nạt, thể hiện sự bất bình đẳng trong mối quan hệ giữa công ty và người lao động, và cũng cho thấy lãnh đạo không coi trọng công sức của nhân viên.
Sự bất hợp lý ấy vẫn cứ tồn tại là vì người ta dù ấm ức nhưng vẫn im lặng chấp nhận.
Hiện nay tôi làm tự do, thu nhập cao gấp rưỡi trước đây nhưng số giờ làm việc giảm gần một nửa. Tôi vẫn muốn ứng tuyển vào một công ty khác, nhưng sẽ chọn nơi nào “chơi đẹp” để đầu quân.