Sẽ ra sao nếu toàn bộ lượng băng trên Trái Đất tan chảy cùng một lúc?

Trịnh Tây, Theo Trí Thức Trẻ 00:07 17/06/2020

Một viễn cảnh chỉ có thể xảy ra ở tương lai rất xa, nhưng không có nghĩa là chúng ta có thể xem thường nó.

99% lượng băng trên Trái Đất nằm trên Greenland và Nam Cực. Mỗi năm, một lượng nhỏ băng tan chảy và hòa vào đại dương. Có thể mất hàng trăm, hàng nghìn năm để đống băng này tan chảy hoàn toàn. Nhưng nếu một biến cố nào đó xảy ra và toàn bộ lượng băng này tan chảy trong 1 đêm?

Sẽ ra sao nếu toàn bộ băng trên Trái Đất tan chảy cùng một lúc?

Khi bạn còn đang say giấc nồng, mực nước biển có thể đã dâng lên tới 66m. Các thành phố sầm uất như New York, Thượng Hải, London sẽ ngâm mình trong nước, khiến cho 40% dân số thế giới mất nhà cửa - tương đương khoảng hơn 3 tỷ người.

Đó mới chỉ là trên mặt đất, dưới mặt đất, mọi thứ còn thảm họa hơn. Nước biển sẽ ngấm vào lòng đất và phá hủy hệ thống nước ngầm hiện đang cung cấp nước ngọt để bạn ăn uống hay trồng trọt. 

Thêm nữa, lượng nước ngọt từ băng tan có thể khiến cho các dòng hải lưu, các kiểu thời tiết đặc trưng trên Trái Đất bị biến đổi. Ví dụ như dòng hải lưu Gulf Stream, nó cung cấp không khí ấm áp cho vùng Bắc Âu dựa vào dòng nước biển từ Bắc Cực. Lượng nước ngọt lớn từ băng tan khiến cho dòng hải lưu này biến đổi, yếu hơn hoặc thậm chí biến mất hoàn toàn. Khi đó, nhiệt độ trung bình ở Bắc Âu sẽ giảm mạnh. Thậm chí, nhiều chuyên gia dự báo hiện tượng này có thể khiến châu Âu quay về Kỷ băng hà.

Sẽ ra sao nếu toàn bộ lượng băng trên Trái Đất tan chảy cùng một lúc? - Ảnh 2.

1% lượng băng trên Trái Đất nằm ở các dãy núi cao trong đất liền. Lớp băng trên dãy Himalaya “bảo quản” những chất độc hại ví dụ như dichlorodiphenyltrichloroethane (DDT) hàng thế kỷ nay. Và khi băng tan chảy, những chất độc hại sẽ đi thẳng vào các sông, hồ, mạch nước ngầm và đầu độc bất cứ sinh vật nào tiếp xúc phải.

Ngoài ra, tầng đất đóng băng vĩnh cửu Permafrost tan chảy mới thực sự là vấn đề. Lớp băng này tan chảy sẽ giải phóng một lượng lớn thủy ngân. Cộng thêm, nó có thể giải phóng một lượng lớn khí nhà kính CO2, CH4 ra bầu khí quyển. Các nhà khoa học tính toán, điều này có thể làm tăng gấp đôi lượng khí nhà kính hiện tại và làm nhiệt độ tăng lên tới 3,5 độ C. 3,5 độ chúng ta nghe có vẻ không nhiều lắm nhưng điều này có thể khiến nước bốc hơi và đâu đâu cũng biến thành sa mạc. Các cơn bão, giông lốc, lũ lụt cũng sẽ trở nên dữ dội hơn rất nhiều.

Sẽ ra sao nếu toàn bộ lượng băng trên Trái Đất tan chảy cùng một lúc? - Ảnh 3.

Nếu thảm họa này xảy ra, Trái Đất sẽ chứng kiến cuộc di cư ồ ạt lên các vùng cực - Canada, Alaska, Bắc Cực và một số khu vực còn xót lại của Nam Cực. Câu chuyện trên có lẽ sẽ chẳng bao giờ xảy ra vì lượng băng trên Trái Đất đủ dày để ngăn nó tan chảy cùng một lúc.

Tuy nhiên, có một sự thật là băng ở 2 cực đang tan rất nhanh. Chỉ trong vài ngày ngắn ngủi của mùa hè, hàng tỉ tấn băng tại 2 cực đã tan biến - tất cả là vì hệ quả của hiện tượng Trái Đất nóng lên khiến khí hậu thay đổi.

Nếu không hành động thì đến một thời điểm nào đó, mọi cố gắng của nhân loại sẽ chính thức không còn giá trị.

(Nguồn: Science Alert)

Sẽ ra sao nếu toàn bộ lượng băng trên Trái Đất tan chảy cùng một lúc? - Ảnh 4.