Sau khi lớn lên, tôi nhận ra có 5 kiểu người mình không nên chơi quá thân

M416, Theo Trí Thức Trẻ 00:44 17/07/2020

"Người muốn giúp đỡ người khác là người biết nghĩ cho người khác; người muốn quấy rầy người khác là người chỉ biết nghĩ cho bản thân."

1. Người lúc nào cũng nói đạo lý

Kiểu người này luôn coi mình là số một. Ban đầu, mục đích của cuộc nói chuyện là bạn muốn tâm sự, nhưng đến cuối cùng nó lại trở thành lớp diễn thuyết của người đó. Lời chưa nói hết, người này đã muốn nói hết luôn phần của bạn, khiến bạn chỉ biết nuốt trở lại những lời bạn muốn nói, cũng như những tâm sự bạn muốn thổ lộ.

Một nhà văn đã từng nói: "Người muốn giúp đỡ người khác là người biết nghĩ cho người khác; người muốn quấy rầy người khác là người chỉ biết nghĩ cho bản thân."

Về bản chất, thích nói đạo lý là một hành vi thỏa mãn bản thân, không quan tâm đến cảm xúc của người khác. Điều đáng sợ ở đây là đối phương lấy cớ muốn tốt cho bạn, để đẩy bạn vào cái hố đạo đức.

Sau khi lớn lên, tôi nhận ra có 5 kiểu người mình không nên chơi quá thân - Ảnh 1.

Tôi nhớ có một lần tôi đến nhà dì ăn cơm. Đúng hôm đó, em họ tôi nhận được kết quả thi học kỳ môn toán, kết quả rất cao, lần đầu tiên được 9,5 điểm. Thế nhưng dì tôi lại nói: "Lần này con thi khá đấy, nhưng con phải duy trì đấy. Lần này thi tốt không có nghĩa là lần sau cũng thế. Con nhìn con bé Hoa hàng xóm mà xem, lần nào thì cũng được trên 9 điểm. Nói chung con phải tiếp tục cố gắng đi nhé..."

Thực ra, em họ tôi chỉ muốn được khen một chút thôi mà. Tôi nhìn ánh mắt sáng rực của nó dần tối lại sau khi nghe lời mẹ nó nói.

Ví dụ kể trên cho thấy thứ đạo lý bạn cho rằng đúng đắn trên thực tế đã vùi dập cảm xúc, tâm trạng của người đối diện. Họ có nhu cầu được tâm sự, tuy nhiên nhu cầu này không được đáp ứng. Hành động nói đạo lý không ngừng sẽ khiến mối quan hệ trở nên rất ngạt thở.

2. Người nói chuyện làm tổn thương người khác, nhưng lại lấy cớ "Tính tôi vốn vậy"/"Tôi hơi thẳng tính"

Kiểu người này trông thì có vẻ tính cách thẳng thắn, trên thực tế là vô cùng ích kỷ, không biết quan tâm đến cảm nhận của người khác. Cùng một ý tưởng, đáng ra họ có thể nói dễ nghe hơn, tuy nhiên họ luôn dùng những lời thâm độc. Ví dụ như:

"Ngại quá, tôi nói thẳng cậu đừng để bụng nhé, hôm nay cậu trang điểm đậm thế, mặt dày như tường bê tông vậy, ha ha ha."

Câu nói của họ ám chỉ rằng: Tôi có thể mắng bạn, nhưng bạn đừng để bụng, mắng lại tôi là không đúng đâu nhé.

Xin lỗi, nhưng tôi rất để ý đấy! Đã nói chuyện vô duyên vậy thà rằng bạn đừng mở miệng, chẳng lẽ bạn chưa bao giờ được dạy phải lịch sự lễ phép hay sao?

Cái họ gọi là thẳng thắn, thực ra là luôn cho mình đúng. Họ chưa bao giờ dành ra dù chỉ 1 phút để đặt mình vào vị trí của người nghe, để cân nhắc xem liệu người nghe có chấp nhận được hay không.

Kiểu người này thường không biết giới hạn trong một cuộc đối thoại là gì, họ thường xuyên vượt qua chừng mực được cho phép, xâm phạm vào không gian riêng tư cũng như sự nhạy cảm của người khác. Vì họ không biết tôn trọng người khác, nên hôm nay họ có thể khua tay múa chân với bạn, ngày mai thậm chí còn tự ý đưa ra quyết định thay bạn.

Sau khi lớn lên, tôi nhận ra có 5 kiểu người mình không nên chơi quá thân - Ảnh 2.

Cần biết rằng: Trong một mối quan hệ, chúng ta không nhất định phải là một người mà ai ai cũng yêu quý, nhưng giới hạn cuối cùng chính là trở thành một người không bị coi là đáng ghét. Bạn cần biết cách kiềm chế bản thân, suy nghĩ cho người khác, đây chính là nền tảng cơ bản để thành lập mối quan hệ tốt đẹp với mọi người.

Đồng thời khi bạn học được cách khích lệ người khác, hoặc tán đồng ý kiến của người khác, bạn cũng đã gián tiếp thúc đẩy mối quan hệ giữa bạn và người đó trở nên tốt đẹp hơn.

3. Người thường phủ nhận người khác trong vô thức

Người ta có câu: Người luôn luôn chỉ trích sai lầm của người khác và luôn coi mình là đúng, nhất định không phải người tốt lành gì, cần tránh xa. Kiểu người này luôn muốn dùng lời nói để áp chế bạn, không bao giờ chịu thừa nhận bạn có điểm tốt hơn người ta. Đi cùng họ, bạn sẽ cảm giác bản thân giống như một cuốn sổ ghi chép sai lầm biết đi vậy.

Cuộc hội thoại 1:

- The Moon and Sixpence hay ghê, tác phẩm tiêu biểu của Maugham đó!

- Đâu, tác phẩm tiêu biểu của Maugham là Of Human Bondage mà. Chưa đọc đúng không?

Cuộc hội thoại 2:

- Quán nướng mới mở ở cổng trường cấp một ăn ngon ghê!

- Không, quán ở đầu ngõ nhà tôi mới ngon chứ!

Kiểu người này luôn dùng cách phủ nhận người khác để bảo vệ giá trị quan, cảm giác hiểu biết của bản thân. Một khi người này làm sếp, nhân viên của họ sẽ rất mệt mỏi.

Không tồn tại một kiểu người luôn luôn đúng, nhưng những người thích nhận mình đúng, khiến người ta chán ghét thì lại có vô số.

Nếu như bạn không muốn trở thành một người như vậy, hoặc không muốn gặp phải một người như vậy, điều đầu tiên bạn cần làm chính là đề cao đạo đức tu dưỡng của bản thân, học cách khẳng định người khác. Đừng bao giờ hạ bệ người khác để tôn mình lên, nếu bạn thực sự xuất sắc, bạn sẽ tự động tỏa sáng.

Sau khi lớn lên, tôi nhận ra có 5 kiểu người mình không nên chơi quá thân - Ảnh 3.

4. Người thích than phiền, càm ràm

Kiểu người này thích nhất là để ý đến những vấn đề tiểu tiết, buồn bực vì những thứ nhỏ nhoi. "Làm gì cũng không xong, chỉ biết vạch lá tìm sâu, phê bình người khác là giỏi" chính là câu chính xác nhất để miêu tả họ.

Cùng nhau chờ xe buýt, xe tới trễ, họ sẽ bắt đầu phàn nàn về hệ thống xe buýt, phàn nàn chuyện thời tiết, phàn nàn về vận may của họ, khiến người đối diện không biết nói gì, chỉ biết im lặng cầm điện thoại ra để nghịch. Lên được đến xe, họ lại bắt đầu phàn nàn điều hòa trên xe không đủ mát, tài xế lái xe không ổn, lái linh tinh mà thu nhập còn cao hơn họ.

Trong mắt những người thuộc hội này chỉ có thế giới của bản thân họ. Họ bất mãn với mọi thứ, luôn chỉ nhìn thấy những thứ tiêu cực. Điều khiến người ta khó chịu hơn nữa là tuy phàn nàn rất nhiều, nhưng những người này lại không bao giờ chịu bước ra khỏi vòng an toàn của bản thân.

Nói chung ở cạnh bên những người bạn như vậy, bạn cần tố chất tâm lý rất mạnh mẽ.

5. Hòa đồng, dễ chịu với người ngoài; khó chịu với người nhà

Vì sao những người đối xử với bạn tốt nhất lại luôn là người phải gánh chịu tính cách sáng nắng chiều mưa của bạn? Trên thực tế ở ngoài kia có rất nhiều người như vậy, với người ngoài thì cười cười nói nói, với người nhà lại cáu cáu kỉnh kỉnh.

Sau khi lớn lên, tôi nhận ra có 5 kiểu người mình không nên chơi quá thân - Ảnh 4.

Không ít người ở ngoài thì am hiểu đối nhân xử thế, nhưng một khi đối diện với những người quen thuộc nhất, bản chất của họ mới lộ ra. Đây là thói xấu dễ dàng bị chúng ta bỏ qua, nhưng cũng nhờ nó mà chúng ta nhìn thấy mặt chân thật nhất của một người.

Ra ngoài chịu thiệt, gặp mệt mỏi, về nhà tìm kiếm sự an ủi, điều này không có gì đáng trách. Nhưng bạn tìm kiếm sự đền bù cảm xúc không có nghĩa là bạn được quyền trả giá bằng sự tổn thương của người thân. Đừng vì gia đình luôn yêu thương bạn vô điều kiện, nên lợi dụng nó.

Hãy tự hỏi chính mình mỗi lúc bạn định giận cá chém thớt rằng tại sao bạn biết bỏ rác vào thùng, mà lại luôn ném hết những cảm xúc tiêu cực lên người thân của bạn?