Tôi cũng từng luôn ám ảnh với việc dọn nhà mãi mà không sạch, cho đến khi mạnh tay vứt đi những món đồ thừa thãi trong nhà thì mới nhận thấy: Nhà cửa bừa bộn là do chính mình tự bày ra. Thế nên thay vì cố sức dọn dẹp, tốt hơn là cứ nhẹ nhàng buông bỏ những thứ thật sự không còn cần thiết.
Tôi sẽ gợi ý danh sách những món đồ phổ biến trong nhà người Việt mà bạn cũng nên cân nhắc bỏ bớt đi để không gian sống nhẹ nhàng và dễ thở hơn.
1. Các loại hóa đơn, giấy tờ đã hết hạn
Hóa đơn mua sắm, sách hướng dẫn sử dụng, phiếu bảo hành... là những thứ mà nhiều người có thói quen giữ lại “cho chắc”. Nhưng càng để lâu, chúng càng làm ngăn kéo, hộc tủ trở nên lộn xộn. Nếu bạn kiểm tra kỹ, có thể sẽ phát hiện phần lớn trong số đó đã hết hạn hoặc không còn dùng đến nữa.
Thêm vào đó, ngày nay hầu hết thông tin bảo hành hay hướng dẫn đều có thể tra cứu online. Vậy nên, những giấy tờ đã cũ, hết giá trị thì hãy mạnh dạn vứt đi để ngăn tủ thoáng hơn, nhà cửa cũng gọn hơn rất nhiều.
2. Sách không dùng đến
Từ sách vỡ lòng, truyện tranh đến sách giáo khoa đã qua cấp học, nhiều cha mẹ có xu hướng giữ lại hết vì nghĩ đó là “kỷ niệm tuổi thơ” của con. Nhưng càng để lâu, sách càng nhiều, kệ sách càng chật chội, chưa kể sách để lâu còn dễ ẩm mốc, mất vệ sinh.
Đó là chưa kể một số người cũng có thói quen mua sách để đó, hiếm khi đọc. Kết quả là sách mới còn nguyên, chất đống, phủ bụi trong góc nhà. Tốt nhất là chỉ giữ lại những cuốn sách có giá trị sử dụng lâu dài, có giá trị đọc lại, quá ấn tượng hoặc mang ý nghĩa đặc biệt. Còn lại, bạn có thể quyên góp, bán lại hoặc thanh lý để tiết kiệm không gian.
3. Đồ chơi trẻ em
Nếu nhà có con nhỏ, bạn sẽ hiểu nỗi khổ của việc đồ chơi nhiều hơn cả đồ người lớn. Không phải không muốn vứt, mà bọn trẻ thường sẽ khóc toáng lên nếu đồ chơi của chúng bị bỏ đi dù món đó đã cũ kỹ, hư hỏng hoặc cả năm không chơi.
Nhưng thực tế thì đồ chơi để lâu không chỉ chiếm chỗ mà còn là nơi tích tụ bụi bẩn, vi khuẩn. Do đó, bạn nên chọn lọc giữ lại những món đồ trẻ vẫn thường xuyên sử dụng. Với những món quá cũ hoặc hỏng, bạn có thể âm thầm xử lý dần. Đồng thời, rèn cho con thói quen tự thu dọn đồ chơi sau khi chơi xong để không gian nhà cửa gọn gàng, thoáng đãng hơn.
4. Các loại hộp và túi đựng
Chúng ta thường có xu hướng giữ lại hộp đựng sản phẩm, túi quà, túi giấy đẹp vì “biết đâu có lúc dùng đến”. Nhưng thực tế, chúng thường chiếm nhiều diện tích, không đồng bộ về kích cỡ và rất hiếm khi được tận dụng như kỳ vọng.
Vậy nên nếu sản phẩm bạn mua về đã qua thời hạn đổi trả hàng (thường là 7 ngày) thì nhanh chóng bỏ đi những hộp, túi không cần thiết đi. Chỉ giữ lại vài món thật sự có thể tái sử dụng là đủ.
5. Quần áo không mặc
Ai cũng từng có vài chiếc áo “chưa mặc lần nào”, “chưa tùng mặc đến lần thứ hai” hoặc chờ giảm cân, tăng cân rồi mặc. Có món mua theo hứng, có món thì đắt tiền nên tiếc không nỡ bỏ dù rằng chẳng bao giờ dùng đến. Kết quả là tủ quần áo lúc nào cũng chật ních, còn bản thân thì vẫn than “không có gì để mặc”.
Lời khuyên là hãy định kỳ lôi hết quần áo ra để xếp lại vào tủ, bạn sẽ thấy có vài món quả thật không nên giữ lại. Lúc này, đừng ngại cho đi, thanh lý, hoặc giữ lại làm giẻ lau trong nhà. Không gian tủ trống sẽ giúp bạn dễ chọn đồ hơn mỗi sáng.
6. Đồ dùng nhà bếp ít dùng đến
Nhà bếp là nơi dễ tích trữ "đồ dùng một lần rồi quên" nhất. Nào là nồi chiên, máy làm bánh, bộ nồi đủ thể loại… Ban đầu mua vì nghĩ sẽ cần, nhưng thực tế thì lại ít khi dùng đến. Những món đồ đó không chỉ chiếm chỗ mà còn gây khó khăn trong việc sắp xếp, lau dọn không gian. Đặc biệt với những nhà có diện tích bếp nhỏ thì càng nên tối giản.
Muốn "thanh lọc" vật dụng nhà bếp thừa thãi thì bạn nên căn cứ vào tần suất sử dụng thực tế để quyết định giữ hay bỏ. Nếu đã 3 tháng rồi bạn không dùng đến, có lẽ nên cho món đồ đó ra đi.
Nguồn: toutiao