Internet là công cụ kết nối chúng ta với hàng nghìn thế giới khác nhưng cũng đầy rẫy những cám dỗ, chẳng hạn như những đoạn video ngắn ít "dinh dưỡng" được điều khiển bằng các thuật toán.
Cách đây không lâu, Common Sense Media, một tổ chức phúc lợi vì cộng đồng ở Mỹ đã đưa ra một báo cáo dài 64 trang và số liệu đưa ra đã thu hút sự chú ý của dư luận. Nhóm đã tổ chức khảo sát và nghiên cứu thói quen sử dụng điện thoại của 203 thanh thiếu niên từ 11 đến 17 tuổi. Theo đó, thời gian trung bình người tham gia sử dụng điện thoại di động mỗi ngày là khoảng 4,5 giờ và gần 10% sử dụng điện thoại di động hơn 10 giờ mỗi ngày.
Những trẻ em tham gia khảo sát trung bình đã nhận được 237 thông báo trở lên mỗi ngày, tối đa nhận hơn 4.500 thông báo mỗi ngày (bao gồm tin nhắn văn bản, thông báo APP, trò chuyện trên mạng xã hội,...) và khoảng 23% thông báo được gửi trong giờ học.
Số lần trung bình thanh thiếu niên nhấc điện thoại di động lên mỗi ngày là 51 lần, dao động từ 2 lần đến 498 lần một ngày. Các em kiểm tra điện thoại di động thường xuyên vào buổi trưa và sau giờ học. Tần suất thấp hơn ở trẻ nhỏ (11 đến 12 tuổi), có lẽ vì chúng bị cha mẹ kiểm soát nhiều hơn.
Thời gian trung bình mà thanh thiếu niên xem video ngắn là 1 giờ 52 phút và một số trẻ xem hơn 7 giờ mỗi ngày. Hơn 40% trẻ em xem video ngắn hơn 1 giờ mỗi ngày và 22,8% nghiện video ngắn từ 3 giờ trở lên mỗi ngày.
Nhóm trẻ em tham gia khảo sát chơi 657 trò chơi di động khác nhau trong một tuần, trong đó có 211 trò chơi có nội dung bạo lực. 45% trẻ em đã sử dụng các ứng dụng chỉ dành cho người trên 18 tuổi, bao gồm trang web người lớn, ứng dụng cá cược/thể thao giả tưởng, trò chơi sòng bạc hoặc trò chơi bạo lực.
Điện thoại thông minh đang âm thầm biến ngày càng nhiều trẻ em trở thành "thế hệ zombie" theo những cách cực kỳ bí mật, thao túng thời gian, trí não và sức khỏe tinh thần của các em.
Dữ liệu khảo sát của Common Sense cho thấy khoảng 43% trẻ em Mỹ từ 8 - 12 tuổi và 88 - 95% thanh thiếu niên từ 13 - 18 tuổi sở hữu điện thoại di động của riêng mình. Các nhà nghiên cứu cho biết: "Điện thoại thông minh chiếm phần lớn thời gian thức của trẻ em và gắn liền với cuộc sống của giới trẻ, đóng vai trò vừa là tiền cảnh vừa là hậu cảnh".
Theo nghiên cứu, trong một tuần, 203 thanh thiếu niên đã sử dụng tổng cộng 1.644 ứng dụng khác nhau. Mỗi người mở 5 - 125 ứng dụng và sử dụng trung bình khoảng 40 ứng dụng/tuần.
Phổ biến nhất và được sử dụng lâu nhất trong số tất cả thanh thiếu niên từ 11 - 17 tuổi là mạng video ngắn TikTok. 50% người tham gia đã sử dụng TikTok và thời gian sử dụng trung bình hàng ngày là 1 giờ 52 phút. Một số trẻ xem hơn 7 giờ mỗi ngày, ngay cả trong lớp hoặc vào đêm khuya.
Thuật toán video ngắn có thể xác định chính xác sở thích của mỗi người trong vòng chỉ vài chục giây, điều chỉnh bất cứ lúc nào theo nhu cầu, kích thích dopamine trong não, thậm chí nhiều trẻ sẽ khó đi vào giấc ngủ vì não bị kích thích quá mức.
"Thuật toán của TikTok có vẻ chính xác và hấp dẫn hơn đối với tôi so với các ứng dụng khác. Nó mang lại cho tôi một chút niềm vui mọi lúc, mọi nơi và tôi có thể chia sẻ nó với bạn bè", một thiếu niên cho biết.
Một số em bày tỏ sự đấu tranh nội tâm khi bị các video ngắn kiểm soát: "Một loạt thông tin từ các video ngắn chảy vào não khiến em cảm thấy choáng ngợp và tội lỗi. Em nên làm bài tập về nhà hay tiếp tục lãng phí 20 phút xem video?".
Vì xem quá nhiều video ngắn nên một số em cho biết không thể chịu đựng được những video dài 30 giây và chỉ xem những video đó trong vòng 10 giây.
Sau khi quan sát việc sử dụng điện thoại di động của những thanh thiếu niên này, các nhà nghiên cứu kết luận rằng nhiều ứng dụng được thiết kế cẩn thận nhằm khuyến khích người dùng tham gia lâu dài.
Những con số kể trên đặt ra một vấn đề khiến nhiều người lớn trăn trở: Các ứng dụng đều tuyên bố giới hạn độ tuổi, nhưng tại sao trẻ em vẫn có thể sử dụng trong thời gian dài như vậy?
Vào năm 2023, Hiệp hội bác sĩ phẫu thuật Hoa Kỳ đã công bố một báo cáo dài 19 trang trong đó xem xét cẩn thận "nguy cơ gây tổn hại sâu sắc" do trẻ em tiếp xúc sớm với mạng xã hội.
Thanh thiếu niên từ 10 đến 19 tuổi đang trong giai đoạn phát triển não bộ rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương, khi hành vi chấp nhận rủi ro lên đến đỉnh điểm, hạnh phúc dao động nhiều nhất và các vấn đề về sức khỏe tâm thần như trầm cảm thường nảy sinh.
Ngoài ra, giai đoạn đầu tuổi vị thành niên là thời điểm hình thành bản sắc và giá trị bản thân, đồng thời sự phát triển trí não đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi áp lực xã hội, ý kiến của bạn bè và sự so sánh của bạn bè. Việc sử dụng mạng xã hội thường xuyên có thể liên quan đến những thay đổi đáng kể trong hạch hạnh nhân đang phát triển của não (quan trọng đối với việc học hỏi và hành vi cảm xúc) và vỏ não trước trán (quan trọng đối với việc kiểm soát xung động, điều chỉnh cảm xúc và điều chỉnh hành vi xã hội).
Ở thời điểm hiện tại, việc chỉ trích trẻ em nghiện Internet, điện thoại di động dường như đã là vấn đề "nói mãi vẫn thế".
Nhưng từ báo cáo của Common Sense, chúng ta cũng nghe thấy một tiếng nói khác từ trẻ em.
1 phần 5 đến 1 phần 3 trẻ em cho biết điện thoại di động cản trở cuộc sống bình thường, khiến chúng mất ngủ, ảnh hưởng đến giao tiếp xã hội và học tập. Đồng thời các em thường sử dụng điện thoại di động để trốn tránh trách nhiệm và cảm xúc tiêu cực.
Như một bài bình luận trên tờ New York Times đã viết, trẻ em thuộc thế hệ này đang trải qua nhiều bất ổn hơn cha mẹ chúng và thấy trước một tương lai kinh tế tồi tệ hơn. Cùng với kiểu nuôi con đầy kiểm soát của phụ huynh ngày nay, họ bị hạn chế vào thời điểm mà lẽ ra họ phải khám phá cuộc sống tự chủ. Vì thế, trốn thoát vào thế giới trực tuyến là cách để họ tìm tự do không giới hạn.
Nhưng điều chắc chắn là các em vẫn không hề mất đi niềm khao khát khám phá cuộc sống thực, đặc biệt là các em lớn ở độ tuổi 16, 17.
Đối với trẻ em từ 10-12 tuổi, có thể các em mới có chiếc điện thoại di động đầu tiên và chỉ muốn chơi điên cuồng. Nhưng khi các em lớn hơn, có nhiều người biết rằng chơi trên điện thoại di động là không tốt và đang cố gắng loại bỏ nó.
Có những đứa trẻ đã nghĩ ra chiến lược để kiểm soát bản thân như bật chức năng Không làm phiền, tắt hoặc xóa các thông báo ứng dụng không cần thiết, chỉ trò chuyện với một số người thân và bạn bè cố định,...
Ngày nay, ngày càng nhiều người bắt đầu nhận ra rằng "nghiện điện thoại di động" không chỉ là vấn đề ý chí cá nhân. Đằng sau nó là cái bẫy thao túng của các công ty công nghệ không ngừng tạo ra sự cám dỗ có chủ đích vì lợi nhuận.
Jonathan Haidt, giáo sư tại Trường Kinh doanh Stern của Đại học New York, đã viết trong cuốn sách mới Thế Hệ Lo Lắng của mình:
"Kể từ năm 2010/2012, tỷ lệ lo âu, trầm cảm và tự tử ở tuổi vị thành niên trên khắp thế giới bắt đầu gia tăng đáng kể, trở thành một 'đại dịch bệnh tâm thần' càn quét thế giới, bao gồm Hoa Kỳ, Canada, Úc, New Zealand và thậm chí cả quốc gia hạnh phúc Đan Mạch, Phần Lan cũng không thoát khỏi.
Nguyên nhân chính rõ ràng là với sự phát triển của Internet di động sau sự phổ biến của điện thoại di động. Mạng xã hội đã trở nên phổ biến trong giới trẻ trên toàn thế giới, khiến ngày càng nhiều trẻ em rơi vào cái bẫy này".
Tin tốt là đã có ai đó bắt đầu hành động.
Tại Mỹ, Florida đã đưa ra một dự luật vào tháng 3 năm nay nhằm cấm thanh thiếu niên dưới 14 tuổi trong bang sử dụng tài khoản mạng xã hội và yêu cầu các nền tảng xóa tất cả các tài khoản đã được tạo, trong khi trẻ em từ 14 đến 16 tuổi phải có được sự đồng ý của cha mẹ để có một tài khoản.
Tại Anh, một cuộc thăm dò cho thấy 77% phụ huynh có con trong độ tuổi tiểu học muốn cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng điện thoại thông minh.
"Cơn bão tâm lý" đang càn quét thế hệ trẻ ngày nay có thể được kiểm soát. Thế hệ tiếp theo vẫn phải đối mặt với nhiều thử thách và chúng ta không được đánh mất đôi cánh của mình quá sớm từ tuổi thiếu niên.