Đúng 8h sáng ngày 16/7, điểm thi tốt nghiệp THPT 2025 sẽ chính thức được công bố và hành trình hậu thi cử của hơn 1 triệu sĩ tử cũng bắt đầu. Lúc này, niềm vui, sự hồi hộp và cả lo lắng đang đan xen trong tâm trí các bạn.
Nhưng sau khoảnh khắc thở phào ấy, có một câu hỏi quan trọng hơn đang chờ lời đáp: Khoảng thời gian sau thi nên làm gì để không tiếc nuối? Nên nhớ có 3 việc "tưởng vô hại" nhưng nếu không cẩn thận, có thể ảnh hưởng cả 4 năm đại học, thậm chí để lại tiếc nuối cả đời.
1. Đừng vội lao đi làm thêm, hãy chắc chắn đã hoàn thiện việc chọn ngành chọn trường
Ngay sau khi biết điểm, nhiều bạn có xu hướng nhanh chóng kiếm việc làm thêm để "tận dụng thời gian", vừa kiếm tiền tiêu vặt, vừa rèn luyện kỹ năng. Nhưng hãy khoan, bạn đã chọn xong ngành và trường chưa?
Không ít học sinh vì quá tập trung đi làm sớm mà sao nhãng việc tìm hiểu kỹ thông tin xét tuyển. Có bạn đến sát hạn chót mới bắt đầu hoảng hốt chọn đại, nộp đại. Hậu quả là chọn sai ngành, sai trường, 4 năm đại học rơi vào cảnh "chịu đựng" và tiếc nuối.
Thứ tự đúng nên là tra cứu điểm - tìm hiểu kỹ trường và ngành - cân nhắc lộ trình xét tuyển - rồi mới tính chuyện đi làm thêm. Đừng đảo lộn thứ tự, vì bước chọn ngành chọn trường là viên gạch nền đầu tiên cho tương lai.
2. Tình cảm có thể chờ, đừng vì xúc động nhất thời mà quyết định vội vàng
Kỳ thi kết thúc, áp lực giải tỏa, cảm xúc dâng cao, nhiều bạn bỗng muốn "chốt đơn" mối tình học trò, thổ lộ với crush, hoặc bước vào một mối quan hệ mới vì cảm giác "bây giờ không nói, sau này có khi không còn cơ hội".
Tuy nhiên, hãy tỉnh táo vì những mối tình nảy sinh trong giai đoạn quá độ này thường xuất phát từ sự phấn khích hoặc tiếc nuối, chứ chưa chắc là sự phù hợp lâu dài. Đại học rồi mỗi người mỗi nơi, lịch học, môi trường sống khác nhau, chuyện "xa mặt cách lòng" là điều rất dễ xảy ra.
Hơn nữa, ở giảng đường đại học, bạn sẽ gặp nhiều người thú vị hơn, trưởng thành hơn, thậm chí là "đúng người" hơn. Đừng để một quyết định cảm tính trong mùa hè sau thi kéo bạn rời xa những thứ quan trọng hơn như định hướng, sức khỏe tinh thần và mục tiêu dài hạn.
Ảnh minh họa
3. Chọn ngành nghề theo phong trào, coi chừng "mắc kẹt" cả 4 năm học
Nhiều học sinh và phụ huynh có chung phản xạ vừa biết điểm là nghĩ ngay "với điểm này thì được trường nào?". Nhưng câu hỏi quan trọng hơn là: "Con muốn làm gì trong tương lai?".
Đúng là trường học quan trọng, nhưng ngành học mới là thứ bạn sẽ tiếp xúc mỗi ngày trong suốt 4 năm đại học. Một ngành hợp sẽ khiến bạn có động lực học, còn ngành sai thì dù trường có danh giá cũng chỉ khiến bạn hoang mang, mệt mỏi và muốn chuyển hướng.
Đừng chỉ nghe theo lời khuyên "ngành này hot", "ngành kia dễ xin việc". Hãy tự hỏi: Mình có hứng thú với lĩnh vực đó không? Mình có sẵn kỹ năng phù hợp không? Mình sẵn sàng học sâu trong 4 năm chứ?
Lý tưởng nhất là cả học sinh và phụ huynh cùng tìm hiểu kỹ từ tài liệu tuyển sinh, bài đánh giá ngành nghề, đến xin lời khuyên từ anh chị khóa trước để lựa chọn dựa trên hiểu biết thực tế, thay vì chạy theo trào lưu.
1. Đừng biến kỳ nghỉ thành khoảng "trắng", học thêm kỹ năng chính là bước chạy đà vững chắc
Sau những tháng ngày ôn thi căng thẳng, nghỉ ngơi là điều cần thiết. Nhưng nếu kỳ nghỉ chỉ toàn chơi game, xem phim, ngủ ngày cày đêm… thì bạn sẽ tự đánh mất một trong những giai đoạn "vàng" nhất để tự nâng cấp bản thân.
Đại học thời nay không còn là nơi để "vào là yên tâm" hay lên đại học là được chơi thoải mái, ngược lại, đây là môi trường cạnh tranh khốc liệt, ai cũng có kỹ năng ngoài lề như làm video, sử dụng phần mềm, viết CV, trình bày slide…
Hè này, bạn hoàn toàn có thể:
- Tập sử dụng thành thạo Word - Excel - PowerPoint;
- Học thử Photoshop, CapCut hoặc Premiere để chỉnh ảnh/video;
- Xem trước môn học đại cương của ngành mình định học;
- Tập thể dục, rèn thể lực để chuẩn bị cho quân sự, thể dục ở đại học;
- Tham gia khóa học kỹ năng mềm: giao tiếp, quản lý thời gian, thuyết trình…
Chỉ vài tuần trau dồi kỹ năng cũng giúp bạn "vượt lên" hàng trăm bạn đồng trang lứa khi nhập học. Đừng đánh rơi lợi thế ngay từ vạch xuất phát.
Ảnh minh họa
2. Nếu có thể, hãy đến tận nơi xem trường đại học tương lai
Hình ảnh trên mạng, video review hay lời kể từ người khác… đều không chân thật bằng một buổi đến tận trường để cảm nhận không khí, xem ký túc xá, nhà ăn, giảng đường, thư viện.
Nếu điều kiện tài chính và khoảng cách cho phép, bạn có thể cùng gia đình đến thăm trường mình định đăng ký. Cảm nhận môi trường sống và học tập trực tiếp có thể giúp bạn đưa ra quyết định chính xác hơn. Thậm chí, bạn sẽ thấy có những trường tuy nổi tiếng nhưng "không hợp vibe", trong khi có trường ít danh tiếng hơn lại đúng với điều bạn tìm kiếm.
Việc này không ảnh hưởng đến kết quả xét tuyển, nhưng ảnh hưởng không nhỏ đến 4 năm sống và học nên nếu có thể làm, đừng bỏ qua.
3. Ước lượng điểm + lên chiến lược chọn trường từ sớm, đừng để "nước đến chân mới nhảy"
Nhiều bạn nghĩ: "Chờ điểm thi xong hẵng tính", nhưng thực tế, khi điểm đã công bố, thời gian để chọn ngành chọn trường là rất ngắn. Nếu lúc đó mới bắt đầu tìm hiểu, bạn sẽ rơi vào cảnh hoang mang, áp lực, dễ sai sót.
Lời khuyên là hãy ước lượng điểm càng sớm càng tốt, sau đó tìm hiểu điểm chuẩn năm trước của các trường, sắp xếp theo kiểu "1 nguyện vọng cao - 2 nguyện vọng an toàn - 1 nguyện vọng chắc chắn". Lập bảng, ghi chú chi tiết để đến lúc đăng ký chỉ việc chỉnh sửa nhẹ.
Kỳ thi đã qua, bạn có thể tạm thời thở phào nhưng đừng quên đây mới chỉ là cánh cửa đầu tiên. Cách bạn dùng kỳ nghỉ hè này sẽ quyết định trạng thái bạn bước vào đại học: là người đã sẵn sàng, tự tin và hiểu rõ mục tiêu, hay là người loay hoay, hụt hơi ngay từ đầu.
Bạn có quyền nghỉ ngơi, nhưng cũng có trách nhiệm chuẩn bị cho hành trình tiếp theo.
Hãy nhớ rằng kỳ thi chỉ quyết định điểm số, còn cách bạn chuẩn bị cho những gì diễn ra sau kỳ thi mới quyết định bạn đi được bao xa. Giai đoạn này là "giai đoạn đệm" mà cuộc đời dành cho bạn để chuẩn bị lại, đừng lãng phí cơ hội quý giá này.