Sau đêm ngủ trong phòng điều hòa mát lạnh, người phụ nữ ở Phú Thọ bị méo miệng phải đi cấp cứu

Nam An, Theo Đời sống pháp luật 16:20 24/06/2024

Ngủ dậy sau một đêm nằm trong phòng điều hòa mát lạnh, người phụ nữ 47 tuổi phải nhập viện cấp cứu do bị liệt mặt vì nhiễm lạnh.

Thức dậy sau một đêm ngủ trong phòng điều hòa mát lạnh, bà H.T.T (47 tuổi, trú tại Cẩm Khê, Phú Thọ) phát hiện mắt phải nhắm không kín, miệng méo sang trái, ăn uống rơi vãi. Ngay sau đó, bà T được đưa đến Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê thăm khám được bác sĩ chẩn đoán liệt mặt phải do nhiễm lạnh.

Hiện bà T đang được điều trị phục hồi tại khoa Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng, Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê. Sau 4 ngày điều trị, tình trạng liệt mặt đã được cải thiện nhưng chưa phục hồi hoàn toàn.

Sau đêm ngủ trong phòng điều hòa mát lạnh, người phụ nữ ở Phú Thọ bị méo miệng phải đi cấp cứu - Ảnh 1.

Bà H.T.T (47 tuổi, trú tại Cẩm Khê, Phú Thọ) đang được điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê (Phú Thọ)

Chia sẻ thêm về hiện tượng này, Bác sĩ CKI Phạm Anh Hùng - Trưởng khoa YHCT&PHCN, Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê cho biết, nguyên nhân chủ yếu liệt mặt ngoại biên là do lạnh, bởi dây thần kinh số 7 ngoại biên nằm sát với bề mặt da nên rất nhạy cảm với nhiệt độ. Nếu gặp lạnh đột ngột, mạch máu nuôi sẽ co lại gây tổn thương thần kinh số 7 ngoại biên, chỉ mất vài giây khi tiếp xúc với nguồn lạnh đã có thể mắc bệnh. 

Do đó, bà con nhân dân cần lưu ý để tránh tổn thương dây thần kinh số 7 ngoại biên: Mùa hè không nên mở điều hòa quá lạnh, cần giữ ấm đầu, mặt, cổ, tránh gió lạnh hoặc thay đổi nhiệt độ cơ thể đột ngột. Không tắm quá khuya.

Khi cho Trẻ nhỏ ra ngoài trời vào lúc sáng sớm hoặc đêm muộn cần mặc ấm, quấn khăn, đội mũ, chơi trong thời gian ngắn.Tránh cho trẻ ngồi nơi gió lùa, đi đường xa phải che ấm hàm, đeo khẩu trang, không nên cho trẻ ngồi phía trước xe máy.

Mùa hè nên dùng điều hòa thế nào cho an toàn?

Theo các chuyên gia, tốt nhất khi ở bên ngoài trời nắng bước vào phòng, mọi người nên ngồi nghỉ trước quạt. Sau đó mới bật điều hòa ở nhiệt độ cao rồi hạ thấp dần.

Để tránh gây sốc nhiệt, bạn không nên bật điều hòa thấp hơn 5 độ C so với bên ngoài. Ngoại trừ những ngày nhiệt độ nóng trên 35 độ C, bạn có thể để điều hòa ở mức 28 độ C.

Nếu như đang ngồi trong phòng điều hòa thì trước khi ra khỏi phòng 30 phút, nên tắt điều hòa, mở cửa phòng cho không khí được lưu thông, đồng thời giúp cơ thể thích nghi dần với nhiệt độ bên ngoài.

Việc lạm dụng điều hòa cả ngày cũng không tốt, bởi nghiên cứu cho thấy không khí trong phòng bị đóng kín có thể trở nên độc hại gấp 2-5 lần không khí ngoài trời. Do đó, bạn nên sử dụng quạt điện lẫn điều hòa đan xen, để đảm bảo phòng được thoáng giá, có nguồn không khí sạch vào nhà.

Không nên để điều hòa chiếu thẳng vào mặt vì như vậy đồng nghĩa với việc thổi hơi lạnh trực tiếp lên người, khiến trẻ em, người già dễ nhiễm lạnh, mắc bệnh tật.

https://kenh14.vn/sau-dem-ngu-trong-phong-dieu-hoa-mat-lanh-nguoi-phu-nu-o-phu-tho-bi-meo-mieng-phai-di-cap-cuu-20240624155917832.chn
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày