Theo AFP ngày 10/8, Bộ Giáo dục và đào tạo Nhật Bản vừa yêu cầu tất cả 81 trường Y tư nhân và công lập trên toàn quốc kiểm tra quy trình tuyển sinh đầu vào, thủ tục nhập học để xem có sự phân biệt đối xử đối với các sinh viên nữ hay không.
Kết quả của cuộc điều tra dự kiến được công bố vào đầu tháng 9/2018. Nếu các trường Đại học đưa ra câu trả lời không hợp lý, Bộ sẽ tiếp tục điều tra, đặt ra những câu hỏi về quy trình xét tuyển của những trường này.
Đây là một cuộc điều tra lớn chưa từng có trong nền giáo dục Nhật Bản.
Sinh viên nữ tại các trường Y đang bị phân biệt đối xử do quan niệm rằng phụ nữ không bám trụ lâu dài với nghề, họ sẽ có thời gian nghỉ do sinh con hoặc chăm sóc gia đình. Phụ nữ cũng không chịu được áp lực công việc cao như các bác sĩ nam.
Lãnh đạo Đại học Y Tokyo cúi gập người xin lỗi và hứa sẽ bồi thường cho các ứng viên nữ bị trường đánh trượt
Trước đó, ngày 7/8, Ủy ban điều tra nội bộ của Đại học Y Tokyo thông báo kết quả điều tra về vụ bê bối sửa điểm thi của trường đại học này.
Từ năm 2006, Đại học Y Tokyo đã bắt đầu điều chỉnh điểm thi đầu vào nhằm giữ tỷ lệ nữ sinh viên tại trường không vượt quá 30%.
Không những thế, trường còn nâng điểm cho các thí sinh nam và hạ điểm của các thí sinh nữ.
Trường Đại học Y Tokyo
Trong tháng 2/2018, đại học này đã nâng từ 10 đến 49 điểm cho 6 thí sinh, trong đó có con trai cựu Vụ trưởng trong vòng 1 của kỳ thi tuyển sinh đại học.
Trong vòng thi thứ hai, các thí sinh là học sinh THPT, các thí sinh đã thi trượt trong vòng 2 năm trước đó được cộng 20 điểm. Những thí sinh trượt 3 năm liên tiếp chỉ được cộng 10 điểm. Các thí sinh nam trượt từ 4 lần trở lên và toàn bộ thí sinh nữ không được cộng điểm.
Rất đông phóng viên và người dân đến theo dõi vụ việc
Bộ trưởng Giáo dục - Yoshimasa Hayashi: "Vụ bê bối tại trường Đại học Y Tokyo là một trường hợp cực kỳ đáng tiếc. Tôi kêu gọi các trường đại học hợp tác trong cuộc điều tra lần này vì một nền giáo dục trong sạch của Nhật Bản."