Ngày 7/8, Ủy ban điều tra nội bộ của Đại học Y Tokyo thông báo kết quả điều tra về vụ bê bối sửa điểm thi của trường đại học này.
Từ năm 2006, Đại học Y Tokyo đã bắt đầu điều chỉnh điểm thi đầu vào nhằm giữ tỷ lệ nữ sinh viên tại trường không vượt quá 30%.
Không những thế, trường còn nâng điểm cho các thí sinh nam và hạ điểm của các thí sinh nữ.
Trong tháng 2/2018, đại học này đã nâng từ 10 đến 49 điểm cho 6 thí sinh, trong đó có con trai cựu Vụ trưởng trong vòng 1 của kỳ thi tuyển sinh đại học.
Trong vòng thi thứ hai, các thí sinh là học sinh THPT, các thí sinh đã thi trượt trong vòng 2 năm trước đó được cộng 20 điểm. Những thí sinh trượt 3 năm liên tiếp chỉ được cộng 10 điểm. Các thí sinh nam trượt từ 4 lần trở lên và toàn bộ thí sinh nữ không được cộng điểm.
Lãnh đạo Đại học Y Tokyo cúi gập người xin lỗi
Tại buổi họp báo chiều nay, ông Tetsuo Yukioka, giám đốc điều hành Đại học Y Tokyo, cúi gập người nhận lỗi: "Chúng tôi đã phản bội niềm tin của tất cả mọi người, của xã hội. Chúng tôi xin gửi lời xin lỗi chân thành nhất về vụ việc đáng tiếc này".
Phó chủ tịch Đại học Y Tokyo - Keisuke Miyazawa đã cam kết rằng, kỳ thi tuyển sinh vào trường năm kế tiếp sẽ được tổ chức một cách công bằng.
Hiện tại, Đại học Y Tokyo chưa thống kê được tất cả số lượng thí sinh nữ bị ảnh hưởng vì vụ bê bối này, nhưng nhà trường hứa sẽ có biện pháp bồi thường thỏa đáng.
Tỷ lệ phụ nữ Nhật Bản tốt nghiệp đại học là 50%, đây là mức cao nhất trên thế giới
Lý do Đại học Y Tokyo xảy ra vụ bê bối này là do tư tưởng: phụ nữ có khuynh hướng bỏ việc sau khi trở thành bác sĩ, khi lập gia đình và có con cái, họ sẽ không dành thời gian cho công việc. Trong khi bác sĩ nam được cho là bám nghề, chịu đựng được áp lực thời gian cũng như áp lực công việc.
(Theo: AFP)