Sau 2 năm hoạt động, tuyến buýt đường sông đầu tiên ở Sài Gòn giờ ra sao?

Tứ Quý, Theo Trí Thức Trẻ 07:00 24/11/2019

Tròn 2 năm đưa vào hoạt động nhưng theo nhiều người dân, buýt đường sông ở Sài Gòn vẫn chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng giảm tải cho đường bộ. Khách chủ yếu là đi du lịch, trải nghiệm ngắm nhìn thành phố, trong khi đó người chọn buýt đường sông để đi làm hàng ngày chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Bến tàu đìu hiu, người đi làm bằng buýt sông chỉ đếm trên đầu ngón tay

Khoảng 15h30 một ngày trong tuần, chúng tôi có mặt tại bến cuối Linh Đông (quận Thủ Đức) để di chuyển lên quận 1 bằng tàu buýt đường sông nhưng rất bất ngờ khi tại đây không một bóng khách. Trong khi đó nhân viên bảo vệ và điều hành thì ngồi ngáp ngắn ngáp dài giữa khung cảnh vắng tanh, đìu hiu.

Thấy chúng tôi đến, một cô nhân viên bán vé mặt rạng rỡ hơn trước đó vài phút, có lẽ vì đợi khá lâu mới thấy khách đến bến này mua vé đi tàu. Nữ nhân viên này cho biết, ngày thường cũng có khách nhưng chỉ "lai rai" chừng hơn chục người, còn cuối tuần thì gấp đôi nhưng cũng không kín ghế. 

Clip: Sau 2 năm hoạt động, buýt đường sông với tàu 5 sao ở Sài Gòn hiện giờ ra sao? - TH: Tứ Quý. 

Sau 2 năm hoạt động, tuyến buýt đường sông đầu tiên ở Sài Gòn giờ ra sao? - Ảnh 2.

Bến tàu Linh Đông không một hành khách.

Sau 2 năm hoạt động, tuyến buýt đường sông đầu tiên ở Sài Gòn giờ ra sao? - Ảnh 3.

Khi tàu cập bến Linh Đông cũng chỉ vài khách ngồi chờ lên tàu.

Sau 2 năm hoạt động, tuyến buýt đường sông đầu tiên ở Sài Gòn giờ ra sao? - Ảnh 4.

Chỉ có lịch trình tàu chạy và giá vé được đặt tại bến, ngoài ra chưa có dịch vụ nào để phục vụ hành khách.

Theo nhân viên này, chủ yếu khách xuất phát từ bến Bạch Đằng (quận 1) đến đây xem thử cho biết bến tàu như thế nào rồi quay về lại chứ không biết đi đâu. Còn những người dân chọn buýt đường sông là phương tiện đi làm hàng ngày chỉ đếm trên đầu ngón tay. 

Sau hơn nửa tiếng chờ đợi, chiếc tàu buýt được tôn vinh chất lượng 5 sao cũng đến nhưng lúc này chỉ 5 hành hành khách ở bến này lên tàu. Nhiều hành khách lần đầu đến đây cũng sợ nhầm bến vì sự vắng vẻ tại đây.

Trên tàu chừng hơn chục hành khách xuất phát từ bến Bạch Đằng đến bến này rồi quay về . 

Chiếc tàu khởi hành vượt qua 3 bến và cập bến Bạch Đằng lúc 17h10, tại đây nhiều khách du lịch xếp hàng chờ lên tàu để di chuyển hướng ngược lại. Mặc dù thời gian này là thời điểm tan sở nhưng chẳng có người đi làm chọn buýt đường sông để đi lại, chỉ có khách du lịch.

Anh Trần Anh Tú (27 tuổi, quận Thủ Đức) là một trong những người dân hiếm hoi trên chiếc tàu màu cam từ bến Bạch Đằng về Linh Đông chọn buýt đường sông là phương tiện đi làm mỗi ngày.

Sau 2 năm hoạt động, tuyến buýt đường sông đầu tiên ở Sài Gòn giờ ra sao? - Ảnh 6.

Khi tàu đi qua bến Hiệp Bình Chánh đón khách nhưng chỉ có 2 người đi buýt đường sông với hình thức trải nghiệm.

Anh Tú chia sẻ: "Tôi vừa tan giờ làm lúc 17h thì vội chạy ra bến tàu Bạch Đằng đi buýt đường sông về nhà vì chỗ làm của tôi cũng gần bến này, còn nhà ở Thủ Đức thì hơi xa bến Linh Đông nên tôi phải đi xe máy tới gửi tại đó. Do tàu chạy khá đúng giờ nên mình cũng chủ động được thời gian và lộ trình. Tôi nghĩ ít ai chọn tàu buýt đi làm như mình vì lộ trình, thời gian chờ và đến nơi thì hơi lâu, với lại ít chuyến nên kén khách hơn. Khách chủ yếu là người đi du lịch, tham quan cho biết hoặc lâu lâu người dân đi buýt ngắm thành phố từ sông cho thư giãn".

Do anh Tú làm giờ hành chính và cũng tiện đường nên chủ động được việc di chuyển bằng buýt đường sông. Mặc dù vậy anh cho rằng đi buýt đường sông rất mất thời gian vì từ nhà anh đến cơ quan mất hơn 1 tiếng với tổng phí đi về là 36.000 đồng (30.000 đồng tiền vé, 6.000 tiền gửi xe máy). 

Sau 2 năm hoạt động, tuyến buýt đường sông đầu tiên ở Sài Gòn giờ ra sao? - Ảnh 7.

Trên tàu buýt 5 sao có 75 ghế nhưng chỉ có vài người ngồi, chủ yếu là người già, bạn trẻ đi du lịch.

Theo anh, những ngày trong tuần tại bến Linh Đông cũng chỉ vài người mua vé tàu buýt đi làm, đến bến Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức) tàu đón thêm vài người nữa, rồi tiếp hành trình có ghé bến Thanh Đa (quận Bình Thạnh), Bình An (quận 2) cũng chỉ hơn chục người, cuối cùng cập bến Bạch Đằng chỉ chừng 15 người trên tàu. Ở chiều ngược lại xuất phát từ bến Bạch Đằng thì đông khách nhưng cũng chỉ chừng 40 người/75 ghế, chủ yếu là khách du lịch.

Còn chị Diễm Trang (30 tuổi, quận 2) dẫn mẹ già và con nhỏ đi tàu buýt để tham quan cảnh thành phố từ sông cho biết thêm, điểm làm cho buýt đường sông kén khách là khi đến bến Linh Đông, Bình An, Hiệp Bình Chánh, Thanh Đa thì không có thêm dịch vụ gì như đồ ăn, nước uống nhẹ cho khách chờ tàu dù thời gian đợi mất khoảng 2-3 tiếng. 

Sau 2 năm hoạt động, tuyến buýt đường sông đầu tiên ở Sài Gòn giờ ra sao? - Ảnh 8.

Cảnh đìu hiu trên tàu.

"Với thời gian chờ tàu lâu như vậy và không có dịch vụ gì nữa thì khó để thu hút người dân chọn là phương tiện đi làm, sinh viên đi học. Từ bến Bình An, 3 mẹ con tôi chờ hơn 2 tiếng sau mới được lên tàu và di chuyển cũng mất nhiều thời gian nữa mới tới nơi, đôi lúc mình có việc gấp thì không xuống liền được. Nói chung, buýt đường sông kiểu này chỉ dành cho những người không áp lực về thời gian", chị Trang chia sẻ. 

Chưa thể giảm tải cho giao thông đường bộ 

Sở dĩ chúng tôi chọn khung giờ cao điểm buổi chiều di chuyển bằng buýt đường sông vì muốn ghi nhận sự hiệu quả của buýt đường sông trong việc hỗ trợ người dân đi làm bằng phương tiện công cộng này, góp phần giảm tải cho giao thông đường bộ. 

Tuy nhiên, thực tế đáng buồn rằng sau 2 năm chính thức hoạt động thì buýt đường sông Sài Gòn không mang lại hiệu quả như kỳ vọng. 

Sau 2 năm hoạt động, tuyến buýt đường sông đầu tiên ở Sài Gòn giờ ra sao? - Ảnh 9.

Bến Bạch Đằng luôn đông khách du lịch tham quan trải nghiệm, hiếm thấy người đi làm bằng tàu buýt.

Sau 2 năm hoạt động, tuyến buýt đường sông đầu tiên ở Sài Gòn giờ ra sao? - Ảnh 10.

Khách đi du lịch ngắm thành phố từ sông Sài Gòn trên tàu buýt.

Từ bến Linh Đông đến bến Bạch Đằng mất tổng cộng 30.000 đồng tiền vé (khứ hồi) nhưng phải mất 1 tiếng cho 10km di chuyển đường sông mới đến nơi, khi về lại mất thêm 1 tiếng nữa thành 2 tiếng. Trong khi đó cùng quãng đường 10km, thì khách chỉ mất khoảng 25 phút đi xe buýt, dù phương tiện công cộng bằng đường bộ này đã chờ đèn đỏ và qua khoảng 10 trạm đón khách. 

Hơn nữa, khi khách chọn buýt đường sông để đi làm hàng ngày thì mất 900.000/tháng, trong khi xe buýt chỉ mất từ 113.000 - 135.000 đồng/một tập 30 vé. 

Sau 2 năm hoạt động, tuyến buýt đường sông đầu tiên ở Sài Gòn giờ ra sao? - Ảnh 11.

Khách cho biết thời gian đợi tàu buýt tại các trạm và di chuyển đến bến khác khá lâu nên khó có thể chọn buýt đường sông để đi làm.

Mặc dù so sánh buýt đường sông với buýt đường bộ hơi khập khiễng vì vận tải hành khách công cộng đường thuỷ chỉ mới sơ khai, nhưng nhìn chung đến nay vẫn chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa 2 loại hình giao thông trên. Nhiều người phàn nàn vì chỗ để xe máy để đi buýt đường sông tại các bến còn hạn chế và giá cao nên cũng không thiết tha chọn giao thông công cộng bằng đường thuỷ. 

Theo báo cáo của Sở GTVT TP. HCM về tình hình vận tải hành khách đường thuỷ nội địa trong 9 tháng đầu năm 2019 đạt hơn 26 triệu lượt hành khách, tăng 0.9% so với cùng kỳ năm ngoái, riêng buýt đường sông vận chuyển 245.000 lượt khách, trung bình 907 khách/ngày. So với cùng kỳ năm 2018 thì lượng khách đi buýt đường sông vẫn tăng hơn 15%. 

Sau 2 năm hoạt động, tuyến buýt đường sông đầu tiên ở Sài Gòn giờ ra sao? - Ảnh 12.

Mặc dù xuất phát đúng giờ nhưng thời gian tàu di chuyển quá lâu.

Sau 2 năm hoạt động, tuyến buýt đường sông đầu tiên ở Sài Gòn giờ ra sao? - Ảnh 13.

Khách du lịch chia sẻ cần có thêm dịch vụ tại các bến tàu khác.

Sau 2 năm hoạt động, tuyến buýt đường sông đầu tiên ở Sài Gòn giờ ra sao? - Ảnh 14.

Về hiệu quả du lịch thì buýt đường sông đáp ứng được, nhưng về giảm tải giao thông đường bộ thì không như kỳ vọng ban đầu.

Sở GTVT cho biết hiện tại tuyến buýt sông số 1, nhà đầu tư đã hoàn thiện 5/9 bến sau 2 năm hoạt động, gồm: Bạch Đằng, bến Bình An, bến Thanh Đa, bến Hiệp Bình Chánh, bến Linh Đông.

Trong khi đó, đánh giá chung về tình buýt đường sông, ông Nguyễn Kim Toản - Giám đốc Công ty Thường Nhật (chủ đầu tư buýt sông) cho biết, nếu so sánh với các nước khác trên thế giới thì buýt sông cũng chỉ có 30% là đi lại bằng đường thủy. 

Theo ông Toản, ngày thường buýt đường sông đón khoảng 500 lượt khách/ngày, riêng hai ngày cuối tuần khoảng 2.000 người chủ yếu là người dân và du khách trải nghiệm tham quan du lịch. Cụ thể, khách là người đi làm chỉ chiếm khoảng 20%, du lịch 70%, còn lại là khách vãng lai. Thống kê bình quân mỗi tháng buýt đường sông có trên 20.000 khách đi lại. 

"Nhìn chung buýt đường sông có hiệu quả bước đầu về phát triển du lịch, còn giảm tải cho đường bộ thì rất khó vì chỉ có một dòng sông, một lộ trình thì không thể. Buýt sông là phương tiện vận chuyển hành khách phục vụ mục đích gì là do người sử dụng", ông Toản chia sẻ. 

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày