Sắp thí điểm dùng tài khoản điện thoại để thanh toán, hạn chế giao dịch tiền mặt để phòng chống dịch Covid-19

Luật sư Phạm Thanh Hữu, Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh, Theo Nhịp Sống Việt 12:51 03/04/2020
Chia sẻ

Theo Luật sư Phạm Thanh Hữu, Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh, nếu sớm triển khai Mobile Money không chỉ giúp công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 được diễn ra thuận lợi bằng việc hạn chế giao dịch tiền mặt mà còn đảm bảo thuận tiện cho người dân, an toàn trong việc thanh toán.

Ngày 31/3/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNH về các giải pháp cấp bách của ngành ngân hàng nhằm tăng cường phòng, chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19.

Theo đó, đặt ra nhiều yêu cầu đối với các đơn vị tại Ngân hàng Nhà nước Trung ương. Nổi bật là rà soát, xây dựng các quy định áp dụng công nghệ nhằm giảm thiểu giao dịch trực tiếp trong cung ứng, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng. Khẩn trương phối hợp các Bộ, ngành hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về việc triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các dịch vụ khác có giá trị nhỏ (Mobile Money), chỉ thị về việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.

Theo Luật sư Phạm Thanh Hữu, Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh, nếu sớm triển khai Mobile Money không chỉ giúp công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 được diễn ra thuận lợi bằng việc hạn chế giao dịch tiền mặt mà còn đảm bảo thuận tiện cho người dân, an toàn trong việc thanh toán.

Chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh; thường xuyên theo dõi, đánh giá diễn biến và tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với khả năng tăng trưởng tín dụng toàn ngành để xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng đối với các tổ chức tín dụng nhằm đáp ứng đầy đủ kịp thời vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, nhất là các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, tạo điều kiện cho khách hàng vay vốn tiếp tục vay mới khôi phục sản xuất; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Đặc biệt, đặt ra 10 nhiệm vụ quan trọng đối với các tổ chức tín dụng, cụ thể như sau:

1. Triển khai nghiêm túc, quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19, hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Theo dõi sát các chỉ đạo tiếp theo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các cấp, các ngành có liên quan để cập nhật, bổ sung và tổ chức triển khai thực hiện kịp thời.

2. Chủ động xây dựng các kịch bản kinh doanh chi tiết (bao gồm các kế hoạch kinh doanh dự phòng theo diễn biến của dịch bệnh Covid-19) nhằm mục tiêu đảm bảo hoạt động kinh doanh liên tục, không để gián đoạn trong mọi tình huống. Xây dựng giải pháp cung cấp các dịch vụ ngân hàng theo từng kịch bản diễn biến dịch bệnh Covid-19, phù hợp với các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chính quyền địa phương; đồng thời, tăng cường cung cấp dịch vụ ngân hàng điện tử.

3. Khẩn trương ban hành và triển khai quy định nội bộ hướng dẫn Thông tư số 01/2020 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Chủ tịch Hội đồng thành viên/Hội đồng quản trị/Tổng giám đốc các tổ chức tín dụng trực tiếp chỉ đạo việc triển khai công tác cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và chịu trách nhiệm trước Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về kết quả thực hiện. Xử lý nghiêm những đơn vị, cán bộ lãnh đạo và cán bộ nghiệp vụ triển khai chậm, cố tình gây khó khăn, phiền hà, thiếu trách nhiệm, thực hiện không đúng quy định trong quá trình thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng.

4. Tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp mở rộng tín dụng đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là cho vay để duy trì và khôi phục các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

5. Chủ động rà soát, cắt giảm các chi phí hoạt động, đặc biệt là chi lương, thưởng, kịp thời điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính phù hợp với thực tế trước khi tổ chức đại hội cổ đông, trước mắt không chia cổ tức bằng tiền mặt để tập trung nguồn lực giảm mạnh lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện nay và các khoản cho vay mới.

Theo Luật sư Phạm Thanh Hữu, Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh, với yêu cầu trước mắt không chia cổ tức bằng tiền mặt để tập trung nguồn lực giảm mạnh lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện nay và các khoản cho vay mới thể hiện sự quyết tâm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc hỗ trợ doanh nghiệp nói riêng và Nhân dân nói chung sớm vượt qua khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra.

6. Nâng cao năng lực quản trị, điều hành, giám sát của Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên, Ban điều hành và Ban kiểm soát đối với các hoạt động của tổ chức tín dụng. Tăng cường hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ, trong đó có tập trung kiểm tra, giám sát việc thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư số 01/2020 nhằm đảm bảo thực hiện đúng chính sách; phát hiện và kiên quyết xử lý kịp thời việc lợi dụng chính sách để trục lợi, phản ánh sai lệch chất lượng tín dụng. Định kỳ hằng tuần báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt nam kết quả triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ theo quy định tại Thông tư số 01/2020.

7. Tăng cường sự phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các tổ chức tín dụng để đảm bảo có sự đồng thuận cao trong triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, đặc biệt là giải pháp giữ nguyên nhóm nợ khi thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi... Chủ động thông tin đầy đủ, kịp thời về các giải pháp, chính sách, chương trình, gói sản phẩm hỗ trợ để khách hàng vay vốn biết và phối hợp thực hiện.

8. Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; đa dạng các chương trình, sản phẩm tín dụng phù hợp để hỗ trợ tích cực hơn với các đối tượng, ngành kinh tế; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, áp dụng công nghệ để hạn chế giao dịch trực tiếp, tạo điều kiện tăng cường tiếp cận tín dụng cho khách hàng; tiếp tục triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, biện pháp khắc phục khi cán bộ bị lây nhiễm dịch bệnh Covid-19, đảm bảo hoạt động của hệ thống ngân hàng an toàn, thông suốt, không bị gián đoạn.

9. Tiếp tục tham gia và vận động cán bộ, nhân viên, người lao động trong toàn hệ thống tổ chức tín dụng có các hình thức an sinh xã hội kịp thời để đóng góp ủng hộ cho những ngành, lĩnh vực, người dân khắc phục hậu quả do dịch bệnh Covid-19 gây ra.

10. Chủ tịch Hội đồng thành viên/Hội đồng quản trị/Tổng giám đốc chịu trách nhiệm toàn diện trước Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc thực hiện có hiệu quả, kịp thời các chủ trương, chính sách và các giải pháp cấp bách của ngành ngân hàng nhằm phòng, chống, khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ kiên quyết xử lý nghiêm tập thể, cá nhân thiếu trách nhiệm, gây khó khăn hoặc chậm trễ trong triển khai hoặc vi phạm các quy định hiện hành. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ có cơ chế khuyến khích, khen thưởng, tạo điều kiện đối với các tổ chức tín dụng chấp hành tốt chủ trương này.

Sắp thí điểm dùng tài khoản điện thoại để thanh toán, hạn chế giao dịch tiền mặt để phòng chống dịch Covid-19 - Ảnh 3.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày