Mong không phải thi lần 4
Đây là năm thứ 3 bà Biu Y (41 tuổi, công chức Văn phòng - Thống kê tại UBND xã Trà Đa, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai) thi tốt nghiệp THPT. Bà Y lo lắng vì làm bài chưa được tốt. “Thời điểm tôi ôn thi liên tục bị gián đoạn do dịch COVID-19, công việc cơ quan rất nhiều. Các thầy cô giáo ôn thi cũng dạy khá nhanh nên tôi không bắt kịp được. Trước khi thi, tôi cũng đã ôn cả ngày lẫn đêm, mong không phải thi lần 4”, bà Y nói.
Bà Biu Y
Cách điểm thi gần 40 cây số, bà Rơ Lan H’Drjă (41 tuổi, giáo viên mầm non tại xã Ia Pếch, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) phải đi từ sáng sớm. Bà kể, trước học sư phạm hệ 9+3, nay học bổ túc hệ THPT. “Tôi đi thi để bổ sung bằng theo quy định. Đây là năm đầu tiên tôi thi nên khá run. Mong sẽ đạt kết quả tốt vì người nhà tôi ai cũng lo, động viên”, bà H’Drjă chia sẻ.
Thi xong môn Toán, ông Ksor Thuik (trú thôn Brenc 2, xã Ia Der, huyện Ia Grai) khá thoải mái bước ra phòng thi. Ông kể, xưa rất ham học nhưng gia đình nghèo, học đến lớp 11 rồi nghỉ. Gần đây, khi các con đã lập gia đình, kinh tế ổn định, ông Thuik đăng ký học tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Ia Grai. Ông nói sẽ quyết tâm thi đỗ để làm gương cho 2 con và muốn bổ sung hồ sơ để được bầu làm trưởng thôn hoặc bí thư chi bộ thôn. “Mình cũng bận đi làm rẫy nên chỉ tranh thủ vào hai ngày cuối tuần mang sách vở đến trường. Mình chuẩn bị lên chức ông ngoại rồi nên nghĩ tới lúc các cháu hỏi bài tập mà không biết gì thì xấu hổ lắm, có bằng THPT còn có cái lấy ra khoe chứ”, ông Thuik cười nói.
Ông Ksor Thuik
Tại điểm thi Trường THPT Duy Tân (thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum) có một thí sinh đặc biệt là anh A Núp (39 tuổi, cán bộ xã Đắk Nên, huyện Kon Plông). Trước đây, do hoàn cảnh khó khăn nên anh Núp phải nghỉ học sớm rồi đi nghĩa vụ quân sự. Sau khi ra quân, anh về xã Đắk Nên công tác và được tạo điều kiện đi học lớp bổ túc. Mấy năm trước anh không đi thi được do bị bệnh.
Thí sinh 53 tuổi nhờ con ôn luyện
Tại Đắk Nông, ông Nguyễn Quang Giáp (53 tuổi, trú thị trấn Kiến Đức, huyện Đắk R’lấp) là một trong những thí sinh lớn tuổi nhất tỉnh này. Chiều 7/7, trao đổi với phóng viên Tiền Phong sau khi thi xong môn Toán, ông Giáp chia sẻ: “Đề thi toàn trắc nghiệm nên tôi làm hết, hy vọng kết quả khả quan hơn môn thi Ngữ văn hồi sáng. Do tay tôi bị cong, nên viết bài thi môn Ngữ văn rất chậm”. Năm ngoái, ông Giáp cũng dự thi tốt nghiệp nhưng trượt vì bị điểm liệt môn Ngữ văn.
Ông Nguyễn Quang Giáp ôn bài cho buổi thi ngày 8/7
Quê ở Hà Tĩnh, ông Giáp theo gia đình vào Đắk Nông lập nghiệp những năm 80. Do hoàn cảnh khó khăn, học hết lớp 9, Giáp đi làm bảo vệ cho Cơ sở cai ma túy số 1 (trực thuộc lực lượng thanh niên TPHCM) ở xã Đắk R’tih, huyện Tuy Đức cho đến nay. Cách đây 3 năm, ông đăng ký học chương trình 2 năm 3 lớp tại một trung tâm giáo dục thường xuyên của tỉnh Bình Phước (cách nơi làm việc hơn 80km). Cứ cuối tuần, ông lại đón xe khách xuống nhà người quen ở Bình Phước để đi học.
“Tiền lương của tôi không đủ trang trải chi phí đi học, may được vợ con, lãnh đạo cơ quan đơn vị động viên, tạo điều kiện”, ông Giáp nói. Năm 2021, ông dự thi tốt nghiệp ở tỉnh Bình Phước nhưng không đỗ. Năm nay, ông tiếp tục ôn luyện, cố gắng lấy bằng THPT để phục vụ công việc và làm gương cho con cháu. Năm nay, ông được người con thứ 2 là sinh viên Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM (ngành Công nghệ thông tin) hướng dẫn ôn tập. Kết thúc ngày thi đầu tiên, ông Giáp chạy xe về nhà lấy sách vở ôn bài, chuẩn bị cho môn thi ngày 8/7.