Sáng nhịn cơm và trà sữa để tiết kiệm, tối chi 10 triệu đồng mua sắm đủ thứ linh tinh

Vân Anh, Theo Phụ nữ Việt Nam 00:01 03/12/2023
Chia sẻ

Với kinh nghiệm phong phú mua sắm đồ đạc hàng tháng, cô gái này đã rút ra được nhiều bài học cho cá nhân.

“Mỗi lần nhìn vào lịch sử giao dịch trên tài khoản ngân hàng của tháng 11 mình lại hối hận. Không hiểu vì sao bình thường sống rất tiết kiệm nhưng cứ đến dịp sale là mình vung tiền cứ như bản thân đang có mức lương 30 - 40 triệu đồng”, Ánh Ngọc (25 tuổi, nhân viên văn phòng) vẫn còn hối hận khi nói về số tiền cô chi cho các dịp giảm giá mua sắm của tháng trước.

Sáng nhịn cơm, tối chi nửa tháng lương để mua sắm đủ thứ linh tinh

Với nguồn thu duy nhất từ việc làm nhân viên văn phòng, Ánh Ngọc nhận lương 20 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, chỉ riêng trong tháng 11, cô nàng chi đến nửa tháng lương, tức 10 triệu đồng cho tiền mua sắm vào các đợt sale lớn là 11/11 và Black Friday.

Ánh Ngọc kể lại: “Mình dành 4 triệu đồng mua quần áo. Trong đó, món đắt nhất là áo dài giá 1,5 triệu đồng, còn lại là mua ở các cửa hàng trực tiếp, giá thành dao động 200 - 800 ngàn đồng/món. Tiền phụ kiện như mũ, nơ, thắt lưng, bàn trang điểm… là 1,5 triệu đồng.

Tiền mỹ phẩm là 4 triệu đồng - khoản này mình không chỉ săn sale trên các sàn thương mại điện tử trong nước mà còn cùng bạn mua trên Taobao đợt Black Friday để có mức giá rẻ và nhiều ưu đãi. Mua xong mỹ phẩm thì mình phải tự nhủ bản thân mua đủ cho 2 tháng sử dụng nếu không sẽ cực kỳ xót tiền luôn. Số tiền còn lại mình mua ít đồ nấu nướng tặng mẹ, dụng cụ học tập cho em gái”.

Ánh Ngọc cho hay cô nàng không chỉ săn hàng giảm giá vào những ngày chính diễn ra sự kiện sale. Việc Black Friday kéo dài cả tuần liền càng khiến cô nàng bỏ nhiều tiền mua sắm hơn.

“Mình không chỉ mua đồ vào ngày Black Friday mà đã đi mua sắm trước đó cả mấy ngày. Nhìn thấy mức giá hời và món đồ yêu thích thì cứ tự động cho vào giỏ hàng rồi số tiền phải thanh toán lên hàng chục triệu đồng lúc nào không biết.

Có những món đồ bản thân mình cho rằng rất đáng tiền vì mua được mức giá rẻ. Còn có những món mình thấy tiếc cực kỳ vì chỉ sau vài ngày mình lên lại trang thương mại điện tử của hãng thì phát hiện giá sale cũng chỉ cách giá bán vài chục ngàn. Nói cách khác, mình hoàn toàn có thể đợi vào các đợt giảm giá khác để mua đồ, như vậy chi phí sinh hoạt của tháng trước đã không bị ảnh hưởng quá nhiều”.

Sáng nhịn cơm và trà sữa để tiết kiệm, tối chi 10 triệu đồng mua sắm đủ thứ linh tinh - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Không chỉ đợt mua sắm của tháng 11 này, Ánh Ngọc từng nhiều lần chi mạnh tay cho các đợt giảm giá, tuy nhiên số tiền chỉ dừng ở khoảng 3-5 triệu đồng. Khi nhìn thấy hoá đơn cần thanh toán lên tới hàng chục triệu đồng, cô nàng mới thấy trong đợt mua sắm tháng trước bản thân đã lỡ "vung tay quá trán".

Ánh Ngọc tâm sự: "Ngày thường mình là một người sống cũng tiết kiệm lắm. Nhưng thỉnh thoảng đến đợt sale, mình thường chi tiêu hơi ‘độc hại', làm cán cân của túi tiền dao động mạnh.

Ngẫm lại trong tháng trước có những ngày, sáng mình nhịn ăn để không tốn đồng nào. Trưa gọi cơm bình dân để tiết kiệm. Tối về ăn cơm mẹ nấu, nói không với trà sữa và đi ăn uống linh tinh cùng bạn bè. Nhưng đến buổi tối, ở nhà mở máy săn sale thì chốt liền cả nửa tháng lương để mua đủ thứ linh tinh".

Bài học quản lý tài chính

“Chắc chắn mình sẽ học cách tiết kiệm hơn. Mình muốn để dành tiền cho các mục tiêu tài chính thay vì mua món đồ bản thân nghĩ là cần thiết, nhưng thật ra có thể cắt giảm được. Hơn nữa mua nhiều đồ nhưng không tận dụng hiệu quả chúng còn gây hại đến môi trường rất nhiều", Ánh Ngọc nhấn mạnh.

Trải qua lần mua sắm này, cô nàng cũng rút ra các nguyên tắc bản thân sẽ tuân theo trong những lần săn sale để tránh sót ví tiền.

- Tỉnh táo với các chiêu giảm giá của nhãn hàng

Đây là bài học đầu tiên mà Ánh Ngọc rút ra được. Cô nàng cho rằng đừng vì nhìn thấy các lời mời "giảm 30% giá thành", "chỉ có bán rất ít sản phẩm" mà nảy sinh ý định chốt đơn nhanh chóng.

"Thật ra nhiều khi giá mình mua trong đợt sale tháng này sẽ không khác biệt quá nhiều so với đợt sale của các tháng tiếp sau. Nếu bạn thấy đã chi tiêu vượt quá ngân sách thì có thể đợi đến tháng sau mới mua, kinh nghiệm của mình là chỉ đắt hơn khoảng 100 ngàn đồng là cùng".

Sáng nhịn cơm và trà sữa để tiết kiệm, tối chi 10 triệu đồng mua sắm đủ thứ linh tinh - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

- Ghi trước danh sách món đồ cần mua

Ánh Ngọc nhấn mạnh nguyên tắc này rất quan trọng với những người nghiện mua sắm hàng tháng như cô. Bên cạnh đó, cô nàng gợi ý có thể mở một tài khoản chỉ dùng để tiêu dùng hàng tháng, như vậy bạn có thể dễ dàng quản lý ngân sách cho chi tiêu cá nhân.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày