Để nuôi hy vọng kéo dài cuộc phiêu lưu ở Asian Cup 2019, Việt Nam cần một kết quả tích cực trước Iran, hoặc cầm hòa hoặc thua với tỷ số tối thiểu.
Muốn đạt được mục tiêu này, chúng ta cần ngăn đối thủ ghi bàn, đồng nghĩa với việc bắt chết mối đe dọa chính Alireza Jahanbakhsh. Vậy, Jahanbakhsh, anh ta là ai?
Trong một thời gian dài chúng ta thường bắt gặp rất nhiều cầu thủ được ca ngợi là "Tiểu Messi", hay "Ronaldo mới", mặc dù không phải ai cũng xứng đáng với danh xưng ấy. Nhưng Jahanbakhsh thì khác.
Bởi người đầu tiên gán anh ta với "Ronaldo" là Carlos Queiroz, người từng đưa Ronaldo phiên bản chính tới M.U, sau đó trực tiếp huấn luyện để cầu thủ này từng bước trở thành một siêu sao.
Jahanbakhsh được chính Carlos Queiroz ca ngợi là "Ronaldo mới".
Giống như Ronaldo, Jahanbakhsh cũng lớn lên ở một ngôi làng hẻo lánh ở Gilan, một tỉnh giáp biển Caspi của Iran. Sau đó, khởi nghiệp ở đội bóng địa phương Damash rồi mới tới NEC Nijmegen, CLB thường xuyên vật lộn ở nhóm xuống hạng của Hà Lan.
"Ban đầu, không khác gì Ronaldo, Jahanbakhsh luôn suy nghĩ như một cầu thủ chạy cánh cổ điển, với mối quan tâm chính là tạt bóng và kiến tạo", Queiroz nói với tờ The Times. Trong 3 năm đầu khoác áo ĐTQG, anh chỉ ghi được 1 bàn.
Theo quan niệm của chiến lược gia người Bồ Đào Nha, bóng đá hiện đại cần đến 6 cầu thủ thường xuyên chịu trách nhiệm phòng thủ. Vì vậy, nếu không có 4, đến 5 người biết ghi bàn, đội bóng không thể thành công. Với những cầu thủ như Jahanbakhsh, chỉ kiến tạo thôi không đủ.
Ngoài tốc độ và kỹ thuật khéo léo, Jahanbakhsh còn có sự điềm tĩnh khi đứng trước khung thành. Những pha dứt điểm của anh có độ chính xác rất cao và luôn đi với quỹ đạo khó lường.
Queiroz quyết tâm thay đổi Jahanbakhsh, như đã làm với Ronaldo.
Vì vậy, Queiroz quyết tâm thay đổi Jahanbakhsh, như đã làm với Ronaldo, thông qua những buổi tập lặp đi lặp lại trên tuyển để tìm thấy khoảng trống phía sau các hậu vệ, thâm nhập vòng cấm và ghi bàn. Trở lại CLB (NEC Nijmegen và từ năm 2015 đến 2018 là AZ Alkmaar), Jahanbakhsh dần trở thành chân sút hàng đầu.
Mùa 2016/17, anh có 12 bàn. Rồi tăng lên thành 22 bàn (cùng 12 kiến tạo) khi kết thúc mùa 2017/18. Thành tích ấn tượng này đã đưa anh tới Premier League với tư cách cầu thủ đắt giá nhất lịch sử Brighton (17 triệu bảng).
"Khi một cầu thủ bắt đầu ghi bàn, anh ta sẽ sớm cảm nhận chất gây nghiện của bàn thắng. Càng ghi được nhiều, anh ta càng dễ bị nghiện. Đây là cách Jahanbakhsh phát triển, và giống như Ronaldo trước đây, hiện là người luôn ghi 40-50 bàn mỗi mùa", Queiroz cho biết.
Ông cũng ca ngợi sự trưởng thành của Jahanbakhsh, bên cạnh sự tự tin là bản lĩnh và tính chuyên nghiệp. Mùa bóng trước, ngôi sao người Iran đạt hiệu suất cao nhất trong sự nghiệp, bất chấp bên ngoài sân cỏ, anh rơi vào khủng hoảng khi bà mẹ mắc ung thư. Suốt nhiều tháng, anh ngược xuôi khắp châu Âu để tìm bác sỹ giỏi nhất, sau đó đưa mẹ tới Đức và điều trị thành công.
Với khát khao thể hiện mình, Jahanbakhsh càng khiến Việt Nam lo lắng.
Kể từ khi đến Premier League, Jahanbakhsh vẫn chưa thích nghi hoàn toàn để mới ra sân 10 trận (đá chính 4). Ngoài ra còn một lý do khác là cầu thủ của Brighton dính chấn thương gân kheo kéo dài hơn 2 tháng.
Nhưng giờ thì anh ta đã hồi phục, sẵn sàng tái xuất ở trận đấu với Việt Nam. Với khát khao thể hiện mình, Jahanbakhsh càng khiến chúng ta lo lắng. Với vai trò tiền đạo phải, nhiệm vụ vô hiệu hóa cầu thủ này thuộc về trung vệ lệch trái (có thể vẫn là Bùi Tiến Dũng) và hậu vệ biên (nhiều khả năng là Đoàn Văn Hậu, thay cho Nguyễn Phong Hồng Duy), đồng thời Phan Văn Đức ở phía trên phải liên tục áp sát, nhằm giữ hậu vệ phải Ramin Rezaeian bên phần sân nhà, thay vì dâng lên hỗ trợ Jahanbakhsh.
Đó sẽ là một đêm dài với các chàng trai của chúng ta. Và nếu thành công trong việc buộc Jahanbakhsh im tiếng, cánh cửa đi tiếp sẽ mở ra, rộng hơn một chút.