Rogue One là phần ngoại truyện của loạt phim Star Wars kể lại những sự kiện xảy ra giữa hai phần Revenge of the Sith (2005) và A New Hope (1977) khi Đại đế Palpatine đang nắm quyền lực tuyệt đối, Luke Skywalker còn chưa bắt đầu hành trình của mình, Leia Organa và Han Solo không hề biết mặt nhau. Cũng chính lúc đó, một nhóm chiến binh tinh nhuệ của quân Kháng chiến bắt buộc phải đi đánh cắp bản thiết kế của vũ khí hủy diệt Death Star để ngăn chặn mưu đồ đen tối của Đế chế. Cả thiên hà sẽ rơi vào ách đô hộ khủng khiếp của phe Đế chế nếu như họ thất bại.
Đứng đầu nhóm quân là Jyn Erso, một cô gái có liên quan mật thiết đến người thiết kế ra vũ khí hủy diệt Death Star. Như vậy là sau Star Wars: The Force Awakens (2015), Rogue One là lần thứ hai liên tiếp Star Wars cho một nữ nhi là nhân vật chính của phim. Đây là một động thái thực sự đáng hoan nghênh, đặc biệt là khi những người phụ nữ mạnh mẽ xuất hiện quá ít ỏi trên màn ảnh hiện nay. Còn nhân vật Jyn Erso trong phần phim Rogue One là một cô gái mạnh mẽ, gai góc, dũng cảm và luôn quyết tâm truy tìm sự thật đến cùng. Jyn Erso không phải là mẫu phụ nữ cần một người đàn ông nào đó bảo cô phải làm gì.
Bên cạnh đó, Rogue One còn gây ấn tượng bởi phần kỹ xảo mãn nhãn, hoàn toàn tương xứng với kinh phí 200 triệu USD. Khung cảnh các hành tinh bị sụp đổ bởi vũ khí hủy diệt Death Star, những cuộc chiến giữa quân Kháng chiến và Đế chế, hay thánh địa cuối cùng của các hiệp sĩ Jedi đều được bộ phim tái hiện một cách hoành tráng.
Ngoài ra thì âm nhạc được soạn bởi Michael Giacchino (Star Trek Beyond, Jurassic World và Mission: Impossible – Ghost Protocol) cũng giúp không khí bi tráng được thể hiện rõ. Không khí như vậy là điều thực sự cần thiết, bởi lẽ Rogue One được làm ở mốc thời gian giữa sự u tối trong Revenge of the Sith (2005) và sự sáng sủa của phần A New Hope (1977).
"Toàn bộ câu chuyện đều toát lên niềm hy vọng" – nhà sản xuất Kathleen Kennedy
Tuy đã ra sức ủng hộ cho bình đẳng giới, tạo ra không ít cảnh quay cháy nổ mãn nhãn, Rogue One vẫn bị mất điểm bởi một kịch bản yếu kém. Bộ phim có thời lượng tương đương The Force Awakens, nhưng người xem lại có cảm giác dài gấp đôi. Điều này một phần là do kịch bản Rogue One: A Star Wars Story dài dòng, không có điểm nhấn. Nếu nói không quá thì một phần tư thời lượng đầu phim có thể gói gọn trong phần opening credit, điều mà Rogue One lại quyết định bỏ đi.
Những tình huống hài hước trong phim cũng diễn ra khá gượng gạo giữa các nhân vật với nhau. Nếu như sáu phần phim trước có hai "cây hài" là "cặp đôi hoàn cảnh" rô bốt R2-D2 và C-3PO, còn The Force Awakens có rô bốt bóng tên BB-8 chỉ cần nó di chuyển thôi đã thấy buồn cười, thì anh chàng K-2SO của phần Rogue One lại khá khó khăn trong việc tạo tiếng cười cho khán giả.
Về diễn xuất thì Felicity Jones chưa được tròn vai. Thậm chí đoạn cần phải bộc lộ cảm xúc mạnh thì cô dù đã cố vẫn không ra nước mắt. Nam chính Diego Luna cũng không khá hơn là bao, nhân vật Cassian Andor của anh quá thiếu cá tính. Trong khi đó, tương tác của hai nhân vật chính phải nói là thực sự không gây được ấn tượng.
Dẫu vậy, Rogue One đã "ghi bàn ở phút 90" khi phần nào níu kéo cảm xúc của khán giả bằng sự xuất hiện ấn tượng của những "người cũ". Obi-Wan Kenobi được nhắc đến, kẻ phản diện Darth Vader lan tỏa nỗi sợ hãi với cảnh chiến đấu bằng kiếm ánh sáng cực chất và cuối cùng chính là màn xuất hiện ngắn ngủi của Công chúa Leia Organa. Tất cả khoảnh khắc trên đều khiến cho con tim người hâm mộ Star Wars như muốn nhảy khỏi ngực, họ đã phải đợi quá lâu cho khoảnh khắc đó. Còn với những khán giả chưa biết đến Star Wars, họ sẽ có dịp được thưởng thức những "đặc sản" của loạt phim này: Thần lực và kiếm ánh sáng.
Rogue One: A Star Wars Story (Rogue One: Star Wars ngoại truyện) được đạo diễn bởi Gareth Edwards, có sự tham gia của Felicity Jones, Diego Luna, Riz Ahmed, Chân Tử Đan, Khương Văn, Ben Mendelsohn và Mads Mikkelsen. Tác phẩm hiện được công chiếu rộng rãi toàn quốc.