La La Land - Hãy cứ khờ dại, hãy cứ yêu đi!

Ngọc King, Theo Trí Thức Trẻ 15:50 16/12/2016

Lấy bối cảnh hiện thực, tác phẩm "La La Land" của đạo diễn Damien Chazelle lại mang trong mình sắc màu retro cùng gợi nhớ về một Hollywood xưa cũ và mộng mơ.

"Đó là cái cửa sổ mà Humphrey Bogart và Ingrid Bergman đã trông ra trong phim Casablanca": Cô diễn viên Mia nói với anh nghệ sĩ nhạc jazz Sebastian trong bộ phim La La Land của đạo diễn Damien Chazelle như vậy. Chàng và nàng gặp nhau trong một ngày trời xanh vắt giữa dòng xe kẹt cứng tại Los Angeles đương đại, để rồi cứ thế, cuộc đời của cả hai va vấp lấy nhau trong bản hòa tấu của những tâm hồn hoài cổ.

La La Land - Hãy cứ khờ dại, hãy cứ yêu đi! - Ảnh 1.

Đã có thời điểm, các bộ phim của Hollywood vào thập niên 70 đã cố gắng tái hiện lại thứ không khí nhuốm màu retro của 30 năm trước, nhưng hầu như tất cả đều rơi vào mô típ sến sẩm và cũ kĩ. Thế rồi chúng ta chứng kiến thành công của những Moulin Rouge!, Glee hay Pitch Perfect, và đỉnh cao của phim ca nhạc chạm tới mang tên La La Land tái hiện lại những nét nên thơ nhất của một Los Angeles huy hoàng hơn nửa thế kỉ đã qua.

La La Land - Hãy cứ khờ dại, hãy cứ yêu đi! - Ảnh 2.

Nàng, một nhân viên phục vụ tên là Mia (Emma Stone) luôn chìm đắm trong giấc mơ được trở thành minh tinh điện ảnh dù cho liên tiếp bị đánh trượt trong các buổi thử vai. Chàng, Sebastian (Ryan Gosling), một nghệ sĩ dương cầm ấp ủ ý định mở một quán bar chơi thứ nhạc jazz thực thụ, phải khiên cưỡng chơi những bản nhạc theo thị hiếu tại các quán ăn rẻ tiền. Số phận đưa đẩy họ với nhau theo những cách oái oăm và thú vị, rồi tình yêu cứ thế nảy nở giữa hai người tự nhiên như cỏ dại. Tới khi những giấc mơ bắt đầu thành hình, thì cũng là lúc Mia và Seb phải đối mặt với những rạn nứt mang tên hiện thực và đánh đổi.

La La Land - Hãy cứ khờ dại, hãy cứ yêu đi! - Ảnh 3.

Bằng việc sử dụng logo của 20th Century Fox năm 1953, La La Land đưa khán giả về quá khứ vàng son của Hollywood bằng chuyến du hành âm nhạc ngược thời gian. Những cảnh phim đầu tiên diễn ra đẹp mắt và hoành tráng, được lấy cảm hứng từ vũ đạo và âm nhạc của các phim nổi tiếng một thời như Touch of Evil, The Player, Top Hat The Umbrellas of Cherbourg, Swing Time, The Band Wagon, The Young Girls of Rochefort hay thậm chí cả 8 1/2.

Nếu như Mia nổi bật với những gam màu cơ bản từ chiếc váy vàng óng với những bông hoa nhỏ li ti tới bộ đầm xanh lục khoe tấm lưng gợi cảm, từ tà váy trắng tinh khôi tới chiếc váy xanh ngọc sang trọng thì nam chính Sebastian luôn chỉn chu; lúc thì trong bộ sơ mi trắng, lúc vest đen lịch lãm hoặc suit màu be khỏe khoắn. 

Sau Gangster Squad và Crazy, Stupid, Love thì đây là lần thứ ba cặp đôi trai tài gái sắc Ryan Gosling và Emma Stone lại được hội ngộ trên màn ảnh. Diễn xuất tinh tế của bộ đôi, từ ánh mắt cho tới cử chỉ, từ cái nhìn đắm đuối mà Mia trao cho Seb tới cái cách anh lặng lẽ nhìn cô sau 5 năm trời, tất cả chiếm trọn trái tim người xem.

La La Land - Hãy cứ khờ dại, hãy cứ yêu đi! - Ảnh 4.

Nét quyến rũ của phim còn đến từ những chi tiết nhỏ như sắc xanh đến kì ảo của Đài thiên văn Griffith, màu đỏ của bầu trời chiều, là ánh đèn nhấp nháy của những bảng hiệu neon tại các quán bar trên khắp nẻo đường LA, là một tấm biển hiệu rạp phim Rialto, tấm poster Ingrid Bergman trước đầu giường của Mia… Ngoài một số chi tiết gợi nhắc về thực tại như màn hình cảm ứng, nhạc điện tử, mạng xã hội, thì La La Land tựa hồ đã làm sống lại vẻ đẹp của Los Angeles những năm 40, 50 – thành phố của những giấc mơ vẫn ngủ yên đâu đó chờ được khám phá bởi những kẻ khờ dại như Mia và Sebastian.

La La Land - Hãy cứ khờ dại, hãy cứ yêu đi! - Ảnh 5.

La La Land có lẽ sẽ mất đi một nửa sự hấp dẫn của mình nếu thiếu đi phần âm thanh được cầm trịch bởi Justin Hurwitz, người từng có kinh nghiệm làm việc với Damien Chazelle trong các phim cũng lấy đề tài âm nhạc như Whiplash hay trước đó là Guy and Madeline on a Park Bench năm 2009. 

Các bài hát trong La La Land được thể hiện bởi giọng ca cao vút của Emma Stone và chất giọng trầm lắng cùng nhịp đàn đến từ Ryan Gosling. Vừa như một cách tái hiện lại những thước phim bất hủ của Singin' in the Rain hay The Band Wagon, La La Land vẫn xác lập cho mình dấu ấn riêng bằng các bài hát gốc với ca từ hài hước, hiện đại do hai tài năng Benj Pasek và Justin Paul sáng tạo nên. Bên cạnh đó, ca sĩ John Legend cũng khá tròn vai, khi sử dụng giọng hát xuất sắc của mình bù đắp cho những thiếu sót diễn xuất.

La La Land - Hãy cứ khờ dại, hãy cứ yêu đi! - Ảnh 6.

Trên chất liệu retro, La La Land là một bức tranh gợi nhắc về lối xưa do một họa sĩ trẻ vẽ nên giữa đường phố LA tấp nập. Sebastian và Mia là những kẻ mộng mơ còn sót lại tại một thành phố hối hả, là trung tâm của bức họa được ưu ái dành những nét tinh tế nhất. Nàng, dáng dấp thanh thoát và đôi mắt mở to chứa chan cảm xúc. Chàng, với vẻ thông minh, lịch lãm lại cũng rất đời. Cả hai phải đối diện với câu hỏi, làm thế nào để có thể giữ được thứ tình yêu mong manh như khói như mây, như vũ khúc lơ lửng trong bầu trời đầy sao giữa đài thiên văn nọ, trong khi phải đối diện với thực tại?

La La Land - Hãy cứ khờ dại, hãy cứ yêu đi! - Ảnh 7.

Cái kết đầy day dứt và trăn trở không phải là thứ mà ai cũng chờ đợi, nhưng đọng lại với La La Land là câu chuyện về những kẻ yêu khờ khạo, dám mơ và dám biến giấc mơ của mình trở thành hiện thực. Mia từng nói: "Con người yêu những thứ người khác đam mê". Người ta sẽ mãi nhớ đến cái cách Damien Chazelle đặt tâm huyết vào một tình khúc hoài cổ góp phần làm sống lại thế giới Hollywood trong hai thập niên huy hoàng nhất của phim ca nhạc.

Giống như jazz, phim ca nhạc cũng thế thôi, nó chưa hết thời mà vẫn bền lâu bám rễ trong đâu đó những ngóc ngách của thế giới, trong những con người như Mia và Seb, trong La La Land. Cái tên phim vẽ nên miền đất hứa mộng mơ, nhưng đồng thời cũng là mảnh đất của tiếng thở dài thực tại, nơi những kẻ phiêu du phải đánh đổi để hiện thực hóa giấc mơ của đời mình.