Những ai đã từng đọc Doraemon chắc cũng biết đến Doremini - chú mèo máy tí hon thường được Doraemon "nuốt" để sửa chữa máy móc trong bụng mình.
Và bây giờ, ý tưởng "nhi đồng thối tai" này đang dần trở thành hiện thực, bằng một dự án do các nhà khoa học từ Mỹ, Anh và Nhật Bản thực hiện: "robot xếp hình" - origami robot. Nuốt robot này vào bụng, nó sẽ dọn dẹp các dị vật mà không may chúng ta đã nuốt phải.
Origami robot được tạo ra bởi các nhà nghiên cứu của viện công nghệ MIT (Mỹ), ĐH Sheffield (Anh), và Học viện công nghệ Tokyo (Nhật). Nó có kích cỡ rất nhỏ, vừa đủ để nhét vừa trong viên thuốc con nhộng.
Khi vào đến dạ dày, robot sẽ tự mở ra, cho phép các bác sĩ điều khiển nó từ bên ngoài cơ thể nhờ vào từ trường nam châm.
Origami robot trên thực tế không giống một robot. Nó được làm bằng loại vật liệu có thể gấp lại được như giấy, với nguyên liệu chính là từ... ruột lợn.
Các nhà khoa học tạo ra chú robot này đầu tiên là nhằm mục đích loại bỏ những dị vật người ta thường nuốt phải, trong đó có pin. Theo thống kê, mỗi năm có 3.500 người Mỹ nuốt pin vào bụng, và con số tất nhiên sẽ lớn hơn nếu tính đến các quốc gia khác.
Pin ở bên trong dạ dày sẽ bị tiêu hoá. Tuy nhiên, hoá chất bên trong pin sẽ tạo thành một dòng điện, sinh ra xút ăn da. Nếu tiếp xúc đủ lâu, pin có thể phá hủy thành dạ dày, gây đau đớn, thậm chí buộc phải phẫu thuật để giải quyết. Nhưng với origami robot, pin sẽ được loại bỏ trước khi nó kịp gây hại cho cơ thể.
Trong tương lai, các chuyên gia hi vọng rằng robot sẽ được tích hợp chức năng "chữa bệnh" - có thể khôi phục lại vết thương bên trong cơ thể; hoặc vận chuyển thuốc đến những "hang cùng ngõ hẻm" của con người.
Được biết, robot xếp hình đã được phát triển tại MIT từ năm 2010, nhưng ứng dụng trong y học của nó đến nay mới được phát hiện.
Daniel Rus, chuyên gia đứng đầu nghiên cứu chia sẻ: "Thực sự rất thú vị khi được chứng kiến robot tí hon của chúng tôi có tiềm năng quan trọng đến mức nào trong lĩnh vực y tế".
Ông cho biết: "Khi ứng dụng bên trong cơ thể người, chúng ta sẽ cần đến một robot siêu nhỏ, có thể điều khiển, và không có dây. Sẽ rất khó để điều khiển và đặt một robot bên trong cơ thể mà kèm theo một cái dây vướng víu".
Nguồn: Independent