Trong 30 năm tới, hầu hết các công việc hiện tại của con người sẽ được robot làm thay - đó là những gì các chuyên gia thuộc ĐH Rice (Mỹ) cảnh báo. Và rồi loài người sẽ phải đối mặt với một vấn đề rất nan giải: Đi tìm ý nghĩa của cuộc sống khi không còn phải làm việc nữa.
Cụ thể hơn, giáo sư Moshe Vardi tại ĐH Rice cho rằng trong vài thập kỷ tới, công nhân viên sẽ trở nên rất rảnh rỗi vì hầu hết các ngành nghề tầm trung sẽ sớm bị robot thay thế. Và theo giáo sư, tỉ lệ thất nghiệp trên toàn thế giới sẽ vượt quá 50% - một con số khủng khiếp.
Chúng ta đang tiếp cận thời kỳ máy móc đủ khả năng làm thay con người gần như tất cả mọi việc. Hiện nay, các robot đã có thể làm tốt nhiều việc của con người: từ dược sĩ, gác ngục, chế biến thực phẩm, pha chế đồ uống...
Moshe Vardi - Giáo sư kỹ thuật tại ĐH Rice (Mỹ)
Giáo sư chia sẻ: "Tôi tin rằng xã hội sẽ phải tìm ra câu trả lời cho điều này: Nếu máy móc làm việc thay con người, vậy con người sẽ làm gì lúc đó? Và liệu những gì công nghệ đang làm có thực sự tốt cho nhân loại".
Các công việc từ trực điện thoại đến kế toán, phân tích tài chính... sẽ không còn chỗ đứng khi robot lên ngôi
Công nghệ robot và trí thông minh nhân tạo (AI) hiện nay đã đủ khả năng "xóa sổ" rất nhiều ngành nghề.
Ví dụ như tháng 12/2015, trường ĐH Công nghệ Nanyang (Singapore) đã cho ra đời Nadine - robot phụ trách lễ tân trong khu học xá.
Nadine - robot lễ tân có vẻ ngoài giống con người nhất
Robot Nadine có mái tóc dài mượt, làn da mềm mại, có những cử chỉ như con người như cười, giao tiếp ánh mắt, bắt tay, và thậm chí có thể nhớ được những vị khách đã từng ghé thăm. Có thể nói, Nadine là robot giống người nhất từ trước đến nay.
Hoặc như hãng hàng không Airbus, kết hợp cùng ĐH Fankfurt (Đức) cũng mới công bố robot có khả năng thay thế con người chế tạo máy bay.
Tuy nhiên, giáo sư Vardi cho rằng điều này chưa chắc đã tốt cho nhân loại. Theo ông, việc robot thay thế con người sẽ giúp chúng ta có nhiều thời gian giải trí hơn, nhưng sẽ sớm làm thui chột loài người.
Do không phải làm việc và có quá nhiều thời gian rảnh rỗi, sự cố gắng, cạnh tranh trong xã hội sẽ không còn. Từ đó, chúng ta không thể tiến hóa, cũng như không thể đưa ra các bước đột phá mới trong khoa học.
Và thậm chí trong viễn cảnh xấu nhất, trí thông minh nhân tạo sẽ đạt đủ "trí khôn" để tự mình vận hành, suy nghĩ, và thậm chí là thống trị loài người.
Nguồn: Telegraph