Mới đây, các nhà khoa học thuộc công ty OpenROV (Mỹ) đã chế tạo thành công
robot thám hiểm đại dương mang tên Trident.
Về cơ bản, Trident là một chiếc smartphone chống nước, được trang bị thêm ống phản lực. Nó có thể lặn sâu hơn 100m dưới đáy biển, sau đó gửi các tín hiệu dưới dạng video về nhiệt độ, độ sâu, phương hướng... lên một phao không dây trên mặt biển.
Phao nổi này được kết nối Internet, cho phép chúng ta điều khiển robot từ xa. Người sử dụng có thể xem những hình ảnh do Trident gửi về qua laptop và điện thoại.
Và thậm chí để tăng tính trải nghiệm, OpenROV đã phát triển phần mềm cho phép người sử dụng trực tiếp trải nghiệm những gì Trident nhìn thấy, thông qua một chiếc kính thực tế ảo.
Ban đầu, mục đích chế tạo robot này là để... truy tìm kho báu. David Lang và Eric Stackpole - người đồng sáng lập ra Open ROV - cho biết ý tưởng của họ đến từ một cuốn tạp chí từ thập niên 70, kể những câu chuyện về kho báu khổng lồ dưới các hang động trong lòng đại dương mà không ai có thể chạm đến.
Chính Eric là người đã đưa ra ý tưởng thiết kế một robot có khả năng thám hiểm các ngóc ngách trong lòng đại dương, và họ bắt tay vào thực hiện từ năm 2011.
Trong vòng 4 năm, có khá nhiều mẫu robot thử nghiệm và Trident là mẫu mới nhất.
Robot Trident rất dễ sử dụng khi bất cứ ai cũng có thể điều khiển được. Tuy nhiên Lang tin rằng, robot này sẽ trở thành một công cụ nghiên cứu giá rẻ trong cộng đồng khoa học đại dương.
Ông chia sẻ:
"Ngành khoa học thám hiểm đại dương hiện nay thực sự chưa được đầu tư đúng mực. Rất nhiều người đang phải loay hoay thực hiện nghiên cứu với các thiết bị và ngân sách hạn chế. Trong khi đó, Trident có tính năng tương tự với các loại robot điều khiển từ xa khác, nhưng với giá bán chỉ bằng một phần nhỏ".
Ngoài ra, robot này có thể trở thành công cụ hữu hiệu để phục vụ cho giảng dạy - khi học sinh có thể trực tiếp trải nghiệm những gì xuất hiện trong lòng đại dương. Lang cho rằng, đây mới thực sự là kho báu chúng ta đang tìm kiếm.
Hãy cùng xem những trải nghiệm khi điều khiển Trident qua video dưới đây.
Nguồn: Business Insider, IT web Innovation, Techtimes