Đến thời điểm này, để tìm ra được một lời khen có cánh cho nhà thiết kế Maria Grazia với những bộ sưu tập gần đây của bà tại Dior có lẽ sẽ cần... vài ngày làm việc. Mới đây, nhà mốt nước Pháp này đã đến New York để tổ chức show diễn giới thiệu BST Giao mùa (Pre-Fall) 2024. Show diễn quy tụ nhiều ngôi sao nổi tiếng và thu hút nhiều sự quan tâm của giới truyền thông (đa phần vì sự xuất hiện của khách mời). Và những kiến tạo lần này như là lời khẳng định chắc nịch với giới mộ điệu rằng "Dior giờ chỉ bán đồ màu be và đen trắng".
Highlight show diễn Dior Pre-Fall 2024
Bình cũ - rượu cũng cũ
Không biết đây là lần thứ bao nhiêu người ta nói về tính đồng điệu và sự nhất quán của Maria Grazia khi ra mắt các bộ sưu tập (hay nói đúng hơn là một màu). Ngoài đồng điệu về form dáng như đồng phục thì nhà thiết kế còn đồng điệu về ý tưởng và về màu sắc. Nữ nhà thiết kế một lần nữa (sau khoảng 10 BST) sử dụng bảng màu không thể không dễ mặc hơn là be - đen - trắng. Liệu có phải đây là một cách thức vị giám đốc sáng tạo này làm kinh doanh khi dùng rất nhiều màu be/đen để góp phần tạo nên sự thiếu hụt nguồn cung loại vải màu này cho các thương hiệu đối thủ?
Màu đen không chỉ là màu sắc chiếm phần lớn sự xuất hiện trong BST Dior Pre-Fall 2024 mà nó còn có thể sẽ là màu của Dior nếu Maria Grazia vẫn còn cho ra mắt những BST thế này!
Nhiều người còn đùa rằng, để tạo nên BST Pre-Fall 2024 này, có khi chính Maria Grazia đã tự mang bản thân mình cùng những thiết kế trong những BST mùa trước mà bà đã thực hiện ra để làm moodboard cho bộ sưu tập rồi cố gắng nhấn nhá chút mới mẻ bằng hình tượng nữ diễn viên Marlene Dietrich. Không biết đây là sự thiếu cá tính trong ngôn ngữ thiết kế hay do vị nữ giám đốc sáng tạo này theo trường phái "tái chế" bởi thực sự mà nhận xét thì tổng thể BST này chẳng khác gì những BST Ready-to-wear mà bà đã làm trong hai năm qua cả. Thậm chí, người ta có thể tìm kiếm ở những thương hiệu thời trang nhanh bình dân và dễ dàng mua được những trang phục trông y xì đúc những mẫu thiết kế trong BST này của Dior.
Nếu là một người quan tâm theo dõi đến thời trang, chắc hẳn bạn sẽ còn nhớ màn tri ân đến huyền thoại cabaret nổi tiếng Marlene Dietrich của "vị vua thời trang" - John Galliano trong bộ sưu tập Dior Ready-to-wear Spring/Summer 2004, đúng 20 năm trước. Vị giám đốc sáng tạo đương thời của Dior - John Galliano không chỉ lấy cảm hứng về huyền thoại Hollywood Marlene, mà còn đặt cả dấu ấn thiết kế, sự sáng tạo, phá cách, điên rồ của bản thân nhưng cũng rất "nữ quyền".
Minh tinh màn bạc Marlene Dietrich.
Nữ quyền trong thế giới của John là sự tự do, tự do về cơ thể, tự do về tâm trí. Cặp bài trùng John Galliano và phù thuỷ trang điểm Pat McGrath oanh tạc mọi tuần lễ thời trang và cũng không ngoại lệ trong BST này. Chủ nghĩa tối đa của John được Pat McGrath thực hiện hoá bằng những makeup look đậm chất art nhưng vẫn mang hình ảnh của đại minh tinh Marlene Dietrich.
BST Dior Ready-to-Wear Spring/Summer 2004 cũng được John Galliano (Giám đốc sáng tạo đương thời của Dior) lấy cảm hứng từ đại minh tinh Marlene Dietrich.
Ngược lại với sự tự do cơ thể và cá tính riêng trong thiết kế, Maria Grazia lại đưa cảm hứng nữ quyền với hình tượng Marlene Dietrich vào những bộ menswear, theo đúng nghĩa đen và đúng những gì nữ minh tinh này từng mặc nhiều thập niên trước. Nữ nhà thiết kế không chỉ rập khuôn những người mẫu trong trang phục rộng thùng thình mà cũng tự đóng khuôn bản thân mình qua những bộ đồ menswear mà khá tương tự với các thiết kế bà đã làm từ những mùa trước.
Một số thiết kế lấy cảm hứng từ Marlene Dietrich trong BST Dior Pre-Fall 2024 khiến người ta thấy có phần nhạt và dễ... buồn ngủ
Maria Grazia và nữ quyền, hai từ này luôn được nhắc đến và gắn liền với nhau kể từ khi vị giám đốc sáng tạo debut bộ sưu tập đầu tiên của mình ở Dior năm 2016. Nữ quyền là một phong trào hết sức ý nghĩa, nó cổ vũ và động viên phụ nữ làm những điều mới mẻ, những điều họ thích mà xã hội đã áp đặt và giới hạn họ. Và "những điều mới mẻ" của Maria Grazia ở trong BST này (và một số BST khác các năm 2018 - 2020 - 2023) chính là mặc trang phục menswear với những chiếc blazer, trench coat, quần âu, đeo cà vạt,...
Nhìn chung, cảm hứng nữ quyền được Maria thể hiện theo cách khá rập khuôn, đi vào lối mòn.
Những thiết kế mang cảm hứng Bar Jacket huyền thoại kết hợp cùng Menswear của Maria Grazia những BST trước.
Một trong những thiết kế làm người ta bất ngờ và giật mình nhất trong show diễn như đang "ru ngủ cho khách mời" này có lẽ là chiếc áo và túi yên ngựa in hoạ tiết cờ Mỹ đan xen cờ Pháp. Chiếc áo này không chỉ làm người ta khó hiểu bởi sự "nịnh" của Maria Grazia dành cho thị trường Mỹ hay đây là một nỗ lực yếu ớt đang cố gắng bắt trend cowboycore. Nhiều người còn cho rằng chiếc áo này giống như hàng được mua ở bất kì shop bán đồ lưu niệm hay ngoài chợ dành cho khách du lịch.
Nét chấm phá màu sắc duy nhất (dù cũng không được đẹp mắt lắm) tại show diễn
Không chỉ hoạ tiết cờ Mỹ mà để làm phong phú thêm cho BST này, nữ nhà thiết kế có lẽ cũng đã đặt vội trên mạng những bức tranh về thành phố New York và Paris để in ấn rồi phá hỏng hoàn toàn đi sự thanh lịch ít ỏi mà những trang phục này mang lại. Chắc hẳn thời gian sắp tới Maria Grazia sẽ là người dẫn đầu cho phong cách du khách Touristcore mà bà mới sáng tạo ra chăng?