Mùa phim mới nhất của series đình đám Black Mirror đã ra mắt trên kênh Netflix. Lần này các nhà làm phim quyết định không thử nghiệm như với tập phim tương tác đặc biệt Bandersnatch, mà quay trở lại với lối kể chuyện tuyến tính về mặt trái của công nghệ như cũ. Dầu vậy, bộ ba câu chuyện trái khoáy vẫn khiến khán giả bất ngờ và ám ảnh không kém những mùa phim trước.
1. Striking Vipers (tạm dịch: Mãng Xà Giao Đấu)
"Mãng Xà Giao Đấu" có lẽ là tập phim bất ngờ nhất trong bộ ba mùa thứ 5 Black Mirror. Chúng ta được giới thiệu với Danny (Anthony Mackie) và Theo, từ lúc mới yêu cho tới khi cả hai lập gia đình. Năm tháng trôi qua, vật đổi sao dời, người bạn cũ là Karl (Yahya Abdul-Mateen II) xuất hiện trong buổi tiệc sinh nhật của Danny và tặng anh phiên bản tiên tiến của trò chơi Striking Vipers mà 11 năm trước họ từng đấu với nhau xuyên đêm.
Và rồi…
Thế nhưng khi cả hai nhập vai thực tế ảo, game đánh nhau bỗng chuyển thành game… khiêu dâm khi hai nhân vật của Danny và Karl quyết định "mây mưa" với nhau mãnh liệt. Khán giả từ chỗ người xem phim đã bị biến thành Bran của Game of Thrones, nhìn thấy mọi thứ không nên nhìn. Điều này cũng khiến cuộc đời thực tế của hai ông bạn Karl và Danny trở nên đầy trắc trở.
Tập phim không chỉ bất ngờ mà còn chứa đựng nhiều chi tiết đáng suy ngẫm về hôn nhân, tình yêu, danh dự và trách nhiệm. Striking Vipers gợi cho khán giả nhớ đến tập San Junipero mùa thứ 3 của Black Mirror, khi kết hợp hài hòa giữa tình cảm rất con người và công nghệ thực tế ảo VR. Không chỉ dựng lên nhiều bối cảnh đẹp mắt, bộ phim còn rất cẩn thận khắc họa câu chuyện riêng của từng cá nhân, rồi những cái tên phi giới tính (đàn ông tên là Danny, phụ nữ lại tên là Theo), để từ đó nói lên thông điệp riêng về mối quan hệ hiện đại. Diễn xuất của bộ ba diễn viên chính cũng là một trong những điểm nhấn ấn tượng của tập.
2. Smithereens
Trong phim, Smithereens là tên của một mạng xã hội gây nghiện (giống như Twitter hay Facebook ngoài đời). Một anh tài xế Uber (Andrew Scott) đã dành nhiều tháng liền rình rập và cố tình chỉ đón khách từ trụ sở Smithereens của London. Rõ ràng, anh chàng này đang trên bờ vực của trầm cảm mà Smithereens là nguyên nhân.
Nếu như Striking Vipers là màn tung hứng của bộ ba kép chính thì tập phim thứ hai này chỉ có Andrew Scott "gánh show". Một mình ngôi sao này vật lộn với nhân vật đã vụn vỡ từ bên trong, nạn nhân của công nghệ và chọn cho mình lối thoát đầy bi kịch.
Ban đầu chúng ta thấy một Christopher ít nói, lặng lẽ nhưng nửa sau là cả một cơn thịnh nộ và gào xé từ gã đàn ông tội nghiệp.
Smithereens lấy bối cảnh năm 2018, đây cũng là năm mà 100 triệu thông tin tài khoản Facebook bị rò rỉ tạo ra scandal vô cùng lớn cho nhà sáng lập Mark Zuckerberg. Cũng giống như cha đẻ của Smithereens là Billy Bauer, Mark thừa nhận mục đích ban đầu của Facebook không phải là thứ gây nghiện như hiện nay chúng ta có. Billy thì mất hết quyền lực, phải đi "cai nghiện" công nghệ, trong khi Mark đang chịu sức ép vô cùng lớn từ các cổ đông ép anh từ chức.
Kết cục của bộ phim không bất ngờ. Thông điệp về cơn nghiện mạng xã hội hay cái cách chúng ta xâm phạm quyền riêng tư của người khác trong Smithereens cũng không mới. Nhưng diễn xuất ấn tượng của Andrew Scott và sự tương đồng đến lạnh người giữa hai thế giới trong phim và ngoài đời vẫn khiến cho đây là một trong những tập phim xuất sắc của Black Mirror.
3. Rachel, Jack and Ashley Too
Nếu có điều gì để lại sau tập phim Rachel, Jack and Ashley Too thì có lẽ đó là Miley Cyrus đã chiếm hết "spotlight" của các đàn em. Thì cũng đúng, bởi đây là phim về teen idol nhạc pop cơ mà.
Trong tương lai, cô nàng ca sĩ nổi tiếng Ashley O (Miley) tung ra một con robot thông minh đặt tên là Ashley Too để kết bạn với fan. Câu chuyện sau đó giống như nội dung của một tập phim truyền hình Hàn Quốc: cô nàng ca sĩ thánh thiện khốn khổ bị bà dì độc ác hãm hại, hôn mê bất tỉnh. Chỉ khác là vì đây là phim Mỹ, nên sẽ có nhiều cảnh hành động hơn.
Rachel, Jack and Ashley Too đã chứng minh rằng Black Mirror nên đi theo tôn chỉ "mặt tối của công nghệ" chứ đừng "hường phấn" khiến câu chuyện có hậu quá làm gì. Một mặt, tập phim không để lại nhiều cảm xúc cho khán giả (ngay cả cho fan của Miley Cyrus). Mặt khác, thông điệp của bộ phim cũng không hề sâu sắc hay ám ảnh chút nào, nhất là khi so với hai tập trước của cùng mùa 5. Có lẽ chỉ có thể coi là tập giải tỏa stress cho khán giả nhẹ nhõm về mặt tâm lý sau nhiều mùa phim đen tối của Black Mirror.
Nhìn chung, có thể nói đây là mùa phim nhạt nhất từ trước tới nay, kể cả sử dụng gương mặt được yêu thích Miley để đẩy mạnh quảng bá cho cả mùa mới này, sự xuất hiện của cô nàng không bùng nổ như kì vọng. Cộng với số lượng tập giảm đi đột ngột so với các mùa trước, Black Mirror như đang dần cạn ý tưởng cho đề tài xã hội công nghệ mới?
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Trailer "Black Mirror" mùa 5
Ba tập mùa thứ 5 của Black Mirror hiện đang được chiếu trên hệ thống Netflix.