Với khán giả Việt, điện ảnh Nhật Bản không phải là một cái tên hoàn toàn xa lạ. Những ký ức về phim Nhật của thế hệ 8x trở về trước dù không nhiều nhưng mạnh mẽ đến nỗi chúng ta gọi người giúp việc bằng cái tên "Ô-sin", hay động viên nhau bằng câu "Cố lên Chiaki"…
Ấy thế nhưng hiện tại phim Nhật lại không được đón nhận nhiều ở Việt Nam cũng như những khó khăn trong công tác mua bản quyền đã khiến phim Nhật giống như một món khó ăn. Tất nhiên, đã khó ăn thì người ta cũng chẳng muốn nấu lại làm gì. Nhưng, phim Nhật có thật sự khó thưởng thức và xa lạ với người Việt như thế không, việc remake có thật sự là bất khả thi không? Không hẳn.
Một phân cảnh trong phim Oshin - một trong những phim Nhật "kinh điển" với khán giả Việt
1. Một số lựa chọn khả thi cho việc chuyển thể
Cùng với làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp Nhật vào Việt Nam, lượng người học tiếng Nhật để du học, làm việc ngày một tăng. Bên cạnh đó là những người yêu văn hóa Nhật. Họ không chỉ học tiếng Nhật qua những cuốn sách, mà còn qua phim ảnh, anime (phim hoạt hình), manga (truyện tranh Nhật). Chính vì thế, nếu chuyển thể những tác phẩm được nhóm người xem này yêu thích , thì cũng đảm bảo một lượng người xem nhất định. Và những cái tên có thể kể ra hoàn toàn không ít.
Đứng đầu trong danh sách là Hana yori dango. Đậy vốn là một tựa truyện tranh dành cho tuổi teen đã gây tiếng vang tại Nhật Bản. Sau đó, Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đã bắt tay vào remake và tất cả những phiên bản đó đều có thành công nhất định.
Hẳn rất nhiều bạn đọc 9x vẫn có thể kể tên 5 nhân vật này
Với khán giả Việt Nam thì bản chuyển thể quen thuộc nhất hẳn là "Vườn Sao Băng" của Đài Loan với sự góp mặt của Từ Hy Viên và 4 chàng trai trong nhóm nhạc F4. Truyện phim khai thác đời sống tình cảm học đường tại một học viện dành cho các cậu ấm cô chiêu. Nhân vật chính Sam Thái (Từ Hy Viên) với một vẻ ngây thơ, bướng bỉnh và nghèo kiết xác bị vây giữa những anh chàng điển trai đã trở thành kí ức đẹp của nhiều 9x khi bước vào tuổi mộng mơ.
Xã hội Việt Nam ngày một hiện đại và phát triển, nên việc xây dựng một bối cảnh học viện cao cấp và xa hoa là không khó. Nếu muốn dựng lại một bản Việt hóa của Hana yori dango, nhà sản xuất chỉ cần tìm được những khuôn mặt có đủ khí chất, và cắt gọt lại cốt truyện, tình tiết cho phù hợp với thị hiếu Việt Nam. Việc sử dụng những nam ca sĩ trẻ để đóng vai bộ tứ F4 như người Đài Loan đã làm là hoàn toàn khả thi, khi mà có khá nhiều ca sĩ Việt đóng phim cũng khá chuẩn. Cộng với lượng fan đông đảo của họ, thì hoàn toàn có thể đảm bảo tỷ suất cho nhà đài.
Itazura na kiss (đã từng được Đài Loan và Hàn Quốc remake với tên It started with a kiss)...
hay Koko Debut...
Devil Beside You (phim Đài Loan chuyển thể từ manga Akuma de sourou do Hạ Quân Tường và Dương Thừa Lâm đóng) đều là những ứng cử viên hoàn toàn khả thi cho Việt hoá
Chủ đề học đường và tình yêu tuổi mới lớn luôn là lựa chọn an toàn hàng đầu. Nhưng nếu cũng là học đường và xoay quanh một vấn đề mang tính xã hội hơn cũng là lựa chọn không tồi: Dragon zakura. Xoay quanh nhân vật chính là Sakuragi Kenji (Abe Hiroshi), một luật sư hạng ba đang phải đối mặt với một nhiệm vụ bất khả thi: dạy cho đám học sinh cá biệt của một ngôi trường hạng bét đậu vào đại học Todai, đại học số 1 Nhật Bản!
"Nếu muốn thay đổi cuộc đời của các em, hãy vào Todai!"
Mô típ giáo viên "đặc biệt" đến thay đổi học trò cá biệt vốn không phải là ít trong phim Nhật. Ngoài Dragon zakura, chúng ta còn có Gokusen, kể về một nữ tiểu thư hắc băng nhưng lại đi làm giáo viên dạy học sinh cá biệt. Hoặc Great teacher Onizuka, kể về một chàng trai lông bông, nhưng lại đồng cảm được với các học sinh mà anh ta dạy.
Điểm đặc biệt khiến Dragon zakura phù hợp hơn với người Việt, đó chính là chủ đề của phim: kì thi đại học và thái độ của học sinh với việc học. Trong xã hội Nhật Bản với mức tiêu chuẩn cao thì kì thi đại học là một gánh nặng đè lên vai các em học sinh. Những học sinh có điều kiện và có ý chí thì có thể vùi đầu vào học. Nhưng những học sinh cá biệt, thiếu vắng sự chăm lo của gia đình thì sao? Chúng đã buông xuôi cho đến khi gặp được thầy Sakuragi. Chính vì thế, từ một gã luật sự Sakuragi đã phải "nắn gân" bọn trẻ bằng cách định hướng lại cho bọn chúng:
"Các em muốn thua cuộc cả đời sao? Pháp luật, chính trị, thuế, lương hưu… là những gì mà những người thông minh đặt ra để điều hành xã hội. Những kẻ ngu ngốc như các em, sẽ không bao giờ quan tâm đến chúng. Và rồi các em sẽ mãi mãi là những kẻ thua cuộc, chịu sự chi phối của người khác. Cho nên, nếu các em muốn thay đổi cuộc đời của mình, hãy đến Todai!"
Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi. Thành tích của đám học trò được cải thiện khi thầy Sakuragi khiến chúng phải nhìn nhận lại giá trị của cuộc đời và học vấn, như trong đoạn trích nêu trên.
Ở Việt Nam áp lực học tập không lớn như Nhật Bản, nhưng gánh nặng đè lên vai các em mỗi khi kì thi Đại Học đến gần là có thật. Điều đó khiến các em bị stress, hoặc có thể phát sinh tâm lý buông xuôi khi thiếu sự quan tâm của gia đình, hoặc không vào đại học vì cho rằng kiếm tiền quan trọng hơn v.v.
Chính vì thế, nếu có thể chuyển thể Dragon zakura một cách khéo léo, thì việc phim thành hit là hoàn toàn có thể.
Dragon Zakura cũng rất thành công với phiên bản chuyển thể của Hàn Quốc - Master of Study
Không chỉ phim học đường Nhật mới có nét thú vị để chuyển thể. Những bộ phim tâm lý, tình cảm xoay quanh thế giới người lớn cũng vô cùng hấp dẫn. Chẳng hạn như Ie wo Uru Onna. Phim kể về Sangenya Machi (Kitagawa Keiko), một nữ môi giới bất động sản với tuyên bố chắc nịch: "Không có căn nhà nào mà tôi không bán được". Sử dụng một chút phép thậm xưng, nhà sản xuất đã kể lại phong cách làm việc của Machi: không chỉ có doanh số, mà sự chăm sóc hết mình dành cho khách hàng cũng phải được ưu tiên hàng đầu. Bộ phim đã thu về 4 giải tại Television Drama Academy Awards năm 2016.
Thông qua công việc, Machi cho người ta thấy nhân sinh quan của người Nhật: tận tụy và hết lòng dù là với công việc nhỏ nhất.
Trong bối cảnh đô thị hóa ngày một mạnh mẽ tại Việt Nam, ngành bất động sản và những biến động của nó hẳn là một chủ đề rất hợp với thời đại. Đặc biệt, do cùng chia sẻ quan niệm về gia đình, nhà cửa, phiên bản Việt của Ie wo uru onna rất có thể sẽ khiến người xem thích thú, đặc biệt là nhóm khán giả đang phải xây dựng gia đình cho riêng mình.
2. Những điểm cần xem xét
Rõ ràng, Nhật Bản khác rất nhiều với những quốc gia Châu Á còn lại. Họ tiếp thu những nền văn minh khác rất tốt, nhưng những nét đặc sắc trong văn hóa của họ thì không phải dễ dàng nắm bắt. Thế cho nên việc lựa chọn những chi tiết đưa vào bản remake có thể là một thử thách đòi hỏi sự thấu hiểu văn hóa hai quốc gia.
Ví dụ như những phim về học đường của Nhật Bản không ít thì nhiều đều có đề cập đến nạn bắt nạt học đường. Nạn nhân có thể phải xin nghỉ học, hay tệ hơn nữa là tìm đến tự tử. Rất may là ở Việt Nam, bạo lực học đường chưa phát triển đến mức khủng bố tinh thần như thế. Cho nên nếu sao chép y chang những chi tiết về bắt nạt, khủng bố tinh thần vào bản chuyển thể, có thể khiến khán giả trẻ tuổi ở Việt Nam bị ảnh hưởng.
Chẳng hạn như bộ phim Life kể về nhân vật chính Ayumu phải chống chọi với việc bị bắt nạt khi vào cấp III. Cô bị Manami, hot girl của trường hiểu lầm là muốn cướp bạn trai mình. Thế là đời học sinh của Ayumu trở thành những ngày dài chịu đựng đủ kiểu bắt nạt từ thể xác tới tinh thần: đánh đập, xối nước hoặc vứt cả bàn học ra ngoài. Trong khi đó, vì là trường tư nên các giáo viên cũng "xem như không có chuyện gì" để bảo vệ danh tiếng nhà trường. Cha mẹ những học sinh có thế lực thì cứ gửi một khoản cho nhà trường là xong chuyện.
Không phải phim học đường nào của Nhật cũng thích hợp với khán giả Việt
Bên cạnh đó, vấn đề thời lượng và kinh phí cũng là một bài toán khó cho nhà sản xuất. Tại Nhật Bản, vẫn có những bộ phim kéo dài nhiều seasons (nhiều phần). Nhưng đa số các bộ phim truyền hình chỉ khoảng 11 hoặc 12 tập (thời lượng 45 phút/tập và tập đầu tiên thường gấp đôi). Với thói quen xem phim truyền hình nhiều tập và tiết tấu chậm, dễ hiểu, khán giả Việt có thể sẽ không thích ngay những bản chuyển thể nếu được làm không khéo.
Đặc biệt, kịch bản gốc của phim Nhật thường khai thác nội tâm phức tạp mà nếu trong quá trình thương thảo tác quyền, Việt Nam không được quyền cải biên, lược bỏ hay thêm thắt mà phải copy 100% như Glee Việt thì chắc chắn sẽ thất bại.
Nhưng, việc gì cũng vậy, không có gì dễ hoàn toàn hay khó hoàn toàn. Nếu có được sự thấu hiểu văn hóa Việt - Nhật, và thái độ cầu thị khi lắng nghe cộng đồng người hâm mộ, thì việc làm ra một bản chuyển thể phim Nhật là hoàn toàn trong tầm tay các nhà làm phim Việt. Nhất là khi cơn sốt remake đang lan mạnh từ phim điện ảnh sang phim truyền hình nhưng gần như chúng ta chỉ quan tâm đến phim Hàn Quốc. Trong khi Nhật, Thái hay Trung cũng có rất nhiều tác phẩm khả thi.