Chị Phạm Kim Chi, một tiểu thương bán rau tại chợ Văn Trì cho biết đợt này giá các loại rau như mồng tơi, rau muống, rau cải, khoai lang, bí đao,... đang bị chịu mức giá tăng nhiều nhất. Ảnh: K.O
Khan hàng giá rau lại leo thang
Trời càng lạnh, chu kỳ sinh trưởng của các loại rau xanh càng kéo dài dẫn đến nguồn cung trên thị trường bị sụt giảm. Những ngày này, về các làng rau trên địa bàn Hà Nội như Thanh Trì, Từ Liêm, Sóc Sơn,... nỗi buồn hiện rõ trên nét mặt những người nông dân khi rau xanh bị mất mùa do thời tiết giá lạnh.
“Bình thường cải cúc chỉ trồng khoảng một tháng là thu hoạch, nhưng rét như thế này thì phải một tháng rưỡi đến gần hai tháng tôi mới có thể thu hoạch. Các loại rau thơm, rau mồng tơi, rau muống trái mùa đều bị vàng úa vì rét quá”, bà Nguyễn Thị Khái, người trồng rau ở Phúc Lý, Bắc Từ Liêm, Hà Nội cho hay.
Tại vườn rau bên cạnh, anh Vương Duy Hưng cho biết, mùa đông người nông dân thường chỉ trồng các loại rau như cải xanh, cải cúc, cải ngọt, su hào, súp lơ, cải bắp,... Đây là những loại cây có thể phát triển trong điều kiện thời tiết giá lạnh. Các loại rau như rau thơm, thì là, rau muống, mồng tơi, rau đay,... trồng vào mùa này sinh trưởng kém, chất lượng rau cũng không ngon. Nhưng nếu trời lạnh, mưa kèm theo cả sương muối thì chẳng có loại rau nào trụ được.
Hàng loạt các biện pháp như tưới nước, bón phân, thắp đèn,... được những người nông dân áp dụng để rau có thể sinh trưởng trong điều kiện thời tiết giá lạnh. “Trời liên tục rét đậm, rét hại khiến rau lên rất chậm, lại còn táp lá, chi phí phân bón tăng nên chúng tôi phải tăng giá bán. Giá bán tại ruộng của rau cải cúc là 2.000 – 2.5000 đồng/mớ, cải xanh khoảng 2.000 đồng, su hào khoảng 3.000 – 4.000 đồng/củ... Nhưng giá bán đến tay người tiêu dùng phải tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3 so với giá tại vườn”, anh Hưng cho hay.
Giá rau tăng từng ngày
Nguồn cung hạn chế, khiến cho giá rau xanh tại các chợ trên địa bàn Hà Nội cũng được đà tăng. Ghi nhận tại một số chợ, nhiều loại rau xanh đã tăng giá từ 1,5 – 2 lần so với trước đó.
Tại chợ Văn Trì, quận Bắc Từ Liêm giá các loại rau xanh lên xuống từng ngày. Cụ thể, su hào ngày thường giá 3.000-4.000 đồng/củ, nay tăng lên 5.000-7.000 đồng/củ, cải bắp giá ngày thường 6.000 đồng/kg nay tăng lên 10.000 - 12.000 đồng/kg, rau muống thường ngày 5.000 đồng/mớ nay tăng lên 10.000 – 12.000 đồng/mớ.
Chị Phạm Kim Chi, một tiểu thương bán rau tại chợ Văn Trì cho hay: “Nhu cầu dùng rau xanh cuối năm, nhất là dịp trời rét rất lớn. Mấy hôm nay trời ấm, giá rau còn giảm xuống chút chứ mấy hôm mưa phùn gió bấc giá rau tăng chóng mặt mà không có rau để bán, nhu cầu của người dân lại cao”.
Tại chợ Cầu Diễn, giá rau xanh cũng tăng nhanh kể từ đợt rét đầu tuần. Theo đó, cải cúc tăng từ 3.000 đồng lên 5.000 đồng/mớ, rau cần từ 5.000 đồng/mớ nay tăng lên 8.000 – 9.000 đồng/mớ. Các loại củ như su hào, khoai lang, khoai tây, cà rốt cũng tăng phổ biến 20 - 30% so với 1-2 tuần trước.
Từ mấy ngày nay, giá rau xanh đột ngột tăng mạnh đã khiến nhiều người nội trợ khi đi chợ không khỏi “giật mình”. Chị Nguyễn Hồng Hạnh (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: “Trong khi các loại thịt lợn, thịt bò… giá không biến động nhiều, các loại rau xanh, củ quả lại tăng giá chóng mặt. Cuối tuần gia đình thường cải thiện làm nổi lẩu ăn cho ấm bụng mà tiền mua rau ngang bằng tiềng mua thịt”.
“Vào mùa lạnh ăn rau vừa không ngon mà lại vừa đắt. Tuần trước tôi mua rau cần chỉ 6.000 đồng/bó nhưng sáng nay cùng loại rau giá đã được đẩy lên 9.000 đồng/bó. Các loại củ, quả như xu hào, súp lơ, cà chua cũng tăng gấp đôi. Có một số loại rau hôm nay cũng không thấy có bán chẳng hạn như rau muống”, bà Hương (quận Bắc Từ Liêm) cho biết.
Theo tiểu thương Nguyễn Thị Mai, tại chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy) cho biết, đã thành quy luật, những đợt giá rét trước rau xanh đều “cháy” hàng vì nhu cầu tăng cao. Năm nay, đợt lạnh thường kéo dài, nhiệt độ giảm sâu khiến mức độ tiêu thụ rau tăng chóng mặt. Chị lấy rau củ bán cho cả ngày nhưng nhiều khi chỉ 11h sáng đã bán gần hết.
Từ nay đến Tết Nguyên đán chỉ còn hơn một tháng, trong khi nhu cầu thực phẩm tăng lên mỗi ngày. Theo tính toán của bà con trồng rau, nếu thời tiết tiếp tục lạnh thì chắc chắn người tiêu dùng sẽ phải mua rau đắt hơn thời điểm hiện tại.
“Rau xanh phụ thuộc vào thời tiết nên rất khó để có phương án bình ổn giá. Ngay cả khi chúng tôi bán ra với giá rẻ thì các tiểu thương vẫn tự do đội giá lên. Như vậy cả người trồng rau như chúng tôi và người tiêu dùng là phải chịu thiệt nhiều nhất” một nông dân trồng rau cho biết.