Hẳn ai cũng đã từng thắc mắc tại sao những người mẫu trình diễn thời trang lại luôn mang vẻ mặt lạnh lùng.
Vậy vì sao "không hẹn mà gặp", tất cả mọi người mẫu đều như thế? Lời giải được đưa ra đến từ khía cạnh tâm lí học.
1. Mặt lạnh để tránh trường hợp "trông giống hề"
Sàn diễn thời trang là nơi các mẫu trang phục mới được trình diện trước công chúng. Như vậy, kể cả những trang phục ready - to - wear (trang phục ứng dụng vào đời sống) cũng sẽ có ít nhiều sự khác biệt so với thứ ta vẫn mặc thường ngày.
Đấy là chưa kể đến việc tại những tuần lễ thời trang đặc biệt, các bộ cánh hoàn toàn độc nhất vô nhị.
Thế nên người mẫu phải mang vẻ mặt vô lo cùng khả năng di chuyển linh hoạt, kiểm soát tốt tinh thần, cơ mặt, tập trung cao độ để thu hút lòng tin của người xem.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, não bộ khó lòng có thể làm được nhiều việc 1 lúc khi tập trung cao độ. Chính vì thế, giữ khuôn mặt lạnh, tập trung sẽ giúp họ nâng cao năng suất và sự chính xác tỉ mỉ trong từng bước chân.
Và bạn biết đấy, chỉ cười cợt 1 chút thôi hay lơ là tẹo là bạn hoàn toàn có thể biến thành những chú hề đi lại trên sân khấu rồi.
2. Giữ mặt lạnh để khán giả tập trung toàn lực vào bộ thiết kế
Nở nụ cười luôn là một trong những bí quyết hàng đầu để gây ấn tượng với người khác. Các nhà tâm lí học đã chứng minh rằng khi gặp mặt, nếu bạn nở nụ cười tươi, bạn sẽ là người đầu tiên được người khác để mắt tới.
Nhưng điều này không được áp dụng với người mẫu trên sàn catwalk. Bởi với nhà thiết kế, điều họ cần gây chú ý là các bộ trang phục, chứ không phải người mẫu.
Nếu người mẫu cười khi bước đi, người xem có thể hiểu lầm là người mẫu có ý giao tiếp hay ám chỉ điều gì. Do vậy, dễ hiểu là các cô người mẫu được yêu cầu không cười khi trình diễn.
3. Bộ mặt lạnh tạo cảm giác bộ trang phục "quý tộc"
Từ xa xưa, những người mẫu trong ngành thời trang vẫn được yêu cầu sử dụng vẻ mặt vô cảm như 1 cách để thể hiện sự kiêu kì, giống phong thái quý tộc châu Âu.
Trên thực tế, việc không cười để tạo phong thái đẳng cấp bắt nguồn ở các sàn diễn thời trang từ thế kỉ 19, 20. Lí do cho việc này lại là vì thời đó, khách hàng chính của các hãng thời trang là giới thượng lưu.
Các tấm danh thiếp thời đó bao gồm tên và một bức ảnh đại diện - chụp chân dung của chủ nhân tấm thiếp. Để giữ đúng "chất quý tộc", không ai chụp ảnh làm danh thiếp mà cười cả. Từ đó, hình thành "truyền thống" áp dụng cho cả những người mẫu sau này.
Nguồn: Storypick, Psychology Today