F.Herro đã có thâm niên hơn 20 năm hoạt động ở giới rap/hip hop Thái Lan. Ngay lúc này, F.Herro đã khẳng định vị thế rapper biểu tượng của xứ sở chùa Vàng. Nam rapper có nhiều sản phẩm tính bằng chục triệu views trên YouTube. Trên nền tảng Spotify, F.Herro hiện có hơn 1,3 triệu lượt nghe mỗi tháng.
Rapper 41 tuổi có đủ kinh nghiệm, khả năng để ngồi “ghế nóng” ở Rap Việt. Tuy nhiên, khán giả đặt dấu hỏi chấm cho sự xuất hiện của F.Herro tại Rap Việt mùa 4, khi ngôn ngữ sẽ là rào cản để rapper này hòa vào guồng quay chung. Bên cạnh đó, nhiều khán giả thắc mắc khi thị trường nhạc Việt vẫn còn nhiều rapper lão làng và Rap Việt có nhất thiết tìm tới một rapper Thái Lan?
Ở Rap Việt mùa 3, rào cản ngôn ngữ xảy ra với trường hợp của HLV Thái VG. Thái VG là rapper gốc Việt, định cư ở Mỹ lâu năm, do đó không nói sành sỏi tiếng Việt khi làm HLV Rap Việt mùa 3. Thái VG gần như chỉ dùng tiếng Anh để giao tiếp và tham gia biểu diễn cùng thí sinh. Vấn đề này đã ít nhiều làm khổ cho chính Thái VG, với thí sinh và cả khâu biên tập của game show.
Trên lý thuyết, ở vòng Chinh phục, các HLV sẽ lần đầu nghe phần trình diễn của thí sinh, sau đó đánh giá nhanh bằng cảm quan, kinh nghiệm để quyết định có đưa rapper đó về đội hay không. Đặc thù của nhạc rap là nặng về nội dung, có số lượng ca từ rất nhiều so với một sản phẩm đơn thuần của dòng nhạc khác. Khi Thái VG không hiểu thí sinh đang rap gì, vậy đâu là tiêu chí để đánh giá, nhất là với các thể loại đặc thù như storytelling (kể chuyện).
“Với F.Herro, Rap Việt chuyển sang chấm thí sinh bằng flow, giọng rap và beat?”, một khán giả đặt câu hỏi khi game show Rap Việt vốn chật vật vì bài toán Thái VG, nay có thêm F.Herro. Rapper Thái Lan phải làm gì để ngồi “ghế nóng” Rap Việt một cách thoải mái, tự nhiên nhất, tương tự những game show anh đã góp mặt ở quê nhà?
Rào cản ngôn ngữ của một HLV Rap Việt sẽ ảnh hưởng xuyên suốt hành trình game show. Đó là cách HLV huấn luyện thí sinh, đưa ra đánh giá về mặt nội dung, ca từ, khi ở các sản phẩm rap, câu chữ không chỉ là đúng nghĩa, ngữ cảnh, mà cần có yếu tố gieo vần, chơi chữ mang bản sắc ngôn ngữ Việt. Nếu F.Herro ngồi ở cương vị giám khảo, nam rapper vẫn sẽ gặp khó khi cảm thụ các bài thi và đưa ra nhận xét.
Những bài thi ở Rap Việt, đôi khi gây ấn tượng chỉ với một phần ca từ lấy cảm hứng từ ca dao, tục ngữ Việt, hoặc phép ẩn dụ, so sánh, gắn với văn hóa Việt Nam. Ở Rap Việt mùa 3, Thái VG nhạt nhòa hơn phần còn lại, khi đào sâu nhận xét về chất lượng viết ca từ của một thí sinh. F.Herro sẽ gặp đúng vấn đề đó nếu Rap Việt không có phương án giải quyết.
Ngay sau khi Rap Việt công bố mời F.Herro, nhiều làn sóng phản ứng từ cộng đồng rap Việt nói riêng và khán giả âm nhạc nói chung xuất hiện. Những vấn đề Rap Việt có thể đối diện khi đặt niềm tin vào F.Herro đã hiện rõ. Song, đây là nước đi mở ra 2 con đường cho Rap Việt, bên cạnh phản ứng là sự bùng nổ truyền thông.
Bài đăng về F.Herro của Rap Việt hút tương tác khổng lồ, kéo theo loạt nội dung nối đuôi dồn dập để thổi sức nóng cho game show trước ngày lên sóng. Chưa biết F.Herro làm được gì ở cuộc chơi sắp tới, song rapper này sẽ là quân bài truyền thông quan trọng cho Rap Việt mùa 4. Sự góp mặt của F.Herro giúp Rap Việt trước hết có thể mở rộng phạm vi ảnh hưởng đến khán giả rap Thái Lan.
Sự phản ứng của khán giả Việt với F.Herro, chủ yếu vì đây là rapper Thái Lan. Bốn mùa Rap Việt đã qua, ê-kíp của game show 100% là người Việt. Năm ngoái, ngoại lệ xuất hiện khi Rap Việt mời Vanda - rapper số 1 Campuchia - tham gia biểu diễn ở đêm chung kết trao giải. Sự hiện diện của F.Herro ở “ghế nóng” là bước đột phá rất lớn trong dàn bộ sậu chủ chốt của Rap Việt năm nay.
Vậy nhạc Việt đã hết rapper để mời?
Nhiều khán giả chỉ ra nếu không tính dàn HLV, giám khảo cũ ở Rap Việt mùa 3 và SpaceSpeakers, làng rap Việt vẫn còn Đen Vâu, Hưng Cao, Kimmese, Datmaniac và một loạt rapper thuộc thế hệ mở đường dẫn lối của dòng nhạc này.
Với mọi kịch bản cho vị trí “ghế nóng” Rap Việt mùa 4, Đen Vâu là cái tên được chờ đợi nhiều nhất, có đủ yếu tố để tạo ra sự bùng nổ. Song, nguồn tin từ những người trong cuộc tiết lộ Rap Việt đã bất lực trong việc mời nhiều rapper hàng đầu, trong đó có Đen Vâu.
Thị trường rap Việt hiện không thiếu rapper lão làng, đủ chuyên môn và kinh nghiệm để ngồi “ghế nóng”. Tuy nhiên, Rap Việt không phải game show chỉ để tìm ra rapper giỏi nhất theo đúng bản sắc rap. Thay vào đó, tính chất của một game show đưa Rap Việt rẽ sang nhiều lối thoát khỏi phạm vi rap. Trước khi làm sứ mệnh “lăng xê” một thí sinh thành ngôi sao, Rap Việt phải giải quyết bài toán mang tính sống còn của họ, là làm sao để game show có sức ảnh hưởng.
Việc Rap Việt tuyển chọn HLV, giám khảo, không phụ thuộc hoàn toàn vào yếu tố chuyên môn. Những người ngồi “ghế nóng” Rap Việt 4 mùa qua, đa số chưa chắc được giới rap thật sự công nhận về chuyên môn, song ở họ có sự hài hòa, là chuyên môn ở mức vừa đủ trở lên và đáp ứng tiêu chí có độ nổi tiếng nhất định. Sự hợp lực của dàn HLV, giám khảo nổi tiếng, bùng nổ mạng xã hội mới chính là chất xúc tác quan trọng nhất để Rap Việt giữ vị thế game show hot nhất làng giải trí 4 năm qua.
Trên lý thuyết, Rap Việt có nhiều phương án để chọn HLV và giám khảo. Song, chắt lọc sau nhiều yếu tố, thực tế Rap Việt không có nhiều lựa chọn. Họ vẫn phải xoay vòng những gương mặt cũ và nỗ lực tìm nhân tố mới. Khi chưa thể tìm ra nhân tố mới đủ chất lượng ở rap Việt, chuyện game show đánh cược vào F.Herro không phải điều gì đó quá điên rồ.