“Quy tắc một lần chạm” có thể giữ cho ngôi nhà của bạn luôn ngăn nắp

Lam Anh, Theo Phụ nữ Việt Nam 19:30 25/12/2022

Phần lớn sự vô tổ chức và lộn xộn của chúng ta bắt nguồn từ sự trì hoãn những việc cần làm. Chuyện dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa cũng thế!

Dù bỏ ra nhiều thời gian để dọn dẹp nhà cửa trong 1 ngày, nhà trông vẫn bừa bộn và lộn xộn có lẽ là vấn đề của không ít người. Chúng ta sẽ không thể giải quyết triệt để vấn đề này nếu không thực sự biết lý do là gì.

Có nhiều người sẽ đoán lý do là bởi lối sống, thói quen chưa thực sự gọn gàng. Song, đó chỉ là 1 phần và đôi khi, nó còn nằm ở cách bạn dọn dẹp nhà cửa nữa đấy!

"Quy tắc một lần chạm" trong dọn dẹp nhà cửa là gì?

“Quy tắc một lần chạm” có thể giữ cho ngôi nhà của bạn luôn ngăn nắp - Ảnh 1.

Các bạn có thể vừa giặt đồ vừa nghe nhạc hay làm gì cũng được, miễn là bạn không để quá trình này gián đoạn, kéo dài tới ngày hôm sau. Ảnh minh họa.

"Quy tắc một lần chạm" - đúng như tên gọi của nó, nghĩa là bạn chỉ chạm vào 1 việc gì đó duy nhất 1 lần. Ví dụ, giặt đồ chẳng hạn, bạn chỉ nên thực hiện duy nhất 1 lần toàn bộ các quá trình, bao gồm cả việc phân loại đồ, giặt đồ cho tới phơi khô, thậm chí là gấp quần áo.

Có nhiều người thường thực hiện quá trình này 1 cách rời rạc và đó là lý do 1 đầu việc giặt quần áo có thể bị kéo dài tới 2, 3 ngày chỉ vì sự trì hoãn. Lúc này, bạn đương nhiên phải sử dụng lần chạm thứ 2 để kết thúc việc giặt giũ quần áo.

Hoặc giả, 1 ví dụ dễ hiểu hơn là, khi trở về, bạn cởi áo khoác và vứt ngay ra sofa. Vậy thì sau đó, bạn sẽ phải nhặt nó lên để cất nó đi, tương đương với hai lần chạm. Trong khi ngay từ đầu, bạn có thể thực hiện 1 thao tác liền mạch, nghĩa là chỉ cần treo nó vào đúng vị trí ngay khi bước vào nhà.

Tuy nhiên, cam kết với quy tắc này không chỉ là vấn đề của dọn dẹp nhà cửa hay sự bừa bộn.

“Quy tắc một lần chạm” có thể giữ cho ngôi nhà của bạn luôn ngăn nắp - Ảnh 2.

Đừng chọn "multitask" nếu bạn không thể tập trung, ngay cả trong vấn đề dọn dẹp nhà cửa. Ảnh minh họa.

Việc tuân theo khái niệm này cũng hạn chế thói quen thực hiện các đầu việc khác trong cuộc sống 1 cách dang dở, vì nó tạo nên cho bạn 1 thói quen chỉ bắt đầu những việc mà bạn biết mình có thể hoàn thành.

Chẳng hạn, nếu bạn chỉ có 2 phút trước khi phải chạy ra khỏi cửa, thì việc mở 30 chiếc email chưa đọc có lẽ không phải là cách sử dụng thời gian hiệu quả nhất. Trong khoảng thời gian đó, bạn đọc được 1 cái, nhưng bạn vẫn còn 29 chiếc mail khác và bạn có thể sẽ không có đủ thời gian và năng lượng cần thiết để hoàn thành nốt. Như vậy, đầu việc này sẽ bị bỏ dở và bạn phải tiếp tục đọc mail và hoàn thành các đầu việc (có thể) được giao trong mail vào 1 thời điểm khác.

Điều này không xấu, nhưng hãy dám chắc, đọc xong chiếc mail đầu tiên sẽ không làm ảnh hưởng gì tới tâm trạng và cảm xúc của bạn để bạn mong muốn thực hiện tiếp việc này. Bởi nếu không, rất có thể bạn sẽ cần nhiều thời gian hơn để đọc và hoàn thành công việc trong mail.

Mặc dù “quy tắc một lần chạm” không phù hợp với mọi lĩnh vực trong cuộc sống, nhưng phần lớn sự vô tổ chức và lộn xộn của chúng ta bắt nguồn từ sự trì hoãn những việc cần hành động.

Tư duy về chiến lược này có thể thay đổi cách bạn sắp xếp thời gian và tổ chức cuộc sống của mình. Nó cũng giúp ích cho sự quyết đoán của bạn. Bạn sẽ hình thành được tư duy cần đưa ra quyết định ngay lập tức và luôn tiến về phía trước, loại bỏ sự trì trệ không đáng có.

Bạn có thể sẽ mất 1 thời gian khá dài để làm quen. Tuy nhiên, 1 khi đã làm được rồi, chắc chắn cuộc sống của bạn sẽ thay đổi. Cách bạn nhìn nhận và hoàn thành nhiệm vụ sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian và năng lượng ngay khi bạn bắt đầu.