Khi còn đi học, tôi cũng lên kế hoạch cho tất cả mọi việc sau giờ học. Nhưng sau khi đi làm, tôi đột nhiên phát hiện ra mình chỉ muốn nghỉ ngơi sau giờ làm việc. Bất kể khi tôi trở về nhà sau một ngày dài ở công ty, tôi chỉ có thể làm những điều gì đó không liên quan đến trí tuệ nữa. Mở Netflix cũng chỉ để phim chạy đi mà chẳng đọng được gì trong đầu, lướt Facebook, Instagram cũng chỉ cảm thấy nặng đầu hơn. Tuy mệt mỏi, nhưng tôi không thể ngủ trước 12 giờ đêm, có khi sự mất ngủ kéo dài đến 3 giờ sáng. Chưa kịp nhắm mắt, báo thức đã réo đến giờ đi làm. Một vòng luẩn quẩn này cứ kéo dài đến cuối tuần, để tối chủ nhật lại thức khuya, sáng thứ 2 lại cảm thấy mệt mỏi.
Nếu bạn hỏi tôi rằng điều gì có thể khiến một ngày của tôi hạnh phúc, thì tôi sẽ nói với bạn là: Được ở bên gia đình, ăn ngon, có những cuộc trò chuyện với bạn bè thật ý nghĩa, tìm hiểu những điều thú vị trên thế giới hay là bàn về những chuyến đi xa. Còn vào buổi tối, thì tôi sẽ trả lời đó là đọc hết 7749 bình luận cãi nhau trên mạng xã hội của hai người xa lạ nào đó. Chắc cũng có nhiều người như vậy đấy.
Hoặc khi hỏi bất cứ vị phụ huynh nào đó về việc giết thời gian như thế nào, họ sẽ có cùng câu trả lời: "Thành thật mà nói, tôi thực sự không biết mình đã sử dụng thời gian rảnh như thế nào trước khi sinh con". Câu trả lời của họ chính là không biết, và bây giờ đến lượt bạn, bạn hãy điền vào chỗ trống ấy. Khi chúng ta không lên kế hoạch, chúng ta thường lựa chọn xem phim hoặc chơi game, vì những việc này tốn ít công sức hơn so với tìm việc gì đó để làm. Họ gọi đây là "cách để ít phải nỗ lực nhất". Để nhận thức rõ hơn về những cơ hội có thể quyết định cải thiện cuộc sống của bản thân, chúng ta cần hình thành thói quen thực hiện những "việc ít nỗ lực nhất” một cách tốn công sức. Và phương pháp ấy có tên là quy tắc 20 phút.
Từ khi tôi biết đến quy tắc 20 phút trong bài viết của Evan DeFilippis, tôi nghĩ mình có thể sẽ thay đổi được khoảng thời gian trở về nhà sau khi làm việc mệt mỏi. Ngay khi về nhà, tôi buộc mình phải dành ít nhất 20 phút để làm những việc sau: làm một bài viết về một chủ đề bất kỳ, đọc sách, tập chơi cờ vua, học ngoại ngữ với chiếc máy tính (tôi hạn chế sử dụng điện thoại hết sức có thể), tập guitar, tập các bài kéo cơ để cải thiện sự linh hoạt của cơ thể và cuối cùng là ngồi thiền. Bạn có thể sắp xếp các hoạt động này theo sở thích của mình, nhưng có một quy tắc đó là không sử dụng điện thoại.
Một khi bạn đã dành hết mình cho 20 phút này, bạn sẽ thấy rằng mình vẫn còn năng lượng để tiếp tục một buổi tối. Sau một vài tuần, bạn đã có thể đọc xong một quyển sách, tập đàn xong một bài hát, cơ thể dẻo dai hơn... Đối với nhiều người thì đó cũng là một điều đáng để khao khát. Nếu bạn không đủ năng lượng cho 20 phút này, thậm chí không đủ can đảm để bắt đầu, thì tốt nhất bạn nên đi ngủ. Xem Netflix cho đến khi bạn cảm thấy mệt mỏi thực sự, nó là việc vô ích khi chỉ khiến bạn thêm mệt mỏi vào ngày hôm sau. Bạn cần hình thành thói quen ngủ khi còn một ít năng lượng chứ không phải để bản thân thực sự cạn pin rồi nằm nhìn trần nhà, chờ sạc lại.
Chìa khoá để cải thiện khoảng thời gian tan sở đầy mệt mỏi này chính là nhận ra rằng bất kỳ bước tiến nào cũng sẽ đưa bạn đến gần hơn mục tiêu của mình. Mọi người thường không thể dành thời gian để làm những gì họ thật sự muốn làm, nhưng họ có thể tìm thấy thời gian để làm những việc họ biết rằng không thể cải thiện bản thân. Nếu chúng ta muốn làm một điều gì đó nhỏ nhặt, chẳng hạn như gặp đồng nghiệp vào bữa trưa, chúng ta sẽ note lại trên lịch để bàn và thực hiện nó. Còn chúng ta sẽ chẳng bao giờ đánh dấu 20 phút trên lịch để nhắc nhở mình sẽ đọc sách, nhắc nhở bản thân muốn trở thành con người như thế nào.
Chỉ 20 phút thôi cũng có thể thay đổi được cách sống của bạn. Dù mệt mỏi sau tan sở nhưng hãy để mọi thứ đâu vào đấy một cách lành mạnh, có một cơ thể khoẻ mạnh, đời sống tâm hồn phong phú còn tận hưởng cuộc sống.
Ảnh minh hoạ