Bầy chó sủa và nhìn chằm chằm khi Kim Jong-kil bước đến gần những chiếc lồng rỉ sét chứa những con vật lớn, lông ngắn mà ông nuôi bán lấy thịt. Ông Kim mở cửa và vuốt ve cổ và ngực một chú chó trong lồng.
Kim nói rằng ông tự hào về trang trại thịt chó đã nuôi sống gia đình ông trong 27 năm qua nhưng ông cảm thấy khó chịu trước những nỗ lực ngày càng tăng của các chính trị gia và các nhà hoạt động nhằm biến công việc kinh doanh này trở thành điều phạm pháp. Được biết, ông có kế hoạch chuyển giao trang trại cho các con của mình.
"Nó không chỉ là cảm giác tồi tệ. Tôi hoàn toàn phản đối những động thái này và chúng tôi sẽ huy động mọi biện pháp để phản đối", ông Kim, 57 tuổi, cho biết trong một cuộc phỏng vấn tại trang trại của ông ở thành phố Pyeongtaek, phía Nam Seoul.
Ăn thịt chó là một tập tục có từ nhiều thế kỷ ở bán đảo Triều Tiên và từ lâu đã được coi là "nguồn năng lượng" trong những ngày hè nóng bức. Việc ăn thịt chó không bị cấm rõ ràng cũng như không được hợp pháp hóa ở Hàn Quốc, nhưng ngày càng có nhiều người muốn nó bị cấm.
Nhận thức cộng đồng về quyền động vật ngày càng tăng theo cùng những lo lắng về hình ảnh của Hàn Quốc trên thế giới.
Chó tại một trang trại ở Pyeongtaek (Ảnh: Ahn Young-joon/AP Photo)
Chiến dịch chống thịt chó gần đây đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ khi đệ nhất phu nhân Hàn Quốc bày tỏ sự ủng hộ đối với lệnh cấm và hai nhà lập pháp đã đệ trình dự luật để loại bỏ việc buôn bán thịt chó.
"Người nước ngoài nghĩ Hàn Quốc là một cường quốc về văn hóa. Nhưng văn hóa Hàn Quốc càng nâng cao vị thế quốc tế của mình, người nước ngoài càng cảm thấy sốc hơn về việc tiêu thụ thịt chó tại nước này", Han Jeoung-ae, một nhà lập pháp đối lập, người đã đệ trình dự luật cấm ăn thịt chó, cho biết.
Triển vọng thông qua luật chống thịt chó là khá khó đoán vì vấp phải sự phản đối của nông dân, chủ nhà hàng và những người khác liên quan đến ngành công nghiệp thịt chó. Các cuộc khảo sát cho thấy 1/3 người Hàn Quốc phản đối lệnh cấm như vậy, mặc dù hầu hết mọi người không còn ăn thịt chó nữa.
Số lượng trang trại trên khắp Hàn Quốc đã giảm một nửa so với vài năm trước xuống còn khoảng 3.000 đến 4.000 và khoảng 700.000 đến 1 triệu con chó bị giết mổ mỗi năm, giảm so với vài triệu con cách đây 10 đến 20 năm, theo những người nuôi chó. Một số nhà hoạt động lập luận rằng ước tính của nông dân là một "sự phóng đại" để cho thấy rằng ngành công nghiệp của họ quá lớn để bị xóa sổ.
Vào cuối năm 2021, Hàn Quốc đã thành lập một lực lượng chuyên trách chính phủ - dân sự để xem xét việc cấm thịt chó theo đề xuất của Tổng thống khi đó là Moon Jae-in, một người yêu thú cưng. Ủy ban này, có các thành viên bao gồm nông dân và các nhà hoạt động vì quyền động vật, đã họp hơn 20 lần nhưng không đạt được thỏa thuận nào, rõ ràng là do tranh chấp về vấn đề bồi thường.
Vào tháng 4, đệ nhất phu nhân Kim Keon-hee, phu nhân của Tổng thống Yoon Suk-yeol, cho biết trong một cuộc họp với các nhà hoạt động rằng bà hy vọng Hàn Quốc sẽ chấm dứt việc ăn thịt chó. Nhiều nông dân đã phản ứng bằng các cuộc biểu tình và khiếu nại vì làm tổn hại đến sinh kế của họ.
Han Jeoung-ae, ở giữa, một nhà lập pháp Đảng Dân chủ Tự do đối lập, và các nhà hoạt động vì quyền động vật tổ chức một cuộc biểu tình phản đối văn hóa ăn thịt chó truyền thống của Hàn Quốc ở Seoul (Ảnh: Ahn Young-joon/AP)
Một nhà lập pháp tên Han cho biết bà "đánh giá cao tích cực" những nhân vật có ảnh hưởng lên tiếng phản đối việc ăn thịt chó.
Han cho biết dự luật của cô đưa ra các chương trình hỗ trợ cho những nông dân đồng ý đóng cửa trang trại của họ. Cô cho biết họ sẽ được nhận tiền để tháo dỡ cơ sở vật chất, được đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm và các lợi ích khác.
Ju Yeongbong, một quan chức của hiệp hội nông dân, cho biết nông dân muốn tiếp tục hoạt động trong khoảng 20 năm nữa cho đến khi những người lớn tuổi - nhóm khách hàng chính của họ qua đời - và làm cho ngành công nghiệp này biến mất một cách tự nhiên. Các nhà quan sát cho biết hầu hết nông dân cũng ở độ tuổi 60 hoặc 70.
Borami Seo, giám đốc Văn phòng Hàn Quốc của Tổ chức Nhân đạo Quốc tế, cho biết bà phản đối việc tiếp tục giết hàng triệu con chó trong một thời gian dài như vậy. "Để sự tàn ác thầm lặng này diễn ra đối với loài chó là điều vô nghĩa", bà Seo nói.
Cheon Jin-kyung, người đứng đầu Tổ chức ủng hộ quyền động vật Hàn Quốc tại Seoul, cho biết: "Việc tiêu thụ thịt chó đã quá lỗi thời, có yếu tố tàn ác với động vật và cản trở sự phát triển của quốc gia chúng ta".