"Quốc bảo" chỉ Việt Nam mới có: Đắt đỏ, quý hiếm bậc nhất thế giới, nhắm giấc mơ tỷ đô

Ngọc Minh, Theo doisongphapluat.nguoiduatin.vn 15:05 10/04/2025
Chia sẻ

Đây là loài cây chỉ có duy nhất ở Việt Nam, giá trị đắt đỏ nhưng vẫn được nhiều người săn lùng sở hữu.

Sâm Ngọc Linh là giống sâm quý hiếm của Việt Nam. Theo tầm nhìn chiến lược trong “Chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2045”, Việt Nam sẽ phấn đấu trở thành một trong những quốc gia sản xuất sâm hàng đầu thế giới.

Cũng theo định hướng này, ngành sâm Việt Nam được kỳ vọng phát triển theo hướng đưa loại cây dược liệu đặc hữu này trở thành “Quốc bảo”, cây “quốc kế dân sinh”.

PGS.TS Trần Văn Ơn – nguyên Trưởng bộ môn Thực vật, Trường Đại học Dược Hà Nội và Cố vấn Chương trình OCOP Việt Nam – cho biết: “Sâm Ngọc Linh là loài đặc hữu, chỉ Việt Nam mới có. Đây là cơ hội và tiềm năng rất lớn để phát triển. Tuy nhiên, để hiện thực hóa giấc mơ doanh thu tỷ đô, cần có chiến lược bài bản, dài hơi”.

"Quốc bảo" chỉ Việt Nam mới có: Đắt đỏ, quý hiếm bậc nhất thế giới, nhắm giấc mơ tỷ đô- Ảnh 1.

Sâm Ngọc Linh.

Sâm Ngọc Linh (tên khoa học: Panax vietnamensis) là thảo dược quý hiếm được phát hiện tại vùng núi Ngọc Linh, thuộc hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam.

PGS.TS Ơn nhận định: “Việc phát triển một loài cây dược liệu có tính đặc hữu là một lợi thế lớn – theo cách nói dân gian là ‘một mình một chợ’”.

Nhà khoa học Bùi Đắc Sáng (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cũng cho biết: “Sâm Ngọc Linh được đánh giá là một trong những loại nhân sâm tốt nhất thế giới nhờ hàm lượng saponin cao. Tuy nhiên, để nâng tầm giá trị của sâm Việt, cần có thêm nhiều công trình nghiên cứu chuyên sâu”.

Về kinh tế, sâm Ngọc Linh có giá trị rất cao. Tùy vào độ tuổi và kích thước của củ, giá sâm dao động từ khoảng 55 triệu đến hơn 200 triệu đồng/kg. Ví dụ, sâm trồng loại 10–12 củ/kg có giá khoảng 55 triệu đồng/kg; sâm tự nhiên loại 4–5 củ/kg khoảng 90 triệu đồng/kg.

Sâm Ngọc Linh trên 20 năm tuổi, trọng lượng lớn có thể đạt giá rất cao – từng có củ nặng 1 kg được bán với giá 868 triệu đồng tại phiên chợ sâm huyện Nam Trà My.

Giữ rừng để phát triển bền vững

Sâm Ngọc Linh là loài dược liệu đặc hữu, được xem là “quốc bảo” của Việt Nam, đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế bền vững tại các vùng núi cao như Kon Tum và Quảng Nam.

Theo ông Sáng, sâm Ngọc Linh chỉ sinh trưởng tốt ở độ cao trên 1.200m, dưới tán rừng rậm rạp, có độ ẩm cao và ánh sáng tán xạ. Điều này khiến người dân buộc phải bảo vệ rừng để duy trì môi trường thích hợp cho sâm phát triển.

Nhiều địa phương đã tiến hành khoanh vùng và bảo vệ nghiêm ngặt rừng tự nhiên nhằm phát triển vùng trồng sâm, từ đó góp phần duy trì hệ sinh thái rừng nguyên sinh quý hiếm.

Mô hình trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng là mô hình kinh tế lâm nghiệp bền vững, kết hợp hài hòa giữa lợi ích kinh tế và công tác bảo vệ rừng. Người dân và doanh nghiệp đầu tư trồng sâm có thu nhập cao, từ đó tự nguyện tham gia bảo vệ rừng.

Ông Sáng cho biết thêm, khu vực trồng sâm thường là rừng già có hệ sinh thái phong phú. Việc giữ rừng để trồng sâm cũng góp phần bảo vệ môi trường sống của nhiều loài động – thực vật quý hiếm, trong đó có những loài đang có nguy cơ tuyệt chủng.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày