Sư Tử Ăn Chay xin lỗi vì tự kiểm định kẹo Kera, nhưng luật sư khẳng định điều bất ngờ

Minh Ngọc, Theo doisongphapluat.nguoiduatin.vn 20:50 13/04/2025
Chia sẻ

Luật sư Diệp Năng Bình cho biết, căn cứ các quy định của pháp luật thì hiện nay không có quy định cấm và không hạn chế người tiêu dùng mang sản phẩm đi kiểm nghiệm.

Mới đây, TikToker Sư Tử Ăn Chay (tên thật Lâm Quách) — người đầu tiên mang kẹo rau củ Kera của Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục đi kiểm định — đã bất ngờ đăng video xin lỗi trên trang cá nhân.

Trong video, anh cho biết đã nhận ra sai sót sau khi đọc bài phân tích của một chuyên gia truyền thông, cho rằng hành động mang sản phẩm đi kiểm định rồi công bố kết quả lên mạng là sai quy trình, thậm chí có thể đưa bản thân vào rủi ro pháp lý.

Sư Tử Ăn Chay xin lỗi vì tự kiểm định kẹo Kera, nhưng luật sư khẳng định điều bất ngờ- Ảnh 1.

Luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng VP Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP HCM)

Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV, luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng VP Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP HCM) cho biết, Bộ luật Dân sự 2015, Luật an toàn thực phẩm 2010, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 và các văn bản pháp luật khác, không có quy định cụ thể, rõ ràng về việc “không cấm hay hạn chế người tiêu dùng kiểm nghiệm thực phẩm”.

Thứ nhất, tại Điều 5 Luật An toàn thực phẩm 2010 và Điều 10 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 (những hành vi bị nghiêm cấm đối với việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và an toàn thực phẩm), không có các hành vi bị cấm hay hạn chế người tiêu dùng được quyền mang sản phẩm mà họ đã mua đi kiểm nghiệm tại các đơn vị kiểm nghiệm.

Thứ hai, giữa người tiêu dùng và người bán sản phẩm đã hình thành quan hệ mua bán sản phẩm, do đó, việc người bán sản phẩm công bố các tiêu chí về: tính chất, công dụng, thành phần, chất lượng của sản phẩm phải đáp ứng dựa trên sự thống nhất, thoả thuận theo đúng nội dung đã công bố.

Theo Khoản 2, Điều 432 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về trường hợp tiêu chuẩn về chất lượng của sản phẩm đã được công bố thì toàn bộ thông tin sản phẩm này phải đúng, phù hợp, không được thấp hơn so với chất lượng đã công bố và khoản 3 của Điều này, nếu các bên không có thoả thuận khác về chất lượng sản phẩm thì mặc nhiên những tiêu chí đã công bố được áp dụng.

Sư Tử Ăn Chay xin lỗi vì tự kiểm định kẹo Kera, nhưng luật sư khẳng định điều bất ngờ- Ảnh 2.

TikToker Sư Tử Ăn Chay (tên thật Lâm Quách) - người đầu tiên mang kẹo rau củ Kera của Quang Linh Vlogs, Hằng Du Mục đi kiểm định - đăng video trên trang cá nhân, bất ngờ lên tiếng xin lỗi.

Trở lại vấn đề, luật sư cho rằng, căn cứ các quy định của pháp luật thì hiện nay không có quy định cấm và không hạn chế người tiêu dùng mang sản phẩm đi kiểm nghiệm.

Cụ thể:

Một là, việc mang đi kiểm nghiệm này không trái với các quy định chung của pháp luật đối với hành vi nghiêm cấm, về thoả thuận quy định chất lượng sản phẩm đã công bố.

Hai là, người tiêu dùng thực phẩm có quyền: được cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đúng với nội dung đã giao kết (khoản 3, Điều 4 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023), quyền được yêu cầu cung cấp thông tin trung thực về an toàn thực phẩm và có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của pháp luật (Điểm a  và điểm b khoản 1 Điều 9 Luật an toàn thực phẩm 2010).

Ba là, nếu người tiêu dùng có sự nghi ngờ về chất lượng sản phẩm đã công bố, họ có thể có quyền đề nghị một tổ chức kiểm nghiệm, kiểm tra các thông tin, chất lượng sản phẩm trên các nhãn mác, bao bì đã công bố để đảm bảo sự trung thực, an toàn về sức khoẻ như nội dung đã công bố.

Tại điểm a, Khoản 1, Điều 45 Luật An toàn thực phẩm 2010, cá nhân khác có liên quan có quyền yêu cầu kiểm nghiệm thực phẩm. Việc kiểm nghiệm cần phải trải qua một loạt các thử nghiệm, đánh giá phù hợp dựa trên quy chuẩn và tiêu chuẩn đối với sản phẩm và các chất có trong sản phẩm (Khoản 2, Điều 7 Luật An toàn thực phẩm 2010), người tiêu dùng không thể thực hiện được, do đó cần có một tổ chức chuyên môn thẩm định, như các đơn vị Quatest 1, 2, 3 là các đơn vị có thẩm quyền, chuyên môn được cấp phép kiểm nghiệm, đáp ứng đủ các tiêu chí kiểm nghiệm (như Quatest 2 là đơn vị chuyên môn thẩm định độc quyền theo chỉ định của các Bộ quản lý chuyên ngành về chất lượng sản phẩm, hàng hoá…).

“Có thể thấy, pháp luật Việt Nam không có quy định khung, hoặc trực tiếp cấm hay hạn chế người tiêu dùng kiểm nghiệm thực phẩm. Cần nhận thấy, hiện nay, chính sách của Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đang có xu hướng khuyến khích tạo điều kiện cho người tiêu dùng tự mình chủ động trong các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng một cách hợp pháp, văn minh, đúng pháp luật”, luật sư Diệp Năng Bình nêu quan điểm.

Sư Tử Ăn Chay xin lỗi vì tự kiểm định kẹo Kera, nhưng luật sư khẳng định điều bất ngờ- Ảnh 3.

Mặc dù hãng đã lên tiếng thông tin về hàm lượng chất xơ có trong sản phẩm nhưng dư luận vẫn đặt nhiều câu hỏi

Hôm 12/2, TikToker Sư Tử Ăn Chay (tên thật Lâm Quách) đăng video "bóc tách" kẹo Kera, cảnh báo người dùng cẩn thận với một sản phẩm được thổi phồng công dụng.

Ngày 4/3, TikToker cho biết đã mang kẹo Kera đi kiểm định tại Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng 2, kết quả cho thấy cả hộp 30 viên nhưng lượng chất xơ chỉ có 0,51 gram, không như quảng cáo.

Sau đó,  đơn vị sản xuất kẹo Kera công bố kết quả kiểm định tại Trung tâm Kiểm nghiệm và Tư vấn Ứng dụng Khoa học Avatek. Trong đó, mỗi 100 g sản phẩm chứa khoảng 5,8 g chất xơ Inulin và 0,93 g chất xơ tổng.

Vào cuộc điều tra, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định việc sản phẩm kẹo rau củ Kera quảng cáo sai sự thật trên các nền tảng mạng xã hội đã gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi người tiêu dùng, nên phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh Đắk Lắk, Công an TP HCM và các đơn vị nghiệp vụ điều tra, xác minh các hành vi vi phạm. Hiện, nhà chức trách tiếp tục điều tra mở rộng vụ án, làm rõ toàn bộ sai phạm của các cá nhân liên quan để xử lý.     

        

        

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày