Queen of Tears (Nữ Hoàng Nước Mắt) là tựa phim Hàn Quốc hot nhất nhì thời điểm hiện tại. Phim liên tục đạt được những thành tích khủng, thực sự xứng tầm là bom tấn của năm. Rating chạm mốc 13%, tăng gấp đôi chỉ sau 4 tập, lọt top 1 Netflix tại 13 quốc gia cũng nằm trong top 10 của hầu hết những quốc gia có bản quyền phát sóng.
Sức ảnh hưởng mạnh mẽ này hoàn toàn không có gì bất ngờ, khi phim đánh dấu sự trở lại của “ông hoàng cát-xê” Kim Soo Hyun sau 3 năm kể từ bộ phim gần nhất. Anh còn tái hợp với vị biên kịch đứng sau thành công của hàng loạt những huyền thoại truyền hình Hàn như Vì Sao Đưa Anh Tới, Huyền Thoại Biển Xanh, Hạ Cánh Nơi Anh,... Chưa cần bàn tới sự góp mặt của nữ chính Kim Ji Won hay dàn cast phụ toàn những gương mặt xuất sắc, chỉ riêng màn tái ngộ của biên kịch Park với mỹ nam Kim Soo Hyun cũng đủ để khán giả tin chắc vào một sự bùng nổ mạnh mẽ. Và quả nhiên hiện Queen of Tears đang trở thành hiện tượng màn ảnh Hàn, hâm nóng lại khung giờ phim cuối tuần của đài tvN và hứa hẹn sẽ xô đổ những kỷ lục rating của nhà đài trong tương lai gần. Vậy chất lượng phim có thực sự xứng đáng với sức hot hiện tại của nó, hay phim chỉ được quan tâm bởi độ “máu mặt” của cả ekip?
Thoạt nhìn thoáng qua thì Queen of Tears có vẻ giống với những bộ phim về tình yêu và đấu đá giới tài phiệt khác. Biên kịch Park, người nổi tiếng với phong cách hài hước lãng mạn, dường như cũng mang yếu tố quen thuộc này đến với tác phẩm mới nhất. Người xem từng lo sợ, Queen of Tears sẽ cũ kỹ, không thể vượt qua những khuôn sáo quen thuộc của chính Park Ji Eun từ thời Vì Sao Đưa Anh Tới đến Hạ Cánh Nơi Anh. Nhưng không hề, Queen of Tears chứng minh được nó là một kịch bản rất mới, vẫn là chuyện tình yêu nam nữ, vợ chồng nhưng đã vượt qua những công thức quen thuộc của phim truyền hình Hàn thường thấy.
Queen of Tears có thể coi là phiên bản nam của câu chuyện “Công chúa lọ lem”. Trên màn ảnh Hàn, những bộ phim về giới tài phiệt, nhất là nàng dâu tài phiệt nhiều vô kể. Nhưng phim về rể tài phiệt như Queen of Tears lại là trường hợp hợp hiếm gặp. Con rể Baek Hyun Woo (Kim Soo Hyun) của tập đoàn Queens lừng danh phải sống như một nàng Lọ Lem, một cô con dâu trong nhà. Khán giả không khỏi buồn cười khi thấy cảnh anh ta cùng rất nhiều chàng rể khác trong họ tộc cùng lo toan cho các nghi lễ cúng bái tổ tiên của gia đình vợ. Đáng nói hơn khi việc này lặp đi lặp lại tới 15 lần mỗi năm và con trai, con gái, thậm chí là dâu hay cả giúp việc trong nhà đều không phải/ không muốn động tay vào. Đó là sự thay đổi hoàn toàn về vai trò truyền thống của nam - nữ giới về định nghĩa “thuyền theo lái, gái theo chồng” mà chúng ta đã quá quen thuộc trong các bộ phim truyền hình và cả văn hoá châu Á nói chung. Một sự thay đổi mới lạ và thực sự phát huy xuất sắc vai trò gây cười của nó. Ngay cả việc Hyun Woo khóc lóc vật vã trong bếp với một chiếc tạp dề nhất định phải là màu hồng cũng cho thấy sự đảo chiều trong câu chuyện giới tính và vai trò truyền thống của từng giới trong câu chuyện này.
Thêm vào đó, trong khi hầu hết các bộ phim tình cảm đều bắt đầu với công thức chung: gặp gỡ - yêu đương - kết hôn hoặc kết hôn - đổ vỡ - thù hằn thì Queen of Tears lại đi ngược lại. Phim mở đầu với một mối quan hệ nguội lạnh, một cặp vợ chồng không biết cách yêu và quên mất mình từng yêu. Họ không cố tình hàn gắn nhưng lại dần tự nảy sinh sự gắn kết. Bởi lẽ tình yêu giữa họ hoàn toàn chưa “chết”. Khán giả tò mò muốn xem họ sẽ hâm nóng sự nguội lạnh ra sao và hơn hết là muốn biết những gì đã xảy ra trong quá khứ, khiến Hyun Woo và Hae In lại xa cách nhau. Kết quả dù vấn đề mà nữ chính đang phải đối diện liên quan tới cả sinh mạng nhưng phim vẫn như một vở hài kịch bắt đầu từ những sai lầm của một cặp vợ chồng đang đối mặt với khủng hoảng ly hôn. Khán giả sẽ được thấy vấn đề của các nhân vật trong phim không phải sự bất hạnh, bi kịch mà là họ đang đối diện với cơn khủng hoảng và buộc phải giải quyết nó trước khi nó thực sự trở thành bi kịch.
Một trong những lý do khiến Queen of Tears khác biệt với nhiều bộ phim về tình yêu, hôn nhân, tài phiệt thông thường là bởi nó thuộc thể loại hài đen. Chính bởi vậy mà suốt những tập đầu, câu chuyện tưởng như bi kịch của cặp chính lại trở thành tình tiết gây cười nhiều nhất. Khán giả liên tục được thấy những tình tiết gây cười có phần khá “dị” với phim Hàn nói chung. Tiêu biểu như việc Hyun Woo ăn mừng khi thấy vợ sắp chết hay cảnh tượng anh ta khóc lóc ầm ĩ lúc đi nhậu trong sự kiểm soát của hai “chuyên gia” luôn đi theo anh để ngăn chặn những sự cố xảy ra, có thể làm xấu mặt tập đoàn nhà vợ. Ngay cả cảnh Hyun Woo vào bếp cùng hội các con rể hay khi anh đến gặp bác sĩ tâm lý, kể về việc “sếp của mình là vợ, sếp của vợ là bố vợ, sếp của bố vợ là ông nội vợ”,… cũng liên tục mang đến những tiếng cười đầy trào phúng cho khán giả.
Không thể phủ nhận những tình huống hài hước hơi khác thường này đã khiến phim được chú ý nhiều hơn nhưng nó đôi khi cũng phản tác dụng. Nói thêm về định nghĩa hài đen, đây là thể loại mang đến tiếng cười dựa trên các vấn đề lẽ ra không đáng buồn cười, ví dụ: kinh dị, giết người, thiên tai, bệnh tật, phân biệt chủng tộc, giới tính,… Tuy nhiên, hài đen không phải tạo ra những tình tiết hài hước dễ dãi mà là những tiếng cười đầy sâu cay, nhiều ẩn ý. Với Queen of Tears, việc tạo ra tiếng cười từ một tình tiết không đáng cười, cụ thể là chuyện Hyun Woo đối phó với bệnh tình của vợ, vô tình lại khiến một bộ phận khán giả cảm thấy khó chịu. Ngay từ tập 2, không ít khán giả đã phải đặt ra dấu hỏi lớn về thiết lập nhân vật nam chính. Hyun Woo quá vui trước việc vợ anh chỉ còn sống được 3 tháng và khán giả liên tục bị/được chọc cười bằng niềm vui này của nam chính. Một niềm vui bị cho là vị kỷ và tàn nhẫn, một cách chọc cười khá “vô duyên” với một bộ phận khán giả.
Tuy nhiên nói đi cũng phải nói lại, niềm vui của Hyun Woo chỉ là sự bộc phát nhất thời mà rõ ràng là cũng không quá khó hiểu. Nó có thể gây khó chịu cho nhiều khán giả nhưng nếu chỉ nhìn qua bề nổi là những gì đã xảy ra là cũng đủ hiểu Hyun Woo khốn khổ và khao khát giải thoát ra sao. Trong khi việc Hae In mất có thể là cách giải thoát duy nhất để anh có thể “toàn mạng” thoát khỏi gia đình vợ. Một người đàn ông đi “làm dâu”, trải qua quá nhiều vấn đề khiến anh ta thậm chí còn mắc bệnh tâm lý, thì một vài hành động bột phát trong lúc nhìn thấy tia hy vọng duy nhất của đời mình, có lẽ cũng không đến độ bị cho là “không thể chấp nhận”.
Không thể phủ nhận việc thành công hiện tại của Queen of Tears, phần lớn đến từ sức ảnh hưởng của cặp đôi chính. Kim Soo Hyun một lần nữa chứng minh mình thực sự xứng đáng với danh xưng “ông hoàng cát-xê” với khả năng chọn kịch bản cực kỳ tốt. Anh thể hiện diễn xuất tuyệt vời trong việc mang đến một hình ảnh mới, vừa đáng yêu, vừa hài hước. Diễn xuất của anh khiến cho việc Hyun Woo khao khát được ly hôn trở nên hợp lý và tạo được sự đồng cảm với khán giả. Thoạt nhìn qua có vẻ vai diễn Hyun Woo khá đơn giản nhưng thực tế lại không phải vậy. Anh ta có rất nhiều những khoảnh khắc chuyển biến cảm xúc liên tục và Kim Soo Hyun thì đã thành công bộc lộ một cách tinh tế những suy nghĩ nội tâm của nhân vật. Lúc là một Hyun Woo đáng yêu, khóc lóc vật vã, khi lại là một Hyun Woo chân thành, mạnh mẽ, không ngại đối đầu với bất cứ ai,... Sự chuyển biến trong nội tâm nhân vật được mỹ nam họ Kim khắc họa rất đầy đủ và sinh động.
Kim Ji Won cũng tương tự, cô xây dựng thành công một Hae In lạnh lùng, cao ngạo nhưng tất cả chỉ là vỏ bọc cho nội tâm đổ vỡ. Khác với Hyun Woo, Hae In hiếm khi rơi nước mắt nhưng từ biểu cảm, những chuyển động rất nhỏ trên gương mặt của Kim Ji Won, khán giả có thể cảm nhận rõ nét sự sụp đổ bên trong tâm hồn cô. Để thấy, Hae In mới thực sự là “nữ hoàng nước mắt” trong bộ phim này, dù cô chẳng mấy khi khóc. Thêm vào đó, thần thái sang chảnh, quyến rũ của nhân vật, một nữ tài phiệt siêu giàu, cũng được Kim Ji Won thể hiện đầy thuyết phục.
Hai cái tên thực lực với hai màn thể hiện xuất sắc, tạo nên một tổng thể hoàn hảo. Sau 4 tập đầu, khán giả cảm nhận được phản ứng hóa học vô cùng bùng nổ của cặp đôi song Kim. Dù những cảnh tình tứ không nhiều, chủ yếu là tua nhanh trong vài phút đầu phim nhưng khán giả vẫn thấy được phản ứng hóa học bùng nổ giữa hai người. Chỉ là những cái cười mỉm, những khoảnh khắc rung động bất chợt cũng cho thấy được sự tung hứng hoàn hảo giữa hai người.
Ngoài cặp đôi song Kim thì dàn diễn viên còn lại góp phần làm nên một tổng thể không hề có lỗ hổng về mặt diễn xuất. Phản diện Park Sung Hoon xây dựng hoàn hảo sự biến thái, những suy nghĩ có phần lệch lạc của nhân vật Eun Sung. Tuy nhiên đáng tiếc khi nhân vật này khá dễ đoán, có lẽ một phần bởi khán giả đã quá quen với việc Park Sung Hoon đóng phản diện nên ngay khi anh ta vừa xuất hiện, khán giả đã thấy nhân vật Eun Sung “có vấn đề”. Những diễn viên khác như Kwak Dong Yeon, Lee Joo Bin, Kim Gab Soo,... cũng thể hiện vô cùng tròn trịa vai trò của mình.
Queen of Tears đã thành công mang đến một màu sắc rất mới trên màn ảnh Hàn. Vẫn là câu chuyện về hôn nhân giới tài phiệt nhưng lại là một chủ đề khác lạ và có sức nặng. Thêm vào đó, phần hình ảnh, bối cảnh, phục trang cũng góp phần làm bật lên chủ đề phim, nhất là sự khác biệt giữa hai bối cảnh: tài phiệt giàu có - nông thôn nghèo khó, đại diện cho sự tương phản giữa Hae In và Hyun Woo. Tựu chung lại, trừ một số tình tiết gây cười mang đến phản ứng trái chiều thì đây là một tác phẩm thú vị, mới lạ, đi ngược lại với những khuôn mẫu thông thường để tạo nên một sản phẩm độc đáo.
Nguồn ảnh: tvN