Cho đến tận thời điểm năm 2022, từ danh vọng đến tiền bạc và sự nổi tiếng: Quang Hải là cầu thủ bóng đá số 1 Việt Nam. Anh hơn các cầu thủ giỏi kiếm tiền khác về chuyên môn, và hơn những cầu thủ chuyên môn cao khác về khả năng kiếm tiền.
Hải là số 1 trong các số 1, ở bình diện V-League. Vì thế với tư cách là một cầu thủ chuyên nghiệp Việt Nam thì có thể khẳng định rằng Quang Hải không có gì để phải phấn đấu ở V.League nữa. Anh chỉ có thể làm dày hơn danh vọng và giữ lấy vị trí số 1, chứ về cơ bản thì Hải "con" đã có được mọi danh hiệu cao quý nhất đời cầu thủ ở các cấp độ CLB, đội tuyển quốc gia hay danh hiệu cá nhân cao quý khác như Quả Bóng Vàng, Huân Chương Lao Động.
Quang Hải đã có bộ sưu tập đồ sộ các danh hiệu.
Đấy là lý do mà Quang Hải cần xuất ngoại. Anh xuất ngoại để đi tìm cho mình những chân trời phấn đấu mới, để biết mình có thể bơi đến đâu, và để không ngủ quên trên chiến thắng, hay hư đi trong sự nuông chiều. Đấy là lý do Hải phải xuất ngoại: nâng cao trình độ chuyên môn và chinh phục những nấc thang sự nghiệp mới.
Nhưng tại sao việc này cần đưa lên bàn cân nặng-nhẹ chứ không phải vội vã để cảm tính cá nhân dẫn lối? Vì có những mặt hại khác mà Quang Hải sẽ phải đối mặt nếu rời bước khỏi dải đất chữ S. Chúng ta không cần nói đâu xa, mà nói ở những tấm gương trước Hải, cùng thế hệ với Hải.
Công Phượng là một cầu thủ đặc biệt của bóng đá Việt Nam, người vừa xuất hiện đã gánh trên vai những kỳ vọng kinh khủng từ người hâm mộ đến những ước vọng thầm kín của bầu Đức. Phượng vì vậy cứ lênh đênh trên con thuyền xuất ngoại, dù cho chuyên môn của anh không hề được nhớ đến.
Điều gì đưa Phượng đến một kỷ lục là cầu thủ Việt Nam đầu tiên và duy nhất trong lịch sử thi đấu ở 3 CLB chuyên nghiệp thuộc 3 quốc gia ngoài Việt Nam? Đấy không phải là chuyên môn, mà vì tâm lý.
Người Việt Nam đi qua hai cuộc chiến tranh, trải qua những năm tháng bao cấp, và chỉ hội nhập với thế giới được hơn 30 năm nay. Trong quá trình giao tiếp có tính lịch sử ấy, tâm lý người Việt Nam vô tình cũng nhìn thế giới với đôi mắt ngưỡng mộ.
Những cậu bé, cô bé học trò du học luôn được nhìn bằng con mắt khác. Lâu dần, các bậc phụ huynh đặt một trọng trách du học lên vai các em như một sự đổi đời, một sự mặc định về vinh quang bất chấp các khó khăn của các em ở xứ người.
Quang Hải được kỳ vọng rất nhiều ở chuyến xuất ngoại tới.
Tâm lý này từ giáo dục cũng diễn tiến đến các ngành nghề khác, và bóng đá đương nhiên cũng không tránh khỏi. Từ Huỳnh Đức, Công Vinh thuở sơ khởi đến Công Phượng, Xuân Trường, Văn Hậu những năm gần đây. Nếu Quang Hải bơi ra biển lớn vì chuyên môn thì không sao, nhưng ra đi vì nghĩa vụ phải đặt chân đến bến bờ xa xôi để nuông chiều tâm lý người hâm mộ "xuất ngoại ngon hơn" thì đấy là làm hại Quang Hải.
Cái hại tiếp theo đó là gì? Nói gì thì nói khi đặt chân đến môi trường mới dù có là Châu Âu, Châu Á hay Thái Lan, thì chắc chắn thời gian thi đấu của Hải sẽ không được nhiều như ở Việt Nam, không được mặc định đá chính, và nhiều khi còn cày ải trên ghế dự bị.
Quang Hải phải đặt cược giữa một bên là cảm giác chơi bóng thường xuyên, và một bên là sự chấp nhận học hỏi để rèn giũa. Điều này sẽ phần nào khiến phong độ của Quang Hải không được duy trì một cách có hệ thống như 5 năm qua - điều đặc biệt ở con người Quang Hải chính là thi đấu nhiều, đều, và ổn định.
Quang Hải liệu có thể xuất ngoại thành công?
Thế còn cái hại cuối cùng? Đương nhiên là chính đội tuyển quốc gia rồi. Cho đến lúc này của nền bóng đá Việt Nam, chính "Rồng Vàng" mới là lẽ sống của người hâm mộ, mức ưu tiên cao nhất và cũng quan trọng nhất. Quang Hải là "long nhãn" của "Rồng vàng".
Khi "long nhãn" mờ hay lạc lối vì những môi trường khác, vì sự ít cọ xát, phần nào đội tuyển quốc gia cũng bị ảnh hưởng. Mà đó lại là đội tuyển quan trọng nhất của bóng đá Việt Nam, thì đó là hại nhiều hơn lợi.
Nghe qua có vẻ ích kỷ chăng? Nhưng cũng phải thực tế, Quang Hải không có thể hình lý tưởng như Văn Hậu, không giỏi ngoại ngữ như Công Phượng, Văn Lâm, vị trí thi đấu của Quang Hải cũng gặp sự cạnh tranh vô cùng lớn vì đấy là vị trí có tính chất linh hồn của đội bóng. Quang Hải không phải là Zidane hay Pirlo để một đội bóng nước ngoài mới tuyển mộ phải xoay quanh anh vội vàng. Rất rõ ràng, bước vào một cuộc phiêu lưu lớn mà không đảm bảo thành công, mà chắc chắn thấy được đội tuyển quốc gia bị ảnh hưởng, thì đấy là cái hại đương nhiên phải cân nhắc.
Trong chúng ta, ai mà không mong thấy có cầu thủ Việt Nam thành công ở bến bờ xa, nhưng sau rất nhiều thất bại và việc khoác chiếc áo quá rộng, thì chúng ta cũng cần phải nhìn lại mọi thứ, để ngày đem chuông đi đánh xứ người không chỉ lợi nhiều hơn hại, mà còn thật đúng lúc, đúng chỗ.
Quang Hải tỏa sáng rực rỡ, CĐV Hà Nội FC đồng thanh: "Hải ơi, quay xe đi"