13h ngày 7/9, "siêu bão" Yagi đã tiến vào đất liền nước ta và các tỉnh miền bắc sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của cơn bão này. Theo dự báo, thời gian gió, mưa mạnh nhất ở các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của Yagi như sau: Hải Phòng - Quảng Ninh từ 13-19 giờ hôm nay; các tỉnh Thái Bình - Nam Định từ 16-22 giờ hôm nay; Hà Nội từ 18 giờ ngày 7/9 đến 1 giờ ngày 8/9.
Dưới ảnh hưởng nặng nề của siêu bão số 3 với sức tàn phá dữ dội, dưới đây là những điều các bạn sinh viên ở trọ tại Hà Nội, hay tại những địa phương chịu ảnh hưởng của bão cần hết sức lưu ý.
1. Liên hệ ngay với chủ nhà trọ để kiểm tra, chằng chống tăng độ vững chắc nhằm ứng phó với bão.
2. Bịt kín cửa và các khe cửa, cửa càng kín gió càng tốt để tránh gió lốc, nước mưa thổi tốc vào nhà. Kiểm tra cửa sổ, cửa chính và cố định chúng nếu cần.
3. Theo dõi thông tin: Cập nhật thường xuyên từ các phương tiện truyền thông chính thống để biết diễn biến mới nhất của bão và các chỉ dẫn từ chính quyền địa phương.
4. Chuẩn bị lương thực: Tích trữ đủ nước uống và thực phẩm không dễ hỏng để có thể tự cung tự cấp khi cần thiết.
5. Chuẩn bị đèn pin và pin dự phòng: Điện có thể bị cắt khi bão đến, do đó cần có ánh sáng dự phòng.
6. Giữ liên lạc: Lưu số điện thoại quan trọng như của bạn cùng phòng, chủ nhà trọ, gia đình và các dịch vụ khẩn cấp.
7. Biết vị trí khu lánh nạn: Tìm hiểu trước về nơi trú ẩn an toàn gần nhất trong trường hợp tình hình trở nên nguy hiểm. Nếu được yêu cầu sơ tán, sinh viên cần biết trước tuyến đường và phương tiện di chuyển.
8. Cẩn thận với điện: Tránh sử dụng các thiết bị điện trong bão để tránh nguy cơ giật điện hoặc hỏa hoạn.
9. Bảo quản giấy tờ quan trọng: Đảm bảo rằng các giấy tờ quan trọng như CMND/CCCD, bằng lái xe, giấy tờ học tập được bảo quản trong túi chống nước.
10. Tuyệt đối không ra khỏi nhà khi có mưa to, gió mạnh để tránh bị cây ngã đổ đè lên người, gió quật ngã hay tôn bay. Cần chú ý, khi vào tâm bão, thì gió và mưa ngừng hẳn, trời quang mây tạnh, nhưng ngay sau đó gió, mưa lại nổi lên với hướng ngược lại, vì vậy sau vài giờ bão, áp thấp nhiệt đới đi qua mới nên rời khỏi nhà.
11. Chăm sóc sức khỏe: Chuẩn bị bộ dụng cụ y tế cơ bản và thuốc men cần thiết cho các vấn đề sức khỏe thông thường.
Sau khi bão xảy ra, sinh viên ở trọ tại Hà Nội cần lưu ý những điều sau để đảm bảo an toàn và nhanh chóng trở lại cuộc sống thường ngày:
1. Kiểm tra tình trạng nhà trọ: Sinh viên cần kiểm tra kỹ lưỡng xem nhà trọ có bị hư hại gì không, đặc biệt là mái nhà, cửa sổ, và cửa ra vào. Nếu phát hiện hư hại nghiêm trọng cần liên hệ với chủ nhà để sửa chữa kịp thời.
2. Đảm bảo an toàn điện: Kiểm tra hệ thống điện để tránh nguy cơ chập điện hoặc điện giật, nhất là sau bão thường có nguy cơ cao về điện. Nếu không chắc chắn, hãy yêu cầu sự giúp đỡ từ người có kinh nghiệm.
3. Dự trữ nước sạch và thực phẩm: Đôi khi bão có thể gây gián đoạn nguồn cung nước và thực phẩm, sinh viên cần chuẩn bị sẵn nước uống sạch và thực phẩm khô có thể bảo quản lâu dài.
4. Cập nhật thông tin: Thường xuyên theo dõi thông tin từ cơ quan chức năng và trường học để biết tình hình thời tiết, tránh những khu vực ngập lụt hoặc nguy hiểm.
5. Thận trọng với các vấn đề sức khỏe: Bão có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe như cảm lạnh hay các bệnh truyền nhiễm do môi trường ẩm ướt. Hãy giữ ấm cơ thể và tìm kiếm sự chăm sóc y tế nếu cần.
6. Hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau: Cộng đồng sinh viên nên giúp đỡ nhau trong việc dọn dẹp hoặc chia sẻ nguồn lực cần thiết.
7. Lưu ý an toàn giao thông: Nếu cần di chuyển, hãy chú ý tới tình trạng đường sá bị hư hại hoặc ngập nước sau bão và tuân thủ hướng dẫn của cơ quan chức năng.
Bằng cách nắm rõ và thực hiện theo những lưu ý trên, sinh viên có thể giảm thiểu rủi ro và nhanh chóng ổn định cuộc sống sau bão.
Ngày 7/9, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh khuyến cáo người dân thành phố không ra khỏi nhà để tránh rủi ro, thiệt hại về người. Chủ tịch UBND nhấn mạnh trọng tâm là bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân và bảo vệ tài sản; đặc biệt chú trọng bảo vệ đê, hồ đập, những khu vực xung yếu, khu vực có nguy cơ cao về mất an toàn trên địa bàn... Người đứng đầu chính quyền Thủ đô đã yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó mưa, bão, lũ, thiên tai với tinh thần chủ động phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của nhân dân và Nhà nước.
Thường trực Thành ủy Hà Nội cũng yêu cầu tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền cho toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân nhận thức rõ mức độ nguy hiểm do bão số 3 gây ra, tập trung kêu gọi, vận động người dân khẩn trương về nơi cư trú an toàn; tránh tư tưởng phó mặc trong công tác phòng, chống bão cho cơ quan chức năng, đặc biệt là tư tưởng chủ quan, lơ là.
Tổng hợp